A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đắk Lắk phát triển công nghệ sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp

Trong giai đoạn 2016 - 2022, tỉnh Đắk Lắk đã tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong phát triển sản xuất nông nghiệp hướng chất lượng cao, bền vững.

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp của tỉnh tập trung cho chọn tạo, nhân giống cây trồng vật nuôi, đồng thời nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ cho nông lâm nghiệp, môi trường, y tế.

Trong chăn nuôi, tỉnh đã ứng dụng công nghệ sinh học trong phối trộn sản xuất thức ăn, xử lý môi trường chăn nuôi và ứng dụng nhanh tại các trang trại chăn nuôi heo, gà với quy mô công nghiệp. Cùng với đó là ứng dụng một số chế phẩm vi sinh vật bổ sung thức ăn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, các nghiên cứu và ứng dụng của công nghệ vi sinh vật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường cũng đã và đang được nghiên cứu và có được những thành công nhất định.

Đắk Lắk đã nghiên cứu nuôi cấy invitro thành công nhiều loại cây trồng. (Ảnh: https://yolearn.vn/)

Trong ngành nông - lâm nghiệp, thông qua nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu về giống, ngành nông nghiệp tỉnh đã nhanh chóng ứng dụng rộng rãi giống mới của các loại cây ngắn ngày, ứng dụng vi sinh vật thế hệ mới tạo ra các chế phẩm men vi sinh xử lý nhanh phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Đáng chú ý, các chế phẩm này khi ứng dụng ở nông hộ đã giúp sản xuất được hàng chục ngàn tấn phân hữu cơ giá rẻ, thay thế một phần phân vô cơ giá cao.

Đối với ngành lâm nghiệp, giống bạch đàn, tỉnh đã đưa giống keo lai nhân từ mô phân sinh kết hợp với giâm hom vào chương trình trồng rừng kinh tế. Bên cạnh đó còn có nghiên cứu ứng dụng vaccine trong phòng chống dịch lở mồm long móng ở gia súc, sử dụng vaccine phòng bệnh viêm gan ở người.

Hay trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhân rộng việc sử dụng hầm khí biogas, chế phẩm sinh học tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm. Tỉnh cũng mở rộng thành công việc sử dụng công nghệ xử lý rác thải và nước thải; công nghệ vi sinh xử lý mùi hôi nước thải sinh hoạt; áp dụng công nghệ vi sinh để sử dụng có hiệu quả các phế thải nông, lâm nghiệp, môi trường nông thôn được cải thiện. Đặc biệt, Trường Đại học Tây Nguyên đã nghiên cứu ứng dụng thành công sinh học phân tử, ứng dụng phương pháp phản ứng khuyến đại gen để xây dựng bộ phát hiện nhanh một số vi sinh ngộ độc thực phẩm, phát hiện vi rút  gây bệnh lở mồm long móng ở gia súc.

Cũng theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Lắk, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 dây chuyền công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh với sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản lượng 70.000 - 80.000 tấn/năm, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng và nâng cao tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh đã nghiên cứu nuôi cấy invitro thành công nhiều loại cây trồng, nghiên cứu, tuyển chọn và sản xuất chế phẩm sinh học Trichoderma để phòng trị bệnh cho cây trồng; ứng dụng công nghệ enzyme trong chế biến cà phê ướt, chế biến lên men ca cao và các chế phẩm sinh học để sản xuất phân bón…

Giai đoạn 2006 - 2022, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai mới 6 dự án nông thôn miền núi, 26 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 20 nội dung ứng dụng và chuyển giao công nghệ cấp huyện; vốn đầu tư trên 44,98 tỷ đồng, trong đó tập trung chủ yếu cho ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp chiếm trên (90%).

Bích Phương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan