Gỡ khó để HTX hạn chế rủi ro trong sản xuất lúa hữu cơ
Sản xuất lúa hữu cơ có chứng nhận đối với không ít HTX, doanh nghiệp là vấn đề không hề dễ bởi từ khâu bảo đảm vùng nguyên liệu, liên kết đến phân phối, tiêu thụ đều có tiêu chuẩn cụ thể. Nhưng chỉ có sản xuất hữu cơ đạt chứng nhận thì cơ hội tiêu thụ, liên kết của người dân, DN, HTX mới cao và tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.
HTX Nông nghiệp An Lỗ (Thừa Thiên Huế) từng gặp khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo hữu cơ dẫn đến tồn đọng. Đặc biệt khi liên kết sản xuất với doanh nghiệp, HTX phải áp dụng kỹ thuật, máy móc tiên tiến nhưng điều này cũng gặp nhiều trở ngại vì thiếu nhân lực vận hành máy cũng như hạn chế diện tích làm mạ khay. Do đó, nhiều thời điểm, HTX rơi vào tình trạng bị động và tăng chi phí đầu tư.
HTX và doanh nghiệp cùng khó
Tại tọa đàm "Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ - khó hay dễ?" tổ chức ngày 15/08, ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (thương hiệu Gạo hữu cơ SEPON), cho biết hiện giá thu mua lúa cho người dân là 13.000/kg, lãi 40 triệu đồng/ha. Với mức giá này, người dân bảo đảm lãi hơn làm lúa thường 30%.
“Điều này cho thấy, chỉ có thu mua bằng giá này hoặc cao hơn, người dân mới hợp tác với doanh nghiệp. Trong đó làm việc với khoảng 6.000 hộ dân đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng diện tích nhỏ lẻ, chia cắt”, ông Hồ Xuân Hiếu cho biết.
Có thể thấy, sản xuất lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn là vấn đề khó không chỉ với người dân, HTX mà còn đối với cả doanh nghiệp. Hiện, rất nhiều HTX vẫn khó khăn trong áp dụng các tiêu chuẩn như quản lý sâu bệnh, máy móc, xử lý phân bón, áp dụng kỹ thuật. Đó là chưa kể để phát triển được chuỗi giá trị, HTX, doanh nghiệp còn phải quan tâm đến nhiều vấn đề từ chế biến, phân phối…
Anh Nguyễn Văn Tiệp, thành viên HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Nam Cường (Thái Bình), cho biết hiện anh chưa rõ việc dùng phân gà vào mục đích để đuổi chuột nhằm hạn chế thuốc hóa học thì phân gà được lấy trực tiếp từ chuồng hay phải qua các khâu xử lý khác. Hay khâu kết hợp sữa và trứng để bổ sung dưỡng chất cho lúa cần thực hiện theo công thức cụ thể nào.
Sản xuất lúa hữu cơ có chứng nhận mở cơ hội tiêu thụ, nâng khả năng cạnh tranh cho HTX, doanh nghiệp. |
Các chuyên gia cho rằng, theo quy định hữu cơ châu Âu, nguồn phân sử dụng phải là nguồn phân hữu cơ, hoặc từ mô hình chăn nuôi nông hộ, không được sử dụng nguồn phân từ trang trại chăn nuôi công nghiệp. Và khi sử dụng phân gà thì bắt buộc phải qua quá trình xử lý, ủ cùng men vi sinh mới được sử dụng.
Việc sử dụng sữa và trứng mang lại hiệu quả trong tăng năng suất, chất lượng hạt lúa nhưng buộc HTX phải phun bằng máy bay không người lái. Đi liền với đó, HTX cần tính toán đến bài toán giá thành khi áp dụng phương pháp này. Thay vào đó, HTX có thể sử dụng các sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ trứng, sữa để giải bài toán chất lượng và giá thành.
Rõ ràng, quyết định áp dụng phương pháp, kỹ thuật nào còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau để phù hợp với từng mô hình cụ thể. Nhưng nhìn chung, sản xuất lúa hữu cơ có các quy trình rất khắt khe. Ngay như biến đổi khí hậu khiến tình trạng các vùng trồng lúa dễ bị nhiễm bệnh, dư lượng kim loại nặng tăng sau mưa lụt. Điều này khiến vùng sản xuất của HTX bị khoanh vùng, buộc phải khắc phục mới được sản xuất tiếp.
Do quy định khó khăn cùng với tác động từ khách quan nên việc mở rộng diện tích lúa hữu cơ chưa thể thuận lợi. Theo Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) có 62 địa phương trong cả nước tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoặc đang chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Tổng diện tích đất nông nghiệp hữu cơ hơn 175.000 ha, trong đó trồng trọt 63.536 ha, nuôi trồng thủy sản hữu cơ 100.000 ha...
Theo các chuyên gia, con số thống kê cụ thể về diện tích lúa hữu cơ chưa rõ nhưng có thể đoán định được rằng, diện tích lúa hữu cơ hiện vẫn còn khá khiêm tốn, vì tổng diện tích nông nghiệp hữu cơ chiếm chưa đến 1%. Trong khi lúa là một cây trồng chủ lực, đóng góp quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu tại Việt Nam.
GS.TS Đào Thanh Vân, Phó chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cho biết mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông hộ, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xuất khẩu.
Do đó chỉ có sản xuất lúa hữu cơ mới giúp thực hiện hiệu quả đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và nâng cao năng lực xuất khẩu. Đặc biệt, sản xuất lúa hữu cơ theo quy trình chứng nhận có áp dụng kỹ thuật ngập khô xen kẽ. Nhất là khâu tháo nước không chỉ giúp tăng năng suất cây lúa mà đã có nhiều số liệu chứng minh còn giúp giảm thải carbon.
Vượt rủi ro
Vậy làm sao để các HTX, người dân tiếp tục sản xuất lúa hữu cơ đạt chứng nhận thay vì bi quan, bỏ cuộc vì đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Viễn Phú (thương hiệu Gạo hữu cơ Hoa Sữa), cho rằng nếu đơn vị sản xuất muốn đầu ra rộng mở thì buộc phải sản xuất lúa hữu cơ có chứng nhận.
Ngay thị trường nội địa, các siêu thị cũng yêu cầu gạo phải đạt tiêu chuẩn thấp nhất là HACCP. Còn nếu xuất khẩu, gạo ít nhất cũng phải có tiêu chuẩn ISO 9004:2000. Đó là chưa kể, mỗi thị trường đang yêu cầu một tiêu chuẩn khác khau. Do đó, buộc đơn vị sản xuất phải chuẩn hóa sản phẩm bằng các quy trình chứng nhận cụ thể.
Tuy nhiên, sản xuất gạo hữu cơ cần có định hướng cụ thể mới mong thành công. Cụ thể, nếu HTX định hướng sản phẩm làm ra để phục vụ thị trường nào thì mới biết mình cần phải làm gì và xác định được điểm mạnh để phát huy.
“Trong việc tạo ra thế mạnh, tôi nghĩ ở từng quy mô, từng điều kiện hoàn cảnh sẽ có những biện pháp tăng giá trị cạnh tranh khác nhau. Nhưng tóm lại, yếu tố kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu và khâu quản lý chuỗi cung ứng làm sao để tối ưu quy trình sản xuất là những điều cần thiết nhất”, ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.
Cụ thể như việc áp dụng kỹ thuật vào phát triển vùng nguyên liệu, buộc HTX phải tìm cách tạo ra sản phẩm chất lượng để có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng phân khúc mới có thể đi lên.
Khâu quản lý chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối cũng vậy. Hiện sản xuất lúa hữu cơ ở Việt Nam khó nhất là quản lý chuỗi cung ứng bởi hệ thống phân phối chưa sẵn để phân bổ sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Điều này đòi hỏi đơn vị sản xuất phải có cả lộ trình, “sức khỏe” tài chính dài hơi, tránh tình trạng vừa sản xuất đã “hết hơi”, hết vốn và rơi vào tình trạng đứt gãy chuỗi. Trong khi hệ thống phân phối gạo thông thường lại phổ biến đến từng đường, ngõ, người tiêu dùng rất dễ tiếp cận.
Chính vì hệ thống phân phối gạo hữu cơ chưa rộng mở mà HTX gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Do đó, để mở rộng đầu ra, các chuyên gia cho rằng thay vì chỉ dừng ở việc bán gạo thông thường thì cần đầu tư vào chế biến sâu, bởi gạo cơ bản cũng chỉ là sản phẩm thô. Tuy thời gian bảo quản gạo cao hơn rau củ tươi nhưng lâu nhất cũng chỉ được 6 tháng nên đây cũng là một điểm rủi ro. Do đó, đẩy mạnh chế biến sâu sẽ giúp tiêu thụ thuận lợi, xuất khẩu hiệu quả.
Huyền Trang