A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giảm gánh nặng cho HTX nếu áp thuế giá trị gia tăng cho phân bón

Việc phân bón không phải là mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng 5% đang khiến thị trường diễn ra tình trạng 2 giá cho cùng mặt hàng. Nông dân, HTX mua phân bón không có thuế GTGT thực chất lại cao hơn mong đợi trong khi doanh nghiệp mua lại có thuế, dẫn đến sự không đồng nhất trong chính sách thuế.

Đối với nông dân và HTX, chi phí nguyên liệu đầu vào, trong đó có giá phân bón càng thấp hoặc ít nhất là ở mức hợp lý thì mới bảo đảm được nguồn thu, lợi nhuận, giúp HTX sản xuất ổn định.

Chi phí đầu vào còn cao

Nhưng tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết (Đắk Lắk) có 30ha lúa. Tính toán của HTX cho thấy, nếu mỗi ha cho thu khoảng 18 triệu đồng thì lợi nhuận của thành viên sẽ chiếm khoảng 30-40%. Còn lại sẽ là chi phí đầu tư cho sản xuất, trong đó, chi phí cho phân bón cũng chiếm vào khoảng 35-40%.

Tại HTX nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (Bạc Liêu) dù liên kết với đại lý phân, thuốc bảo vệ thực vật cấp 1 để cung ứng vật tư đầu vào cho thành viên sản xuất thấp hơn so với giá thị thị trường từ 5.000 - 10.000 đồng/bao nhưng nhìn chung thành viên HTX vẫn chưa thực sự đảm bảo được lợi nhuận. Bởi hai năm nay, tuy giá lúa cao, HTX bao tiêu đầu ra nhưng nhìn chung giá phân bón cũng tăng theo giá lúa khiến chi phí sản xuất của thành viên tăng theo.

Việc giá phân tăng giá có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, một trong những vấn đề được các HTX, chuyên gia quan tâm đó chính là trước đó, Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 có quy định phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5%. Nhưng sau này, Luật Thuế số 71 năm 2014 quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

-9849-1731663163.jpg

Chi phí phân bón chiếm khoảng 20-40% giá thành sản xuất trong nông nghiệp.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Phụng, Chuyên gia cao cấp về thuế và quản trị doanh nghiệp, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài Chính), việc đưa phân bón vào nhóm đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng thực tế lại không mang lại tác động như kỳ vọng.

Bởi thuế giá trị gia tăng không được miễn tức doanh nghiệp phân bón không được hoàn thuế. Điều này đồng nghĩa với việc thuế giá trị gia tăng đầu vào được tính vào giá thành phân bón, dẫn đến tăng giá bán và khiến tăng chi phí sản xuất trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, phân bón nhập khẩu theo giá trong nước khiến Nhà nước mất thu ở khâu nhập khẩu. Trong khi nông dân, HTX không được hưởng giá thấp còn doanh nghiệp phân bón trong nước cũng gặp bất lợi trong cạnh tranh.

Từ đây, chính nhân dân, HTX khó tiếp cận với phân bón đảm bảo chất lượng và làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, năng suất cây trồng.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ phần mềm AutoAgri, cho rằng việc quy định phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng 5% tưởng như sẽ mang lại lợi ích cho cả nông dân, HTX và doanh nghiệp phân bón nhưng thực tế lại không như vậy.

Tình hình càng trở nên khó khăn khi nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất phân bón trên thế giới khan hiếm do chịu ảnh hưởng của tình hình thế giới sau chiến tranh Nga - Ukraine, giá phân bón tiếp tục tăng thêm. Trong khi phân bón là nguồn nguyên liệu đầu vào không thể thiếu để nông dân, HTX phát triển sản xuất.

Không đẩy thuế vào giá bán phân bón

Thực tế cho thấy dù khu vực kinh tế tập thể, HTX đạt được không ít thành tựu nhưng nhìn nhận chung, các HTX, nhất là HTX trong ngành nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Điều này một phần do chi phí sản xuất nông nghiệp, trong đó có chi phí về phân bón vẫn đang còn cao, chiếm từ 20-40% của quá trình sản xuất. Thực trạng này dẫn đến kết quả tất yếu là doanh thu, lợi nhuận của các HTX trong ngành nông nghiệp dù đã phát triển theo chuỗi giá trị hàng hóa nhưng vẫn chưa như mong đợi.

Do đó, theo đánh giá của giới chuyên gia, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, trong đó có chính sách về thuế giá trị gia tăng có tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành nông nghiệp. Nếu chính sách này không hợp lý có thể làm gia tăng gánh nặng chi phí cho nông dân, HTX, doanh nghiệp. Còn nếu chính sách thuế hỗ trợ hiệu quả có thể giúp giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cho những đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh trong ngành nông nghiệp.

Do đó, thay vì miễn thuế giá trị gia tăng 5% như Luật Thuế số 71 đang quy định, cơ quan quản lý Nhà nước cần xem xét áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với phân bón ở mức độ phù hợp. Đồng thời thực hiện khấu trừ, hoàn thuế để các doanh nghiệp phân bón có cơ hội giảm giá bán và có những hình thức hỗ trợ phù hợp cho nông dân, HTX.

Ông Nguyễn Tuấn Hồng, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (Hà Nội), cho biết thông thường nói đến việc áp thuế giá trị gia tăng 5% đối với phân bón thì nhiều người, trong đó có nông dân sẽ hiểu rằng khi mua phân bón sẽ phải chịu giá cao hơn so với khi không đánh thuế.

Vậy nhưng, việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng này thực chất là có lợi cho đơn vị kinh doanh phân bón từ đó giúp họ có những chính sách hỗ trợ phù hợp cho những đơn vị là đại lý cấp 1 như HTX cũng như với người mua phân bón.

Chuyên gia Nguyễn Văn Phụng cho rằng khi áp dụng thuế giá trị gia tăng và thực hiện khấu trừ, hoàn thuế cho doanh nghiệp thì không những doanh nghiệp phân bón không gặp khó khăn mà người mua phân bón như nông dân, HTX cũng hạn chế phải dùng phân với giá cao vì không đẩy thuế vào giá bán.

Nếu làm được điều này, chi phí sản xuất của nông dân, HTX sẽ giảm đi, từ đó sẽ kéo lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của HTX nông nghiệp cũng như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón. Lúc này, doanh nghiệp cũng đã chia sẻ một phần phần lợi nhuận và hướng tới người nông dân, HTX để cùng đưa nông nghiệp phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, nông dân, HTX và doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào có mối quan hệ thân thiết. Nếu giá bán phân bón không hợp lý thì nông dân, HTX và doanh nghiệp rất khó có thể kết nối với nhau để phát triển thành chuỗi . Do vậy, việc làm sao để giá phân bón phải ở mức thấp, hợp lý là vấn đề cả HTX và doanh nghiệp phân bón đều quan tâm và cần được giải quyết sớm. Có như vậy, sản xuất nông nghiệp mới không chỉ phục vụ tiêu dùng đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu thương mại hóa.

Huyền Trang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan