Liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, trong đó hợp tác xã (HTX) làm khâu trung gian kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến sản phẩm đang được ngành nông nghiệp từng bước nhân rộng.
Trưng bày, giới thiệu nông sản an toàn
Xu thế tất yếu
Ông Nguyễn Ba, Giám đốc HTX An Lỗ (Phong Điền) cho rằng, trước yêu cầu nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng khắt khe không còn con đường nào khác ngoài tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Cách đây vài năm, HTX tiến hành kết nối, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các nhà phân phối, cung ứng để sản xuất, tiêu thụ gạo hữu cơ.
Bước đầu còn gặp một số khó khăn nhất định, do hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu nên năng suất, sản lượng thấp. Nhiều người dân chưa có thói quen sử dụng gạo hữu cơ, an toàn gây khó khăn trong đầu ra sản phẩm. Dịch COVID-19 trong thời gian qua làm ảnh hưởng lớn đến năng lực tiêu thụ, do các trường học tạm dừng, sản phẩm khó đến với các cơ sở phân phối, tiêu thụ khó khăn.
Hai vụ lúa vừa qua, năng lực tiêu thụ của gạo hữu cơ An Lỗ bắt đầu ổn định trở lại. Thương hiệu gạo An Lỗ cũng được nhiều khách hàng, thị trường biết đến và đánh giá cao. Đây cũng là bước khởi đầu trong việc chuyển đổi nhận thức của người dân trong sản xuất, tiêu thụ, sử dụng gạo hữu cơ an toàn nhằm đảm bảo chất lượng, sức khỏe. HTX tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, thị trường tổ chức nhân rộng diện tích, sản lượng lúa gạo hữu cơ.
Nắm bắt xu hướng của thị trường, HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2 (Quảng Điền) đã liên kết với nông dân tổ chức sản xuất rau má hữu cơ, an toàn. Sản phẩm rau má hữu cơ làm nguyên liệu phục vụ chế biến bột rau má matcha hữu cơ. Sản phẩm tạo ra đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tiêu thụ ổn định trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh phía nam, TP. Hồ Chí Minh.
Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ 2, ông Nguyễn Lương Trí khẳng định, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu trước xu thế thị trường khắt khe và hội nhập quốc tế. Không chỉ đối với sản phẩm rau má, tại xã Quảng Thọ cũng đã bước đầu hình thành một số mô hình trồng cà chua hữu cơ, VietGAP, trồng lúa theo chuỗi giá trị với các giống chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm…
Tiếp tục nhân rộng
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Long An thông tin, để đảm bảo khâu trung gian, kết nối tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn, ngành nông nghiệp chú trọng thành lập mới các HTX và các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, HTX. Năm vừa qua, ngành nông nghiệp vận động thành lập mới một số HTX tại vùng đặc biệt khó khăn. Tại huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã thành lập mới các HTX Hương Hữu, A Roàng, Hồng Vân. Một số HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số như HTX Lâm nghiệp bền vững Thượng Nhật (Nam Đông) đầu tư 2,2 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, máy cưa xẻ gỗ, tạo việc làm ổn định cho 12 thành viên, thu nhập bình quân mỗi lao động 7 triệu đồng/tháng.
Hoạt động liên kết trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Một số doanh nghiệp tích cực tham gia liên kết với hộ dân, HTX trong tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả. Từ đó, từng bước mở rộng diện tích vùng nguyên liệu có chất lượng như nông sản an toàn, VietGAP, hữu cơ, rừng FSC, PSC… Các sản phẩm tạo ra được nâng cao chất lượng, giá trị và ổn định đầu ra theo chuỗi liên kết.
Đáng kể là mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo với diện tích 5.000ha toàn tỉnh, trong đó hơn 500ha sản xuất lúa giống. Các HTX, nông dân liên kết với Công ty Quế Lâm tổ chức sản xuất gạo hữu cơ với diện tích 300ha, chăn nuôi lợn hữu cơ với 300 con heo nái và 6.000 con heo thịt. Một số HTX tổ chức tiêu thụ, chế biến lúa gạo như HTX Phú Hồ, Phú Thanh, liên kết sản xuất, chế biến mướp đắng Thủy Dương. Các HTX: Tam Giang, Thống Nhất, Tín Lợi, Thắng Lợi (Quảng Điền) liên kết với Nhà máy rượu Sake tổ chức sản xuất và tiêu thụ khoai lang. Các HTX lâm nghiệp bền vững liên kết với Công ty Scansia Pacific tiêu thụ gỗ rừng trồng. HTX Nông nghiệp Mỹ Á sản xuất, tiêu thụ dầu lạc hữu cơ…
Tuy nhiên theo đánh giá của ông Nguyễn Long An, nhìn chung công tác đổi mới, phát triển hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, còn nhiều khó khăn, lúng túng. Hoạt động liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp với nông dân, HTX chưa thật sự phổ biến rộng rãi và giá trị liên kết còn thấp. Nhiều HTX, nông dân vẫn còn chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng, chưa triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng của nông sản. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở trong tỉnh và sức cạnh tranh còn yếu so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Mục tiêu, định hướng của ngành nông nghiệp là nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX đảm bảo tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, bao tiêu, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, đảm bảo quy mô hàng hóa, sức cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, kết hợp nhân rộng các mô hình chuỗi giá trị như lúa chất lượng cao, giống lúa xác nhận, lợn thịt, bò thịt, tôm nuôi, gỗ rừng trồng…
Bài, ảnh: Hoàng Triều - Nhật Hoàng