A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Rau, hoa hữu cơ phủ sóng đất phèn, nông dân thu bạc triệu

Những năm qua, để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã chủ động chuyển đổi sản xuất rau, hoa theo hướng VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh thái mang lại giá trị cao trên những cánh đồng phèn, mặn, cằn cỗi.

Đức Huệ là huyện vùng biên phía Đông Bắc tỉnh Long An, chất đất chủ yếu là phù sa cổ xen lẫn các vật liệu sinh phèn, nên gây không ít khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Để “biến nguy thành cơ”, nông dân địa phương đã chủ động phát triển những mô hình mới.

Thu bạc triệu từ hoa thiên lý

Một trong những mô hình mới giúp nông dân Đức Huệ gặt hái nhiều thành công nhất những năm gần đây là mô hình trồng hoa thiên lý theo hướng hữu cơ.

Đến nay, mô hình trồng hoa thiên lý đang liên tục được nhân lên trên địa bàn huyện Đức Huệ, với diện tích hiện đạt trên 40ha, hầu hết đều được triển khai theo hướng hữu cơ, VietGAP, thu hút hàng trăm lao động sản xuất, tập trung chủ yếu ở các xã Bình Hòa Bắc và Mỹ Thạnh Đông.

Anh Phùng Tiến Đức, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xã Bình Hòa Bắc, một trong những hộ đầu tiên trồng hoa thiên lý tại địa phương, chia sẻ nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, hoa thiên lý cho thu hoạch sau 4 tháng trồng. Hiện, nhờ nhu cầu cao, đầu ra sản phẩm khá ổn định, giá bán đạt 60 – 70 nghìn đồng/kg.

-8229-1688358020.jpg

Hoa thiên lý đang cho hiệu quả kinh tế cao ở Đức Hòa. 

“Nhờ nắm vững kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, hơn 4.000 m2 hoa thiên lý của gia đình tôi luôn xanh mướt, cho thu hoạch quanh năm. So với cây lúa, thiên lý cho thu nhập gấp 5 lần, tức khoảng 200-300 triệu đồng/ha/năm”, anh Đức phấn khởi tiết lộ.

Không chỉ giúp các hộ sản xuất nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, mô hình trồng hoa thiên lý còn tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, với mức thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Chị Nguyễn Thị Mỹ, xã Mỹ Thạnh Đông, bộc bạch: “Từ ngày huyện phát triển trồng hoa thiên lý, nhiều phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định. Đặc biệt, với những phụ nữ lớn tuổi, không thể xin vào làm việc ở các doanh nghiệp, công việc thu hoạch hoa giúp họ có thêm tiền công, lại gần nhà để chăm sóc gia đình”.

Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Đức Hòa, mô hình trồng hoa thiên lý không chỉ mở ra hướng đi mới, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, mà còn góp phần thiết thực trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Hiệu quả cao từ trồng rau má

Bên cạnh hoa thiên lý, cây rau má hiện cũng đang là câu xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Đại diện UBND xã Hòa Khánh Tây cho biết, mô hình trồng rau má chỉ thực sự phát triển mạnh tại địa phương từ năm 2018. So với cây lúa truyền thống, rau má đang cho lợi nhuận cao hơn gấp 5 - 7 lần, giá trị bình quân đạt 150 - 200 triệu đồng/ha.

Đặc biệt, trong thời gian qua, với sự tham gia của một số HTX, tổ hợp tác, các hộ trồng rau má trên địa bàn xã đã chủ động ứng dụng quy trình sản xuất VietGAP, tình trạng lạm dụng hóa chất độc hại dần được loại bỏ, các loại phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học được ưu tiên sử dụng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc sản xuất sạch cũng đang giúp sản phẩm rau má Hòa Khánh Tây nâng cao chất lượng, được người tiêu dùng tin tưởng. Hiện, hầu hết sản phẩm được thương lái đến tận ruộng thu mua, giá ổn định ở mức 18 - 25 nghìn đồng/kg.

-6021-1688358020.jpg

Rau má cũng là một trong những mô hình điểm trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Đức Hòa.

Trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích cũng sẽ được kiểm soát để tránh tình trạng “vỡ quy hoạch”, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút.

Để phát triển bền vững, xã sẽ vận động người dân thành lập, tham gia các HTX, tổ hợp tác, để nâng cao nội lực, hình thành chuỗi giá trị, thu hút các bạn hàng lớn, có uy tín như siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, từ đó đảm bảo thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán.

Những điểm tựa thành công

Không chỉ có hoa thiên lý, rau má, các loại cây trồng chủ lực truyền thống của huyện Đức Hòa như lúa, chanh dây… cũng đang cho hiệu quả cao. Cuối năm 2022, toàn huyện có 5.824 hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 57,3% hộ đăng ký.

Để đạt được những thành công hiện tại, theo lãnh đạo UBND huyện Đức Hòa, bên cạnh nỗ lực của người dân, những năm qua ngành nông nghiệp huyện đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ.

Đơn cử, huyện đã thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/HU, ngày 28/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XII về Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đối với cây chanh và con bò giai đoạn 2021-2025, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được tập trung thực hiện theo hướng an toàn sinh học và đúng quy hoạch.

Từ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao như mô hình trồng rau má (90ha) tập trung chủ yếu ở xã Bình Hòa Nam, Bình Hòa Hưng, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây cho lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng/ha/năm; khoai từ (khoảng 75ha), tập trung chủ yếu ở xã Bình Hòa Bắc, lợi nhuận đạt khoảng 200 triệu đồng/ha/năm; nuôi cá của Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thủy sản Mỹ Thạnh Tây (khoảng 6ha) cho lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ha/vụ.

Ngoài ra, huyện còn chú trọng phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là nuôi bò thịt theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở những xã trong vùng quy hoạch; tập trung xây dựng các tổ hợp tác, HTX, vận động nông dân tham gia sản xuất theo hướng tập thể nhằm mời gọi, liên kết các doanh nghiệp tạo đầu ra cho nông sản. Hiện nay, toàn huyện có 8 HTX nông nghiệp đang hoạt động, 42 tổ hợp tác.

Nhờ thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Đức Hòa đã có những thay đổi rõ rệt. Toàn huyện chỉ còn 491 hộ nghèo; có 3 xã: Mỹ Thạnh Đông, Bình Hòa Nam, Mỹ Thạnh Tây được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 17/31 trường học đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới; 100% trạm y tế trên địa bàn các xã có bác sĩ phục vụ, số bác sĩ đạt 7,1/vạn dân; duy trì 100% xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế.

Với những kết quả đạt được, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước kết hợp huy động các nguồn lực trong xã hội để phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng kết nối liên xã, liên vùng, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh. Thực hiện tốt trong sản xuất và tiêu thụ, đem sản phẩm hàng hóa của huyện vào hệ thống mua bán hiện đại như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, San Hà Foodstore…

Lệ Chi


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết