A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá heo bất định, đại gia chăn nuôi cũng gặp khó

Nhiều dự báo cho thấy giá heo hơi chưa có dấu hiệu sẽ tăng trong thời gian tới, khiến cả người chăn nuôi nhỏ và doanh nghiệp lớn đều lo lắng. Bài toán thị trường đang là mối băn khoăn lớn nhất đối với ngành chăn nuôi heo trong năm 2023.  

Giá heo hơi những ngày gần đây vẫn dao động trong khoảng 51.000 - 55.000 đồng/kg. Hiện, giá thành nuôi heo đối với các doanh nghiệp lớn, làm theo chuỗi, chủ động được thức ăn, con giống sẽ vào khoảng 53.000 – 55.000 đồng/kg, với các nông hộ, trang trại vào khoảng 60.000 – 62.000 đồng/kg.

Khó như dự báo giá heo hơi

Từng rất tự tin về mảng chăn nuôi chi phí thấp nhờ heo ăn chuối nhưng năm nay, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho biết sẽ trông cậy vào chuối vì cho rằng mảng heo không có lãi. Chia sẻ với các nhà đầu tư mới đây, bầu Đức đã thẳng thắn nhìn nhận năm 2023, mảng heo của HAGL sẽ không có lợi nhuận khi giá heo hơi ở mức thấp và sức mua yếu.

-8406-1676279206.jpg

Giá heo hơi thấp khiến người chăn nuôi và các doanh nghiệp gặp khó khăn. 

Cụ thể, ông Đức đánh giá vào giai đoạn cuối năm ngoái, giá heo giảm xuống thấp dẫn đến kết quả không như kỳ vọng nhưng may mắn là giá chuối tăng. HAGL cũng may mắn hơn các doanh nghiệp khác là tận dụng chuối thải để nuôi heo, nên không những không lỗ mà vẫn có lãi. Nếu không có chuối, mảng heo của HAGL chắc chắn lỗ.

Theo ông Đức, hiện ngành heo vẫn ở trong tình trạng giá thấp và sức mua yếu. Với tình hình này, nông dân chắc chắn lỗ và dẫn đến hiện tượng bỏ chuồng. Giá heo có thể phục hồi vào tháng 4 - tháng 5/2023, khi người nông dân bỏ chuồng khiến hụt cung.

“Tuy vậy, đó chỉ là hy vọng, bởi thị trường luôn không nói trước được điều gì. Do đó, HAGL sẽ xây dựng kế hoạch thận trọng để cố gắng duy trì mảng heo không lỗ”, ông Đức nói.

Một thông tin gây chú ý trong những ngày qua là thương hiệu heo ăn chuối Bapi Food của HAGL đã chuyển nhượng cho đối tác chỉ sau vài tháng ra mắt. Cụ thể, bầu Đức mời thêm đối tác tham gia nắm 35% vốn tại Bapi. Như vậy, sau khi hoàn tất việc phát hành và tăng vốn, Bapi không còn là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai và doanh nghiệp này chỉ sẽ sở hữu 3,4 triệu cổ phần, tương đương 34% vốn tại công ty này.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh của nhiều “đại gia” chăn nuôi heo trong năm 2022 cũng không mấy khả quan. Đơn cử, Dabaco cho biết lỗ ròng hơn 79 tỷ đồng trong quý IV/2022, nguyên nhân là ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá heo hơi giảm trong thời gian dài và nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng yếu khiến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp giảm mạnh.

Lũy kế cả năm 2022, Dabaco đạt tổng doanh thu 12.269 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế ở mức 150 tỷ đồng, giảm 82%. Với kết quả này, Dabaco mới hoàn thành được 54% chỉ tiêu doanh thu, 16% kế hoạch lợi nhuận năm.

Khó khăn cũng đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của C.P Việt Nam – doanh nghiệp chăn nuôi heo có thị phần lớn nhất. Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc C.P Việt Nam cho biết, heo hơi đạt chất lượng có giá bán tại trại từ 48.000 – 50.000 đồng/kg (chưa tính chi phí vận chuyển), do đó công ty đang lỗ. Nguyên nhân giá heo sụt giảm là do cầu tiêu dùng xuống thấp.

Khơi thông thị trường

Trong Báo cáo ngành chăn nuôi, Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) cho thấy từ quý IV/2022 đến nay, giá heo hơi trung bình chỉ đạt 55.000 đồng/kg, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn giảm 13% so với quý III/2022, bất chấp mùa cao điểm Tết Nguyên đán 2023.

BSC cho rằng ngành chăn nuôi dự kiến vẫn gặp những khó khăn trong nửa đầu năm 2023 do nhu cầu tiêu dùng thấp, chưa có nhiều động lực cho giá heo hơi. Tuy vậy, BSC kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi như Dabaco, BaF, Hoàng Anh Gia Lai sẽ cải thiện vào nửa cuối năm 2023, khi giá heo được dự báo sẽ nhích lên 10-15% theo thông lệ, chi phí đầu vào, thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt và hiệu ứng từ sự phục hồi thị trường heo hơi Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng, giá heo sẽ phụ thuộc lớn vào cầu tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan chức năng cần có chính sách để kích cầu tiêu dùng, làm ấm lại thị trường để giá heo hơi thoát khỏi mặt bằng hiện nay.

Theo ông Trọng, mọi năm, thời điểm Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ heo còn tăng được khoảng từ 10-15%, tuy nhiên năm nay lượng tiêu thụ không tăng đáng kể. Nguyên nhân là công ăn việc làm của công nhân tại một số tỉnh/thành phố ở miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… bị giảm. Nhiều doanh nghiệp giảm đơn hàng, dẫn đến cắt giảm lao động, người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Ông Trọng lo ngại tình trạng này nếu vẫn cứ tiếp tục diễn ra thì khả năng giá heo hơi vẫn sẽ ở mức thấp.

Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đánh giá, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước vào lĩnh vực chăn nuôi ngày càng tăng, nhất là lĩnh vực giết mổ, chế biến phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng phải đối mặt với sự gia tăng áp lực về thị trường, đó là cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng, đa dạng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu xuất khẩu vào thị trường Việt Nam.

Ông Thắng cũng thừa nhận ngành chăn nuôi Việt Nam, trong đó có chăn nuôi heo tương đối phát triển nhanh trong thời gian qua nhưng lại thiếu bền vững. Chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán chiếm tỷ lệ cao, năng suất chăn nuôi thấp, giá thành sản phẩm cao. Cán cân xuất - nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi mất cân đối.

“Công tác dự báo thị trường cung - cầu, đánh giá, phân tích thị trường lĩnh vực chăn nuôi còn nhiều bất cập dẫn đến biến động về giá cả, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người chăn nuôi và lợi ích của người tiêu dùng”, ông Thắng khẳng định đây đang là vấn đề lớn của ngành chăn nuôi cần phải tháo gỡ để ngành phát triển bền vững. 

-9975-1676279206.png

Ông Phùng Đức Tiến

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Chúng ta đã có các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi xây dựng chuỗi, thì phải xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi, trong đó có thịt heo. Năm qua, xuất khẩu được heo sữa sang Hồng Kông, heo mảnh sang Hàn Quốc. Đây là những lợi thế, tiền đề để ngành chăn nuôi heo đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Việc tham gia các FTA sẽ giúp ngành chăn nuôi heo trong nước tận dụng cơ hội thị trường, thông qua đẩy mạnh tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, xúc tiến thương mại. Tôi tin rằng các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực chế biến và chế biến sâu để đáp ứng nhu cầu thị trường, đó là giải pháp quan trọng khôi phục tăng trưởng của ngành chăn nuôi. Cùng với đó, với những đòi hỏi chế biến sâu, đa dạng sản phẩm ở thị trường 100 triệu dân trong nước, rõ ràng đây cũng là cơ hội để phát triển của ngành trong thời gian tới.

-8010-1676279206.png

Ông Nguyễn Quang Hiếu

Phó Tổng giám đốc Tập đoàn De Heus

Chúng tôi vẫn đang khá loay hoay với bài toán xuất khẩu heo. De Heus đang vận hành nhà máy giết mổ heo 2.500 con/ngày, công suất lớn có thể hướng xuất khẩu nhưng còn vướng mắc. Bên cạnh đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh còn khó khăn. Vì vậy, De Heus mong muốn Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần phải công khai kế hoạch về việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh ở khu vực nào, để doanh nghiệp tiến hành liên kết chuỗi chăn nuôi ngay tại địa phương.

-2319-1676282635.png

Ông Nguyễn Kim Đoán

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Trước tình hình sức mua trầm lắng, đầu năm 2023 một số công ty chăn nuôi lớn tăng giá heo hơi lên 58.000 đồng/kg đã kích thích giá heo trên thị trường lên 54.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng nhưng sau đó giảm trở lại. Nguồn cung heo lớn hơn cầu là nguyên nhân khiến giá heo hơi tiếp tục có đợt giảm mới sau Tết Nguyên đán 2023. Người chăn nuôi đang phải chịu lỗ và còn tiếp tục khó khăn trong năm 2023 vì giá sản phẩm bán ra ngày càng giảm trong khi chi phí cho chăn nuôi lại không giảm.

Nhật Linh 


Tác giả: Ông Phùng Đức Tiến
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết