A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi thay trên quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa

Gần 80 năm sau cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, mảnh đất của người dân 18 thôn vườn trầu (Bà Điểm - Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) ngày nay đã có nhiều đổi thay.

Vùng đất khói lửa

Nếu vùng đất Củ Chi có hệ thống địa đạo nổi tiếng khắp thế giới trong thời kỳ chiến tranh du kích và là vùng đệm vô cùng quan trọng để quân, dân ta từ các vùng chiến khu, trung ương cục tiến về giải phóng Sài Gòn thì vùng đất Hóc Môn liền kề cũng có lịch sử đấu tranh hào hùng không kém. Địa danh 18 thôn vườn trầu trong một thời gian dài từng là nỗi kinh hoàng của kẻ thù.

Trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa, vùng đất Bà Điểm là nơi che giấu, bảo vệ cho các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn… Vùng đất 18 thôn vườn trầu này còn là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Đảng, quyết định đến vận mệnh của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến tiến đến tổng khởi nghĩa tháng 8/1945.

Đổi thay trên quê hương Nam Kỳ khởi nghĩa
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Công ty VF - Farm tại huyện Hóc Môn

18 thôn vườn trầu đã được chọn làm hậu cứ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (năm 1930). Tháng 3/1937, địa danh này được Trung ương Ðảng chọn để tổ chức hội nghị mở rộng nhằm kiểm điểm tình hình, bàn biện pháp cụ thể để đẩy mạnh phong trào cách mạng tại ấp Tiền Lân.

Tháng 3/1938, Trung ương Ðảng họp hội nghị toàn thể kiểm điểm ưu, khuyết điểm về các mặt công tác: Xây dựng Ðảng, tổ chức quần chúng, xây dựng mặt trận và đề ra những chủ trương cụ thể nhằm phát huy thắng lợi đã giành được. Từ ngày 6 - 8/11/1939, Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ 6 khai mạc tại 18 thôn vườn trầu. Tại đây, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam bộ đã chọn làm điểm khởi đầu cho cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ.

Chiều tối ngày 22, rạng sáng ngày 23/11/1940, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân 18 thôn vườn trầu đứng lên khởi nghĩa. Cả một vùng nông thôn Nam bộ rung chuyển khi người dân 18 thôn vườn trầu với gậy gộc, giáo mác đánh vào các cơ quan hành chính của thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa thất bại vì điều kiện chưa chín muồi. Đến những ngày thu năm 1945, một lần nữa, nhân dân 18 thôn vườn trầu lại cùng nhân dân cả nước đứng dậy giành lấy chính quyền.

Lịch sử Đảng bộ xã Bà Điểm còn ghi lại những ngày cuối tháng 8/1945, tại Bà Điểm, trên 2 vạn người được trang bị cuốc thuổng, tầm vông vạt nhọn, xếp hàng thứ tự theo đơn vị xã, ấp, kèm hai bên là các tự vệ mang băng đỏ; đi đầu và bọc hậu là 2 tiểu đội trang bị súng trường. Dòng người hòa vào đoàn quần chúng tại Hóc Môn, rầm rộ kéo xuống cướp chính quyền tại dinh Thống đốc Nam Kỳ và bót Tân Bình, quận Phú Nhuận…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), Hóc Môn - Bà Điểm là vùng tranh chấp quyết liệt giữa địch và ta. Tuy nhiên, các cơ sở cách mạng của Đảng vẫn tồn tại và phát triển dưới sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Vì vậy, qua phong trào Đồng Khởi (năm 1961), cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (năm 1968), chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (năm 1975) các cơ sở cách mạng đã làm tốt công tác trinh sát dẫn đường cho các đơn vị chủ lực tiến công, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi cuối cùng.

"Thay da, đổi thịt" từng ngày

Những ngày sau giải phóng, theo lịch sử Đảng bộ huyện Hóc Môn, nơi đây còn hoang sơ, đời sống nhân dân rất nghèo bởi ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh. Với quyết tâm và tinh thần cách mạng 18 thôn Vườn Trầu vẫn "chảy trong mạch máu", người dân đã nỗ lực vươn lên vượt qua khó khăn, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước đang mang lại sức sống mãnh liệt trên mảnh đất này.

Nằm ở vùng ven thành phố với mật đô dân cư chưa đông, nhưng những con đường ở 18 thôn vườn trầu ngày nay đã được trải nhựa và bê tông hóa vào tận nhà dân. Nhờ đường giao thông nông thôn được nâng cấp mở rộng, nhựa hóa kết nối liên xã, liên ấp, giữa các khu dân cư, đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển giao thương hàng hóa, góp phần kinh doanh dịch vụ buôn bán phát triển, dẫn đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo đúng định hướng "thương mại - dịch vụ - tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp" thuận lợi.

Trong giai đoạn 2010 - 2012, thu nhập bình quân đầu người ở đây chỉ đạt chưa tới 30 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có sự phát triển vượt bậc từ việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế phù hợp với địa phương, tạo việc làm cho lao động trong huyện.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, kinh tế huyện Hóc Môn phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng ổn định, quân bình đạt 15,71%/năm; cơ bản chuyển đổi đúng hướng "thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp"; thu nhập bình quân đầu người đạt 63,732 triệu đồng/người/năm.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - dịch vụ tăng trưởng bình quân đạt 19,83%/năm, chiếm tỷ trọng 45,66% trong cơ sở kinh tế. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 2,4%/năm, chiếm tỷ trọng 2,73% trong cơ cấu kinh tế và có xu hướng giảm; từng bước phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng đô thị, ứng dụng công nghệ cao; thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng, nuôi dưỡng thấp sang cây trồng vốn, nuôi trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao…

Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Hóc Môn thu ngân sách nhà nước đạt 52% kế hoạch năm, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp thực hiện ước đạt 9.685,70 tỷ đồng, đạt 48,23% so với kế hoạch năm, tăng 18,40% so với cùng kỳ năm 2022; thương mại - dịch vụ doanh số bán ra đạt 50,11% so với kế hoạch năm và tăng 28,79% so với cùng kỳ 2022…

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng (72 tuổi, ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) cho biết, sự đổi thay trên vùng đất này rất đáng tự hào, bởi nơi đây được xem như một "vùng trắng" trong kháng chiến. Phải tới năm 1976, người dân mới quay về xây dựng lại cuộc sống với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hiện, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Khoảng 15 năm trở lại đây, huyện Hóc Môn và những khu vực lân cận phát triển mạnh, đô thị hóa nhanh đến mức nhiều hộ bỏ hẳn các vườn trầu để xây nhà trọ cho thuê.

Với xuất phát điểm là vùng nông thôn của thành phố, cùng với thương mại - dịch vụ, huyện Hóc Môn chủ trương phát triển tiểu thủ công nghiệp - nông nghiệp theo hướng hiện đại. Huyện đã thành lập và phát triển hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Ngã Ba Giồng với gần 30 hộ xã viên; Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Trung Đông với 8 xã viên; mô hình cà phê khuyến nông với 16 thành viên; 2 tổ ngành nghề truyền thống đan nệm với 29 thành viên và 28 tổ hợp tác (dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, rau nhà lưới)…

Từ một vùng đất thuần nông, Hóc Môn hôm nay đang tập trung xây dựng nông thôn mới gắn với thương mại, dịch vụ và du lịch, tiểu thủ công nghiệp… Hàng loạt các dự án phát triển đô thị đã và sẽ được triển khai, mang dáng dấp nhịp sống phố thị. Hiện, Hóc Môn có hàng trăm dự án đầu tư vào các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trong đó một số dự án đã đi vào hoạt động như: Cụm công nghiệp khu dân cư Nhị Xuân 77ha đã được Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương mở rộng giai đoạn 2 lên đến 250ha; Dự án cụm công nghiệp Xuân Thới Sơn 38ha… Mới đây nhất, trong tháng 4/2023, TP. Hồ Chí Minh đã điều chỉnh Quy hoạch tới năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 ở khu vực phía tây bắc với trọng tâm là các gói đầu tư quy mô khoảng 17 tỷ USD của hơn 30 doanh nghiệp ký cam kết đầu tư vào các lĩnh vực như khu đô thị, dân cư, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, du lịch..

Với quy hoạch là đô thị kiểu mẫu Việt Nam, dự kiến, khu tây bắc TP. Hồ Chí Minh sẽ mang một diện mạo hoàn toàn khác so với thời gian qua.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết