A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao xuất khẩu cà phê sang Bỉ tăng tới 580%?

Với mức tăng trưởng này, Bỉ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 của Việt Nam. Nhu cầu nhập khẩu của Bỉ tăng cao vì đây là thị trường nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ 3 của châu Âu nhưng cũng là nước tái xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất ở châu Âu. 

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tỷ trọng cà phê của Việt Nam ở thị trường Bỉ chiếm 11,4% tổng lượng và 10,4% tổng trị giá trong quý I/2022. Xuất khẩu cà phê sang thị trường Bỉ bứt phá mạnh đã tác động tích cực lên toàn ngành.

XK-ca-phe-2-8449-1650945935.png

Diễn biến giá xuất khẩu bình quân cà phê sang Bỉ qua các tháng giai đoạn 2020 - 2022. 

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ trong tháng 3//2022 đạt 29,2 nghìn tấn, trị giá 61,7 triệu USD, tăng 440,7% về lượng và tăng 571% về trị giá so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt 65,7 nghìn tấn, trị giá 135,3 triệu USD, tăng 580% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 3/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt mức 2.111 USD/tấn, tăng 24,1% so với tháng 3/2021. Tính chung quý I/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam sang Bỉ đạt mức 2.054 USD/tấn, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam xuất khẩu chủ yếu cà phê Robusta sang Bỉ. Trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê Robusta sang Bỉ đạt xấp xỉ 34,5 nghìn tấn, trị giá 65 triệu USD, tăng 466,1% về lượng và tăng 577% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, chủng loại cà phê Arabica có tốc độ xuất khẩu tăng tới 544,8% về lượng và tăng 890,5% về trị giá nhưng lượng đạt mức thấp.

Được biết, Bỉ là nhà nhập khẩu cà phê nhân lớn thứ 3 của châu Âu. Hơn 96% lượng cà phê nhập khẩu của Bỉ có nguồn gốc trực tiếp từ các nước sản xuất cà phê, nguồn cung trên 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tuy vậy, Bỉ cũng là nước tái xuất khẩu cà phê nhân lớn nhất ở châu Âu. Bỉ chủ yếu tái xuất sang các nước láng giềng: Hà Lan chiếm 55% lượng cà phê nhân tái xuất của Bỉ vào năm 2020. Các nhà nhập khẩu cà phê quy mô lớn và chuyên biệt của Hà Lan thường sử dụng các cảng của Bỉ cho hoạt động của họ. Các thị trường tái xuất khẩu khác của Bỉ là Pháp (25%) và Đức (4,1%). Đây cũng một phần lý do khiến Bỉ nhập khẩu cà phê mạnh từ Việt Nam. 

Hơn nữa, với cam kết xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định EVFTA, cà phê xuất khẩu sang EU sẽ có 93% dòng thuế về 0%. Đây là một cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam khi EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, với kim ngạch nhập khẩu từ các nước ngoại khối khoảng 10 tỷ USD/năm, chiếm 66% lượng nhập khẩu và khoảng 30% lượng tiêu thụ toàn cầu.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề lớn nhất đối với xuất khẩu cà phê Việt Nam vào thị trường Bỉ nói riêng và châu Âu nói chung là xây dựng thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị, thay vì xuất khẩu thô, dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu. 

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết