A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá phân bón nhập khẩu khó hạ nhiệt sau khi tăng gần 28% trong năm 2021?

Với khối lượng hơn 4,5 triệu tấn, kim ngạch nhập khẩu phân bón trong năm 2021 vọt lên gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 53% so với năm trước, do giá nhập khẩu tăng phi mã gần 28% trong khi lượng chỉ tăng hơn 19%.

Theo TS. Trần Minh Hải, thành viên Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam (Tổ 970 của Bộ NN&PTNT), Tổ 970 đã nhận được nhiều phản ánh về giá vật tư đầu vào, trong đó có giá phân bón trong nước sản xuất và nhập khẩu tăng mạnh, tác động tới chi phí sản xuất và lợi nhuận của người nông dân. 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2021, lượng nhập khẩu phân bón đạt 4,54 triệu tấn, kim ngạch 1,45 tỷ USD, giá trung bình 319,7 USD/tấn, tăng 19,4% về khối lượng, tăng 52,6% về kim ngạch và tăng 27,8% về giá so với năm 2020.

Nhap-khau-phan-bon-7118-1642998311.jpg

Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp phân bón các loại cho Việt Nam, chiếm 44,5% tổng lượng và chiếm 42% tổng kim ngạch, đạt 2,02 triệu tấn, trị giá 610,29 triệu USD, tăng 27,3% về lượng và 65,6% về trị giá. Tiếp đến là thị trường Đông Nam Á, đạt 504.838 tấn, trị giá 190,44 triệu USD, tăng rất mạnh 37,2% về lượng, tăng 117,4% về kim ngạch so với năm 2020. Thị trường Nga đứng thứ 3, với khối lượng đạt 386.193 tấn, trị giá 143,53 triệu USD, tăng 7,9% về lượng, tăng 30,3% về kim ngạch.

Theo nhận định của Tập đoàn Vinacam (đơn vị nhập khẩu phân bón) về tình hình thị trường phân bón đến quý I/2022, giá Kali bột sẽ tiếp tục duy trì ổn định ở mức 13.000.000 - 13.500.000 đồng/tấn và xu hướng này có thể sẽ kéo dài đến tháng 2/2022. Riêng Kali miểng sẽ tiếp tục đứng ở mức cao 17.000.000 - 17.500.000 đồng/tấn và sẽ hướng tới 18.000.000 đồng/tấn vào cuối quý I/2022 do nguồn cung khan hiếm.

Đối với DAP, cùng với quyết định cấm xuất khẩu của Trung Quốc, Nga đã có động thái siết lại hạn ngạch đối với sản phẩm phân bón nitơ và phân tổng hợp chứa nitơ, do vậy giá DAP sẽ vẫn duy trì đà tăng trưởng và dự kiến DAP nâu sẽ sớm vượt mức 23.000.000 đồng/tấn, DAP xanh Hồng Hà và DAP Hàn Quốc là 24.000.000 - 25.000.000 đồng/tấn.

Trước đó, theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu phân bón về Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 3,8 triệu tấn, kim ngạch 1,15 tỷ USD, giá trung bình 301,5 USD/tấn, tăng 20,4% về khối lượng, tăng 46,8% về kim ngạch và tăng 21,9% về giá so với cùng kỳ năm 2020. Riêng tháng 10/2021 tăng 45,3% về lượng, tăng 68,5% về kim ngạch và tăng 16% về giá so với tháng 9/2021, đạt 376.498 tấn, trị giá 148,13 triệu USD, giá trung bình 393,4 USD/tấn.

Việt Nam nhập khẩu phân bón nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc. Trong tháng 10/2021, nhập khẩu phân bón từ thị trường này tăng trở lại 30,4% về lượng, tăng 52% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với tháng 9/2021, đạt 143.694 tấn, tương đương 55,72 triệu USD, giá 387,8 USD/tấn. Tính chung 10 tháng năm 2021 nhập khẩu 1,7 triệu tấn, trị giá 490,31 triệu USD, giá trung bình 288,8 USD/tấn, tăng cả lượng, kim ngạch và giá so với cùng kỳ năm 2020, với mức tăng tương ứng 28,9%, 63,7% và 26,9%, chiếm 44,6% tổng lượng và chiếm 42,7% tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.

Đức Nguyễn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết