A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Phúc: Xử lý rơm rạ sau thu hoạch - Lợi ích kép cho nông nghiệp

Thay vì đốt rơm rạ sau thu hoạch, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân các địa phương đã sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa, từng bước tạo ra những cánh đồng không khói.

Thay vì đốt rơm rạ sau thu hoạch, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nông dân các địa phương đã sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa, từng bước tạo ra những cánh đồng không khói, vừa hoàn trả lại nguồn hữu cơ, tăng độ phì cho đất, vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm lúa gạo theo hướng bền vững.

Nông dân các địa phương trong tỉnh đang tiến hành phay đất sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý gốc rạ để gieo cấy lúa vụ Mùa 2022. Ảnh Thế Hùng

Những ngày này, nông dân các địa phương trong tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ xuân, chuẩn bị các điều kiện gieo cấy lúa vụ mùa 2022; đây cũng là thời điểm nông dân thường phải xử lý gốc rạ.

Hiện, toàn tỉnh có khoảng 52 nghìn ha diện tích gieo cấy. Hằng năm, lượng rơm rạ sau thu hoạch khá lớn. Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa vụ mùa, do nhu cầu sử dụng thấp và thời gian chuyển vụ từ vụ xuân sang vụ mùa rất ngắn (khoảng 20 ngày) nên phần nhiều bà con nông dân đã chọn cách đốt rơm rạ tại ruộng, gây ô nhiễm môi trường, làm tăng phát thải khí nhà kính, đặc biệt gây mất cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Theo tính toán của các nhà chuyên môn, trong 1 tấn rơm chứa khoảng 7kg đạm, 1,2kg lân, 20 kg kali, 40 kg silic và 400 kg carbon. Do vậy, việc đốt bỏ rơm rạ cũng có nghĩa là đã bỏ đi một lượng phân bón, chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.

Nhằm thúc đẩy, hỗ trợ nông dân tiếp cận nhanh với những tiến bộ khoa học, bổ sung phân hữu cơ, tăng độ phì nhiêu cho đất, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm công lao động và tăng năng suất cây trồng, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa giai đoạn 2022-2024.

Theo đó, ngay từ đầu vụ mùa 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ trên cây lúa; tập huấn quy trình kỹ thuật, triển khai mô hình; hỗ trợ 50% chi phí mua chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho cây lúa vụ mùa với tổng diện tích 5.000 ha.

Trong đó, 2 huyện trọng điểm lúa của tỉnh gồm Yên Lạc và Vĩnh Tường, mỗi địa phương được hỗ trợ 1.000 ha; các huyện Bình Xuyên, Sông Lô, Tam Đảo được hỗ trợ 500 ha; Lập Thạch 750 ha; Tam Dương 550 ha; thành phố: Phúc Yên, Vĩnh Yên mỗi địa phương 100 ha.

Đến nay, đơn vị đã cấp phát chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ tới các địa phương. Vụ mùa năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc triển khai hỗ trợ chế phẩm vi sinh Lacto Powder T xử lý gốc rạ thành phân bón hữu cơ trên cây lúa cho 45 xã, phường, thị trấn tham gia mô hình với quy mô 2.000 ha.

Ông Trần Duy Lịch, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Lúa sau khi được thu hoạch, dẫn nước vào ruộng giữ mức nước từ 2 – 3 cm, sử dụng 15 – 20 kg vôi bột/sào rải đều trên mặt ruộng, dùng máy lồng qua 1 lượt ruộng cho dập gốc rạ.

Dùng chế phẩm vi sinh rải đều trên mặt ruộng (lượng sử dụng: 28 kg/ha – tương đương khoảng 1 kg/sào). Tiến hành phay hoặc lồng lại 1 lượt nữa, cho thêm nước vào ruộng, giữ ngập mức nước 7 – 10 cm trong vòng 10 – 15 ngày. Sau đó tiến hành bừa, bón lót phân và trang phẳng ruộng để gieo cấy.

Với thành phần chủ yếu là các chủng nấm đối kháng và các vi sinh vật, sau khi sử dụng chế phẩm vi sinh, rơm rạ được phân hủy nhanh, mục nát kịp thời trước khi gieo cấy vụ Mùa; đồng thời giúp cải tạo đất, cung cấp thêm dinh dưỡng cho lúa, giảm hiện tượng vàng lá, ngộ độc hữu cơ, giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển thuận lợi tạo tiền đề cho năng suất, chất lượng cao.

Ông Lê Thế Mùi, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) cho biết: "Đây là vụ mùa thứ 2 gia đình tôi sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý gốc rạ sau thu hoạch. Trước đây, do không có nhu cầu sử dụng rơm rạ, sau mỗi vụ thu hoạch, gia đình thường đốt ngay tại ruộng, dẫn đến sau khi cấy, cây lúa thường bị vàng lá, rễ thâm đen, sinh trưởng chậm.

Vụ Mùa 2021, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ cho thấy, sau 14 ngày ngâm gốc rạ, chế phẩm giúp đất mềm hơn, dễ cấy, cây lúa phát triển tốt, đẻ nhánh khỏe, tập trung, hạn chế bị bệnh nghẹt rễ vàng lá sinh lý.

Đặc biệt, bộ rễ lúa phát triển mạnh, bám sâu vào đất tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng từ bên ngoài và cây lúa hạn chế gãy ngã khi có gió to. Nhờ vậy, cho số nhánh hữu hiệu nhiều bông, năng suất tăng từ 40-60 kg/sào; đồng thời giảm được 30% lượng phân bón, hạn chế tối đa thuốc BVTV".

Có truyền thống thâm canh lúa cao, 2 năm nay, sau khi thực hiện dồn thửa đổi ruộng, nông dân xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) đã chủ động đưa nhiều giống lúa mới vào gieo cấy, nhất là vụ mùa 2021, địa phương đã sử dụng hiệu quả chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch với diện tích 70 ha đã góp phần đưa năng suất lúa đạt hơn 60 tạ/ha. Vụ mùa này, địa phương tiếp tục xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học với diện tích 70 ha.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, quá trình xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh đơn giản, dễ thực hiện, thời gian xử lý ngắn, đáp ứng được yêu cầu thời vụ, đồng thời, hoàn trả lại nguồn hữu cơ cho đất, tăng năng suất lúa, bảo vệ và cải tạo môi trường đất.

Qua đó, hình thành phương thức sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, đáp ứng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương.

Theo Báo Vĩnh Phúc


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan