Liên kết làm giàu trong HTX nuôi trồng thủy sản
Những năm gần đây, cùng với hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP đang cho thấy tiềm năng lớn, mang lại lợi ích cao về kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân tại nhiều địa phương.
Được thành lập từ năm 2019, HTX nuôi trồng thủy sản xã Gia Minh đang trở thành một trong những lá cờ đầu dẫn dắt hoạt động sản xuất thủy sản theo hướng an toàn sinh thái trên địa bàn xã Gia Minh, một vùng đất chiêm trũng ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
Chuyển biến tích cực
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình, HTX đã tiến hành chuyển đổi diện tích 20ha vùng trũng cấy lúa kém hiệu quả, hàng năm chỉ cấy được 1 vụ sang nuôi một số loại cá đặc sản, có giá trị kinh tế cao như cá trôi, chép, trắm...
Để hoạt động hiệu quả, Hội đồng quản trị phân công cụ thể cho thành viên theo từng vị trí như bộ phận chuyên về vốn, bộ phận chuyên về hoạt động mua bán sản phẩm…
Đại diện UBND xã Gia Minh cho biết, đến nay, toàn xã có gần 300 ha nuôi thủy sản, trong đó diện tích ao nổi là 30 ha. Số hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ nuôi thủy sản đã không còn là chuyện hiếm.
Riêng HTX Thủy sản Gia Minh hiện đã có 27 thành viên, với diện tích nuôi thủy sản được mở rộng lên 22 ha. Đặc biệt, hiệu quả hoạt động từ các mô hình của HTX còn thu hút được nhiều thành viên từ các địa phương lân cận như xã Gia Lạc hay xã Thượng Hòa (huyện Nho Quan)…
Kể từ năm 2017 đến nay, việc chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản ở xã Gia Minh đã cho thấy nhiều ưu điểm với ưu điểm không phá vỡ hiện trạng đồng ruộng, đồng thời đảm bảo thuận lợi để chuyển sang hình thức sản xuất khác, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Việc liên kết cùng sản xuất, nuôi trồng thủy sản trong HTX đang giúp nhiều nông dân làm giàu. |
Tương tự, ở Hoằng Hóa (Thanh Hóa), nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản mang tại giá trị kinh tế cao, giúp người dân có thu nhập ổn định. Điển hình, HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu, xã Hoằng Lưu đang trở thành “bà đỡ” tin cậy cho thành viên nói riêng và cho cả người dân trong xã nói chung.
Ông Chu Hữu Độ, Giám đốc HTX Hoằng Lưu, chia sẻ trước đây, gia đình ông cũng như các thành viên HTX đều nghèo khó. Từ ngày thành lập HTX, kinh tế gia đình của tất cả thành viên trong HTX đã khấm khá lên rất nhiều.
Tháo gỡ vướng mắc
Theo tìm hiểu, HTX Hoằng Lưu hiện có 45 thành viên, trong đó có 25 thành viên nuôi trồng thủy sản với diện tích 150 ha. Nhờ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm nên hoạt động của HTX ổn định và từng bước phát triển, sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường trung bình hơn 100 tấn/năm.
“Các thành viên không chỉ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nuôi thả con giống, từ việc lựa chọn, mật độ thả, vệ sinh ao,... đến việc chủ động phòng bệnh cho cá, mà còn thường xuyên được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Đến nay, một số hộ thành viên của HTX đã triển khai mô hình nuôi tôm trong bể xi măng hoặc ao phủ bạt. Nhờ làm chủ công nghệ, các hộ có thể thâm canh tăng vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đa số các hộ có doanh thu bình quân hàng trăm triệu đồng/năm trở lên, giúp nhiều hộ thành viên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, Giám đốc HTX Chu Hữu Độ nói.
Không chỉ hoạt động đơn lẻ, ở nhiều địa phương đã hình thành được các chuỗi giá trị thủy sản. Tiêu biểu như Thanh Hóa đã hình thành 102 chuỗi liên kết thủy sản do các HTX làm chủ, cung ứng gần 48.000 tấn thủy sản/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Hay ở Ninh Bình đã xây dựng được 30 HTX chuyên ngành thủy sản với hơn 700 thành viên nhằm hỗ trợ người dân sản xuất và tìm kiếm đầu ra…
Đang có những chuyển biến tích cực, góp phần đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo tại nhiều địa phương, tuy nhiên cần thẳng thắn nhìn nhận hoạt động của các HTX thủy sản còn không ít khó khăn cần tháo gỡ.
Một trong số đó là tình trạng các HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất, xây dựng nhà kho, nhà xưởng bảo quản, chế biến sản phẩm... Từ đó dẫn đến hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoàn thiện chuỗi giá trị, khó thu hút liên kết với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, khó khăn về tiếp cận tín dụng, tích tụ đất đai, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đang được xem là điểm nghẽn trong xây dựng chuỗi giá trị của các HTX thủy sản.
Trước những khó khăn trên, theo các chuyên gia, để khuyến khích các HTX liên kết doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến tiếp cận thị trường để nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, các địa phương cần lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nhất là nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ, thúc đẩy các HTX nói chung và HTX thủy sản nói riêng phát triển...
Bên cạnh đó, cần tổ chức các chương trình để giới thiệu, nhân rộng các điển hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị trong các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông sản an toàn là một kênh giúp cho việc tiêu thụ nông sản nói chung, thủy sản nói riêng được rộng mở hơn.
Họa Mi