A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông sản của HTX vẫn nặng gánh vì logistics

Nông sản của các HTX đang giúp mang về hàng tỷ USD mỗi năm thông qua xuất khẩu. Thế nhưng, mặt hàng này chưa phát huy được thế mạnh để cạnh tranh với nhiều quốc gia khác do những cản trở về logistics.

Ông Trần Văn Quốc, Chủ tịch HĐQT HTX Mãng cầu xiêm Thuận Hòa (Hậu Giang), cho biết khó khăn hiện nay của HTX là sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng đã bị giảm phần nào chất lượng, mẫu mã. Nguyên nhân là vì HTX không có xe chuyên dụng nên không thể vận chuyển mãng cầu ra thị trường để bán, mà chỉ tiêu thụ tại chỗ. Phần lớn thành viên HTX chỉ bán được cho thương lái, dẫn đến dễ bị ép giá.

Trở ngại từ bảo quản đến vận chuyển

Còn theo bà Lò Thị Thủy, Giám đốc HTX Đoàn Kết (Sơn La), đến vụ thu hoạch, HTX phải dồn sức, dồn vốn để thu mua nông sản của nông dân, thành viên để hỗ trợ tiêu thụ. Dù đã có nhà kho để dự trữ nhưng do diện tích nhỏ, HTX không thể thu mua hết sản lượng của nông dân. Nếu mở rộng nhà kho, vấn đề đặt ra là HTX không chỉ tốn thêm chi phí xây dựng mà chi phí vận hành cũng rất cao nhưng chỉ sử dụng được theo mùa vụ nên không đạt hiệu suất kinh doanh.

Có thể thấy, quy trình tiêu thụ nông sản của các HTX hiện nay phần lớn là theo cách: HTX thu hoạch rồi bán cho thương lái, thương lái bán cho các đơn vị thu mua, đơn vị thu mua bán cho nhà sản xuất, nhà sản xuất tiếp tục bán cho nhà chế biến hoặc xuất khẩu. Như vậy, qua mỗi công đoạn lại tốn thêm phí trung gian cho khâu vận chuyển, từ đó làm tăng giá thành và chất lượng sản phẩm.

Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị các nước nhập khẩu cảnh báo, thu hồi, tiêu hủy vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng.

Thậm chí, nhiều HTX đầu tư kho lạnh nhưng vẫn còn thô sơ, chủ yếu là phòng kín nhưng diện tích nhỏ hẹp, cống suất thấp vì chỉ lắp thêm điều hòa. Cách làm này khó đáp ứng được yêu cầu thực tế của các địa phương vì số lượng nông sản tươi đang rất lớn. 

-9950-1665568096.jpg

Nếu nút thắt logistics được tháo gỡ, nông sản của HTX sẽ rộng đầu ra và có thêm sức cạnh tranh trên thị trường.

Đó là chưa kể để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, khâu bảo quản vận chuyển nông sản phải qua các bước đường dài, làm giảm tuổi thọ của sản phẩm.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, cho biết tỉnh An Giang canh tác xoài đạt chuẩn chất lượng cao nhưng doanh nghiệp này sau khi mua xoài của HTX phải vận chuyển về Bến Tre để sơ chế, bảo quản. Chỉ riêng tính đến khâu vận chuyển đường dài đã khiến xoài Việt Nam khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại ở các các nước trong khu vực.

“Nếu có nhiều trung tâm logistics, hạ tầng tại các địa phương hoàn chỉnh sẽ tăng năng lực cho nông sản và nông dân, thành viên HTX được hưởng lợi từ giảm giá thành trong khâu vận chuyển”, bà Thu nói.

Vị Tổng Giám đốc này cũng cho biết nếu vận chuyển trái cây bằng đường biển, chi phí logistics xuất qua Mỹ, EU hiện chiếm khoảng 25-30% quy trình sản xuất. Còn nếu vận chuyển bằng máy bay, chi phí logistics cao hơn 14-15 lần so với đường biển. Trong khi đó, cùng thị trường xuất khẩu nhưng chi phí logistics của Thái Lan, Trung Quốc chỉ khoảng 12-15% tổng quy trình sản xuất. “Lợi thế này là do Thái Lan, Trung Quốc có cơ sở hạ tầng logistics tốt hơn Việt Nam”, bà Vi nói.

“Lộ thông, tài thông”

Có thể thấy, nông sản của các HTX đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có khó khăn về hạ tầng bảo quản và logistics. Những điều này trực tiếp làm giảm sức cạnh tranh của các HTX, doanh nghiệp so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Ngược lại, nếu cơ sở hạ tầng bảo quản, logistics hoàn thiện sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng và tạo đầu ra bền vững cho các HTX.

Theo chia sẻ của các HTX, nếu như có kho lạnh đáp ứng nhu cầu, hạ tầng logistics phát triển, các HTX có thể tăng nguồn nguyên liệu đầu vào nhiều hơn nữa để giúp người dân tiêu thụ được sản phẩm. Bà Lò Thị Thủy, cho biết nhu cầu mở rộng kho lạnh của HTX là có nhưng nguồn vốn có hạn nên các thành viên HTX mong muốn được hỗ trợ, nhất là về vốn để đầu tư kho bãi một cách bài bản, giúp nâng cao năng lực thu mua, chế biến nông sản.

Chia sẻ về vấn đề logistics của Việt Nam, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) từng cho rằng địa hình của Việt Nam hẹp chiều ngang, khu vực kinh tế trọng điểm chia đều 2 đầu Bắc – Nam là một trong những nguyên nhân khiến chi phí logistics tăng cao.

Để khắc phục nhược điểm này, phát triển ngành đường sắt sẽ đáp ứng được phần lớn nhu cầu vận chuyển hàng hóa đường dài. Tuy hiên, ngành đường sắt hiện nay chưa thể hiện rõ vai trò của mình trong hệ thống logistics.

Còn ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải và thương mại đường sắt, cho rằng dù đã mở mở một số tuyến đường sắt phục vụ xuất khẩu hàng hóa sang một số nước nhưng phương tiện này cũng chưa được doanh nghiệp, HTX xuất khẩu nông sản ưa thích. Nguyên nhân là vì thời gian vận chuyển bằng đường sắt kéo dài hơn so với đường biển và hàng không.

Theo các chuyên gia, hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam hiện giống theo hình xương cá với một trục quốc lộ chính nên không tạo được sự thông thoáng trong quá trình vận chuyển, dễ bị tắc nghẽn và gia tăng thời gian lưu thông.

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề vận chuyển cho nông sản, trước tiên các địa phương cần đẩy mạnh liên kết vùng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa. Từng địa phương hoặc các địa phương gần kề phải hình thành các trung tâm logistics nhằm giúp các HTX không bị áp lực về thời gian chốt giá, chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm và nhận lợi nhuận phù hợp so với công sức, chi phí của đã đầu tư.

Tuy nhiên, muốn làm được điều này rất cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Trước tiên là các địa phương cần có chính sách vốn, đất đai… bởi chỉ người dân, HTX đầu tư thì khó hoàn thiện chuỗi logistics. Bên cạnh đó cần hoàn thiện hạ tầng theo hướng hiện đại có tính liên kết với các trục giao thông chính, khai thác cảng hiệu quả để HTX, doanh nghiệp lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Khi đường sá phát triển sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.

Huyền Trang


Tác giả: Trở ngại từ bảo quản đến vận chuyển
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan