Nông sản đối mặt nhiều rào cản
Thị trường nhập khẩu thiếu ổn định, sức tiêu thụ bị giảm đáng kể, chi phí tăng cao khiến rất nhiều mặt hàng nông sản, trong đó có nhiều loại mặt hàng xuất khẩu chủ lực rơi vào tình thế khó khăn.
Xuất khẩu gạo cũng đang đối diện nhiều khó khăn.
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho thấy, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 6 tỷ USD.
Theo đánh giá của VASEP, so với cùng kỳ năm ngoái con số trên tăng không đáng kể, nhưng đó là so sánh với 2021 - thời gian mà xuất khẩu gần như bị “đóng băng” do đại dịch Covid-19. Và con số này còn kém xa so với kim ngạch xuất khẩu cùng kỳ của những năm chưa có dịch.
Nguyên nhân của tình trạng xuất khẩu thủy sản tăng trưởng chậm là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và chính sách của các quốc gia có thị trường lớn áp dụng về phòng, chống dịch.
Điển hình là thị trường Trung Quốc vẫn theo đuổi đuổi chính sách "Zero Covid-19" nên có nhiều khắt khe hơn trong việc đưa ra các quy định kiểm dịch trên sản phẩm kiểm dịch, không ít lô hàng bị trả về hoặc tạm ngưng xuất khẩu sang thị trường nước này.
Ông Nguyễn Hải Đa - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản NTK (Cà Mau) cho biết, bên cạnh thị trường gặp nhiều khó khăn hơn trước thì điều kiện thiên nhiên năm nay mưa sớm, nắng nóng cũng làm giảm sản lượng một số thủy sản, nguy cơ thiếu nguyên liệu đang hiện hữu.
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP, mục tiêu xuất khẩu toàn ngành thủy sản đạt 10 tỷ USD năm nay có thể đạt được nhưng trước hết ngành phải vượt qua các thách thức như: duy trì nguồn nguyên liệu, tìm cách giảm chi phí vận chuyển, giảm chi phí bảo quản, đồng thời tăng cường năng lực chế biến…
Trong khi đó, ông Hà Quốc Tiến - Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu hạt điều Bù Đăng (Bình Phước), thời gian gần đây công ty gặp rất nhiều bất lợi trong kinh doanh do giá nguyên liệu điều thô nhập từ châu Phi tăng mạnh. Không chỉ giá mua bị đội lên, chi phí vận chuyển về Việt Nam cũng tăng gấp đôi, trong khi giá xuất khẩu điều nhân lại không tăng được bao nhiêu (tăng 1,45% so với cùng kỳ năm ngoái).
Ông Tiến cho rằng, do tình hình thế giới biến động, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công đoạn giám sát đơn hàng và khách hàng gặp nhiều trở ngại nên một số doanh nghiệp (DN) bị lừa khi đã thanh toán một phần theo hợp đồng, song hàng thì không về tới Việt Nam. Ở chiều ngược lại, hàng hóa xuất đi nhưng DN không nhận được tiền thanh toán cũng đã từng xảy ra.
Đề cập thêm đến những khó khăn của ngành điều, ông Phạm Văn Công - Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) chia sẻ, việc thu mua điều thô từ nước ngoài mùa vụ này không mấy thuận lợi vì sự tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá điều nhân xuất khẩu. Cụ thể là giá điều nguyên liệu đang ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, nên dự báo việc kinh doanh điều năm nay của các DN không mấy thuận lợi.
Trong khi đó, bà Trần Thị Vân - Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Vân Đông Nam (An Giang) chia sẻ, 6 tháng đầu năm công ty mới chỉ xuất khẩu được trên 21.000 tấn gạo, bằng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Ngoài nhu cầu thị trường giảm, nguyên nhân còn nằm ở chỗ, chi phí logistics tăng cao, trong khi giá xuất khẩu lại thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Bất lợi đủ thứ, từ thu mua đến xuất khẩu, không có lãi nên chủ trương của chúng tôi là hoạt động cầm chừng, phần lớn lượng gạo xuất khẩu đi là do hợp đồng ký được từ năm 2021” - bà Vân nói.
Qua tìm hiểu, tình trạng này đang xảy ra ở hầu hết nhiều DN xuất gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Trung Kiên - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cũng đánh giá, xuất khẩu gạo những tháng đầu năm giảm khá mạnh. Nhằm hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu, Sở đang tích cực các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Philippines...
Đề cập đến giải pháp lâu dài hơn, ông Kiên cho biết, sẽ hỗ trợ kêu gọi đầu tư hệ thống logistics phục vụ xuất khẩu.
Theo Đại đoàn kết