A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

'Vị thế chín muồi' để cà phê Việt theo đuổi hướng đi mới gia tăng giá trị

Là điểm sáng trong hoạt động xuất khẩu nông sản từ đầu năm đến nay, ngành hàng cà phê của Việt Nam đã vươn đến “vị thế chín muồi” để tiếp tục theo đuổi các hoạt động gia tăng giá trị tích cực hơn nữa và có những hướng đi mới hiệu quả nhằm “bắt nhịp” với xu hướng mới của người tiêu dùng quốc tế.

Theo đánh giá mới đây từ Bộ Công Thương, cà phê là một trong những mặt hàng tăng trưởng cao trong kim ngạch xuất khẩu (XK) của nhóm nông lâm thuỷ sản vào quý I/2022. Cụ thể, XK cà phê đã tăng 19,4% về lượng và tăng 50,4% về kim ngạch nhờ giá XK cà phê tăng cao.

Nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu

Còn trong quý II/2022 này, giới phân tích dự báo XK cà phê sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt khi mà giá cà phê có nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao, nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu gia tăng trở lại, cùng nhiều lợi thế về mặt cạnh tranh khi tận dụng các hiệp định thương mại tự do…  

HINH-8456-1649843413.jpg

Ngành hàng cà phê Việt cần tiếp tục theo đuổi các hoạt động gia tăng giá trị tích cực hơn nữa và “bắt nhịp” với xu hướng mới của người tiêu dùng quốc tế.

Và sức tăng trưởng XK của ngành hàng cà phê Việt được cho là có thể đạt 30 - 40% trong cả năm nay. Trong đó, nhờ lợi thế về thuế suất thuế XK và gia tăng nguồn cung cà phê chất lượng cao cùng với cà phê chế biến nên dư địa đẩy mạnh XK vào những thị trường hàng đầu ở EU và Bắc Mỹ còn rất lớn. 

Trao đổi với VnBusiness, Ts. Abel Alonso (đại học RMIT) cho rằng là nhà XK cà phê lớn thứ hai thế giới, Việt Nam đã vươn đến “vị thế chín muồi”, và nên theo đuổi các hoạt động gia tăng giá trị tích cực hơn nữa. Và chắc chắn một điều là công nghệ, thiết bị mới và không ngừng giáo dục người tiêu dùng cà phê quốc tế về giá trị của cà phê Việt phải là những hoạt động thường xuyên.

Theo Ts. Alonso, đây là lĩnh vực nên đầu tư nhiều hơn nữa và dẫn đầu về tiêu thụ cà phê, đặc biệt là hướng đến người tiêu dùng quốc tế.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia của RMIT, dịch Covid-19 đã làm cho nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua hàng trực tuyến. Vì vậy, khoảng cách giữa những người nông dân có thể vận chuyển cà phê đặc sản của họ và người tiêu dùng cuối cùng đang giảm dần. 

“Thực sự, chúng ta đã gặp rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã và đang XK trực tuyến. Ngoài ra, các hợp tác xã (HTX) cũng có thể có lợi khi tập hợp những nhà nông cùng quan tâm đến việc phát triển HTX của họ hơn nữa. Bán hàng trực tuyến nên được tìm hiểu và cân nhắc thêm. Và đây cũng chính là lúc các nhà hoạch định chính sách có thể hỗ trợ và tạo dấu ấn riêng của họ”, ông Alonso nói.

Bàn thêm về chuyện đẩy mạnh gia tăng giá trị cho ngành hàng cà phê Việt, những thông tin gần đây cho thấy một số DN và HTX đang tạo ra những hướng đi mới hiệu quả trong hoạt động chế biến.

Đơn cử như ở huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) có HTX Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung được ghi nhận là đơn vị sản xuất chế biến sản phẩm tinh cà phê nguyên chất đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. 

“Lôi kéo”những người tiêu dùng khó tính nhất

Theo đó, thông qua việc sử dụng công nghệ sấy tiên tiến (thực hiện chiết xuất qua các bước như rang, xay, trích ly, cô đặc, sấy khô), với 20 tấn cà phê nhân Robusta thì HTX này sẽ tạo ra 1 tấn tinh cà phê. Sản phẩm này có chất lượng hoàn toàn khác biệt so với các loại cà phê hòa tan đang bán trên thị trường.

Điều này không chỉ giúp tăng giá trị sản phẩm, giảm chi phí trong quá trình vận chuyển mua bán mà còn giúp mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng với quá trình pha chế nhanh gọn. Nhờ vào việc chế biến tinh cà phê đã giúp HTX tăng lợi 20 – 25% so với cà phê nhân.

Hoặc như theo dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, đã có DN Việt Nam sản xuất và XK dịch cà phê cô đặc đông lạnh.

Hồi năm ngoái, DN này XK 1.400 tấn dịch cà phê cô đặc đông lạnh. Đơn giá trung bình của loại dịch cà phê dao động trong khoảng 3.500 – 4.000 USD/tấn, tương đương 3,5 – 4 USD/kg, chủ yếu được đưa đến Singapore và có khả năng được chuyển tiếp đến các thị trường khác.

Nên biết thêm, loại hình dịch cà phê cô đặc đông lạnh hoặc cà phê viên nén được dự báo sẽ là xu hướng thịnh hành trong thời gian tới trên thế giới khi đáp ứng nhu cầu tiện lợi của người tiêu dùng. Tại thị trường cà phê Mỹ, loại hình này có quy mô tiêu thụ vào khoảng 5,5 tỷ USD. Cho nên, các DN chế biến cà phê Việt cần chú tâm hơn nhằm “bắt nhịp” xu hướng này.

Cũng theo Ts. Alonso, Việt Nam cần sự nỗ lực gấp đôi để thuyết phục và lôi kéo những người tiêu dùng cà phê khó tính nhất. Việc cần làm là nghiên cứu sâu về những người uống cà phê thường xuyên hoặc thuộc tầng lớp cao cấp và thực hiện nghiên cứu trên phạm vi quốc tế.

Đối với cà phê Việt, việc tiến hành nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng sẽ là vô giá và cần được tiến hành trong tương lai. Bởi lẽ, hiện tại có rất ít hiểu biết về cách người uống cà phê phản ứng thế nào với các hương vị, mùi thơm, đặc điểm khác nhau hoặc các sản phẩm cà phê đặc biệt hiện đang được phát triển.

Hơn thế nữa, cần thấy rằng các nhà XK cà phê Việt khi hợp tác với nông dân sẽ cần đưa ra lời khuyên về nhu cầu chuyển từ số lượng sang chất lượng. Thông qua giáo dục và thuyết phục những người trồng cà phê sản xuất cà phê chất lượng tốt nhất có thể, các nhà XK đang gián tiếp giúp nông dân trồng cà phê trở nên hiểu hơn về kinh doanh, ít phụ thuộc hơn, và ít bị tổn thương hơn khi chỉ tập trung vào kinh doanh một chiều.

            Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết