Mô hình tổ liên kết kinh tế tại xã Quảng An
Dựa trên những điều kiện địa phương như đất đai, thổ nhưỡng, giống cây trồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng An (Quảng Điền) đã tổ chức những mô hình tổ liên kết kinh tế, mang lại năng suất và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Nhiều sản phẩm sạch của phụ nữ được bày bán tại các gian hàng
Tại làng An Xuân, huyện Quảng Điền, Hội LHPN xã Quảng An đã thành lập được tổ liên kết trồng sen với 23 thành viên là các chị từ các chi, tổ hội tham gia.
Chị Đặng Thị Huệ - Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng An chia sẻ, trước đây các chị em chủ yếu trồng lúa, vất vả quanh năm nhưng thu nhập không cao. Nhận thấy thực trạng đó nên từ diện tích đất khó sản xuất của xã (hơn 10ha), Hội LHPN xã vận động chị em cải tạo đất, chuyển từ mô hình trồng lúa sang trồng sen. Người trồng nhiều nhất 2ha, ít thì vài sào. Qua vài vụ sen đã bước đầu đem lại hiệu quả và thu nhập cao cho các hộ gia đình tham gia.
Hàng năm, Hội LHPN xã thường xuyên phối hợp với phòng nông nghiệp tổ chức lớp tập huấn về trồng sen cho chị em. Khi thu hoạch, Hội LHPN xã là nơi giúp các chị kết nối với khách hàng, quảng bá sản phẩm lên mạng xã hội, giúp các chị có đầu ra về sản phẩm.
Từ mô hình tổ liên kết trồng sen này, chị Đặng Thị Sinh, thôn An Xuân Đông, đã phát triển mô hình khởi nghiệp trồng sen tại hộ gia đình với 1,5ha. “So với sen Huế, hạt sen làng An Xuân có giá rẻ, nhưng chất lượng không hề kém cạnh. Nếu không bị mất mùa, khoảng từ rằm tháng 4 đã có hạt sen. Do làng An Xuân nằm tại khu vực gần phá Tam Giang nên giống sen này được trồng trên vùng nước có độ mặn, đất bùn, tạo nên hạt sen to, dẻo, bở và thơm”, chị Sinh chia sẻ.
Chị cũng cho biết thêm, mô hình trồng sen nếu đạt năng suất và giá thành tốt thì thu nhập gấp hai lần trồng lúa. Tuy nhiên, nếu mất mùa thì vụ đó xem như mất trắng. Sen ở vùng này thường bị bệnh thán thư. Đây là loại bệnh mà khi mắc phải ban đầu trên lá sen xuất hiện với vết bệnh là những đốm tròn nhỏ hoặc không có hình dạng nhất định, màu nâu nhạt dưới lá, sau chuyển sang màu nâu sậm có viền đỏ hoặc quầng vàng lan rộng xung quanh. Khi bệnh nặng, các vết bệnh liên kết với nhau và làm lá thối hỏng hoặc khô rụng. Còn trên thân, vết bệnh màu nâu xám, hơi lõm làm thân teo lại, cháy khô, chưa tìm được nguyên nhân bệnh.
Bên cạnh trồng sen, xã Quảng An còn có tổ liên kết trồng chuối ba lùn tại thôn Phú Lương B với 30 thành viên của Hội LHPN xã tham gia. Thôn Phú Lương B là nơi có diện tích đất vườn rộng, do vậy đa số các hộ đều trồng chuối ở khu vực ven sông để có thêm thu nhập.
Chị Huệ kể, sau khi ra mắt, tổ liên kết trồng chuối ba lùn hoạt động hiệu quả, đem lại việc làm và một số lợi nhuận ban đầu cho chị em. Tuy nhiên, đợt lũ kéo dài cuối năm 2020 khiến diện tích đất trồng bị ngập úng, nhiều cây giống bị hư hại và chết. Hội LHPN tỉnh, huyện và tổ chức Huế Help đã có sự quan tâm, hỗ trợ sinh kế cho các thành viên của tổ liên kết. Các chị được hỗ trợ cây chuối con, gà giống, heo giống để tái sản xuất.
Đến nay, tại tổ liên kết này đã cho ra kết quả tốt khi giống chuối ba lùn được nhân rộng, trái ngọt, dẻo và cây rất sai quả. Tuy giá có rẻ, chỉ từ 7 ngàn đồng một nải nhưng số lượng bán ra được nhiều nên thu nhập của các chị em tương đối ổn định. Các chị em cũng thường xuyên giới thiệu người mua cho nhau, hỗ trợ nhau về giá nên không sợ tình trạng bị ép giá khi buôn bán.
Việc triển khai những mô hình tổ liên kết nên được phát huy và nhân rộng trên nhiều địa bàn trong tỉnh khi đây là mô hình đã tạo điều kiện để thu hút các chị em phụ nữ tham gia. Mô hình này cũng nâng cao nhận thức cho phụ nữ về phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu, tạo công ăn việc làm ổn định cho các chị cũng như các hộ gia đình.
Bài, ảnh: An Nhiên