A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sắc màu nông thôn mới Thượng Bằng La

Là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển các vùng hàng hóa tập trung như: vùng trồng dược liệu, vùng nuôi ong, vùng cây ăn quả… nên xã Thượng Bằng La (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân từ đó phát huy được mọi nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Thượng Bằng La là 1 trong 3 xã đầu tiên của huyện sớm về đích xây dựng nông thôn mới từ năm 2016. Đây là tiền đề thuận lợi để xã tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao và hướng đến về đích vào cuối năm 2023.

Diện mạo khang trang

Đến Thượng Bằng La hôm nay dễ dàng bắt gặp cảnh người dân cùng nhau vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trồng và cắt tỉa hoa tại trục đường. 100% khuôn viên tại nhà văn hóa thôn đều được trồng cây bóng mát; 100% các tuyến đường trong xã, thôn đều có rãnh, cống đảm bảo thoát nước không để lầy lội, úng ngập khi mưa làm hư hỏng mặt đường hoặc gây sạt lở.

​Ngoài ra, xã đã thực hiện lắp các biển báo giao thông tại các điểm giao nhau đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, đường trục thôn xóm, đường liên thôn xóm. Toàn bộ 15/15 thôn có hệ thống đèn chiếu sáng.

Nhằm nâng cao đời sống nhân dân, hàng năm UBND và các đoàn thể luôn tổ chức các giải phong trào như bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng đá, giao lưu văn nghệ vào các dịp lễ, tết của đất nước, địa phương. Nhờ đó đã thúc đẩy phong trào văn hóa, thể thao trong cộng đồng dân cư các thôn sôi nổi phát triển.

Hiện cả 15/15 thôn trong xã đều có đội bóng chuyền, đội văn nghệ, câu lạc bộ thơ ca, câu lạc bộ dưỡng sinh sinh hoạt hàng ngày tại nhà văn hóa thôn để cho nhân dân cùng giao lưu, tham gia rèn luyện sức khỏe. Ngoài ra, xã còn có 1 đội văn nghệ dân gian liên thế hệ chuyên về hát then, múa dậm thuông, đàn tính; câu lạc bộ thể thao môn bóng đá nữ và nhiều các câu lạc bộ khác...

Đặc biệt, thôn Nông Trường đã lựa chọn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nên việc phát triển kinh tế hàng hóa, đầu tư diện mạo làng quê được chính quyền thôn hết sức quan tâm. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người tại thôn đã nâng lên trên 50 triệu đồng. Các vùng sản xuất như cây ăn quả, lúa đã được áp dụng khoa học kỹ thuật. Thôn đang duy trì ổn định gần 100 ha và phát triển thêm trên 15 ha cam. Cùng đó, thôn có gần 20 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô tập trung.

Điểm nhấn kinh tế hàng hóa

Một trong những điểm nhấn mang lại sức sống mới cho Thượng Bằng La đó chính là xã đã hoàn thành rất tốt tiêu chí tổ chức sản xuất. Xã đã quan tâm thành lập đến 5 HTX và 17 tổ hợp tác. Trong đó có 2 HTX khai thác vật liệu xây dựng, 1 HTX trồng cây dược liệu, 2 HTX sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP và các THT về nuôi trồng thủy sản, sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, chăn nuôi bò sinh sản.

Tiêu biểu như HTX Lũng Lô đang tập trung trồng dược liệu trên diện tích 20ha. Để bảo đảm tính bền vững, các thành viên HTX luôn theo dõi thị trường, bám sát các chủ trương, chính sách về phát triển dược liệu, trồng thử nghiệm và nhân rộng những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường ở từng thời kỳ sau đó mới nhân rộng.

-7637-1698813007.jpg

Kinh tế hàng hóa là đòn bẩy thúc đẩy nông thôn mới nâng cao.

Mô hình trồng dược liệu của HTX đang thu hút ngày càng nhiều hộ dân tham gia theo tinh thần lấy cộng đồng làm nòng cốt, tạo chuỗi liên kết sản xuất, nâng cao hiệu quả và tận dụng tối đa mọi nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiện, HTX đã liên kết được với các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề đầu ra.

Để tận dụng vùng cây ăn quả và diện tích rừng tại địa phương, HTX Lũng Lô còn phát triển thêm nghề nuôi ong mật và đầu tư máy móc nhằm hoàn thiện sản phẩm. Ban giám đốc HTX còn tạo điều kiện cho các thành viên, người lao động tham đầy đủ các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Từ khi tham gia HTX, thu nhập và cuộc sống các thành viên, người lao động cũng ổn định hơn trước.

Ngoài vùng trồng dược liệu, xã Thượng Bằng La là một trong những vùng trồng cam, quýt chủ lực của huyện Văn Chấn với 13/15 thôn và trên 2.000 hộ trồng cam, quýt. Từ khi trồng cam, quýt đã có nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Trong đó có Tổ hợp tác chuyên canh cam Thiên Tuế đang trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Tổ hợp tác thống nhất tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác từ khâu làm đất, bón phân hữu cơ hoai mục, dùng bả sinh học diệt các loại côn trùng hại quả. Đặc biệt, để sản xuất ra những trái cam sạch, các thành viên chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép, không mua thuốc trôi nổi và sử dụng tràn lan, thời gian cách ly tối thiểu 14 ngày. Hàng tuần, hàng tháng các thành viên trong tổ đều tiến hành kiểm tra chéo để đảm bảo mọi hoạt động trồng và chăm sóc theo đúng quy chuẩn.

Phát triển trồng cam hàng hóa không chỉ tháo gỡ được khó khăn những ngày đầu về kinh tế mà thực sự đây đã là “trái vàng” giúp các thành viên trong tổ hợp tác có nguồn thu trên dưới 1 tỷ đồng/năm.

Nhờ làm tốt vai trò phát triển các mô hình kinh tế tập thể, Thượng Bằng La đã xây dựng được vùng cây ăn quả 440ha ở các thôn Thiên Bữu, Nông Trường, Trung Tâm. Ngoài ra, xã còn hình thành vùng trồng măng điền trúc khoảng 400 ha ở thôn Dạ; vùng trồng cây lâm nghiệp 300 ha ở thôn Văn Tiên, thôn Yên Hưng; vùng lúa chuyên canh 2 vụ với diện tích 230 ha, vùng sản xuất chè kinh doanh trên 116 ha.

Tự tin về đích

Những vùng nông sản hàng hóa được quy hoạch bài bản đã tạo nên bức tranh nông thôn đầy màu sắc cho Thượng Bằng La. Điều này cũng cho thấy phát triển kinh tế hàng hóa chính là đòn bẩy thuận lợi cho xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Bởi từ quá trình tổ chức sản xuất, chính quyền xã Thượng Bằng La đã tập trung vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Tranh thủ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và nguồn xã hội hóa, xã tập trung nguồn lực hoàn thành tốt 3 tiêu chí là môi trường, bảo hiểm y tế và xây dựng cơ bản, phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao vào cuối tháng 11/2023, làm tiền đề để xã hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm theo đúng lộ trình, kế hoạch.

Cùng 3 tiêu chí trên, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đã tích cực thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh như: chính sách phát triển chăn nuôi hàng hóa theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh, các dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, để tập trung đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao giá trị chất lượng sản phẩm.

Cùng với đó, xã thành lập 15 tổ tự quản vệ sinh môi trường, 15 tổ tự quản an ninh trật tự, phát triển được hơn 40 mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô tập trung, 1 cơ sở gạch không nung công suất 10 nghìn viên/ngày, 1 trang trại chăn nuôi thỏ quy mô 30ha, 5 cơ sở chế biến gỗ và trên 100 hộ sản xuất kinh doanh.

Kinh tế phát triển, đời sống người dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2023 dự ước đạt 50 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng so với năm 2016. Tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95%. Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư xây dựng đồng bộ, khang trang, đời sống người dân được thay đổi cả vật chất lẫn tinh thần.

Với tiềm lực kinh tế, tinh thần đoàn kết đồng lòng, nhân dân nhiệt tình tham gia vào việc xây dựng các tiêu chí nông thôn mới khác bằng việc tự nguyện đóng góp 50% kinh phí, hiến đất, ngày công bê tông hóa các tuyến giao thông nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở.

Với quyết tâm hoàn thành xã nông thôn mới nâng cao vào cuối năm nay, xã Thượng Bằng La tiếp tục huy động sự chung tay, đóng góp của người dân, doanh nghiệp chung sức đồng lòng để về đích mục tiêu đã đặt ra.

Minh Nhương


Tác giả: Diện mạo khang trang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết