A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông dân Phú Thọ kiếm bộn tiền nhờ một thứ quả đặc biệt không thể thiếu trên mâm ngũ quả Tết Trung thu

Những giải pháp thiết thực trong phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp đã và đang giúp nhiều nông dân tỉnh Phú Thọ phát triển thành công nhiều sản phẩm thế mạnh, cho giá trị vượt trội, một trong số đó là hồng không hạt.

Hồng không hạt Gia Thanh từ lâu đã được nhiều người biết đến là đặc sản vùng đất Gia Thanh, Phù Ninh, Phú Thọ. Những năm gần đây, cây hồng đã trở thành loại cây trồng thế mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp cho bà con nơi đây có hướng đi mới, vươn lên làm giàu.

“Của để dành”

Hiện nay, ở xã Gia Thanh, hầu hết các hộ đều trồng hồng, hộ ít thì vài cây trồng xen kẽ trong vườn, hộ nhiều thì có vài ha. Tổng diện tích trồng hồng không hạt Gia Thanh của huyện Phù Ninh vào khoảng 240 ha, trong đó trên 100 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 1.500 tấn/năm.

Cùng với Gia Thanh, hồng không hạt còn được trồng rải rác ở các xã khác như Tiên Du, Trung Giáp, Phù Ninh, Bảo Thanh, Phú Nham…

-4391-1726201047.jpg

Cây hồng là cây làm giàu hiện tại, "của để dành" trong tương lai cho con cháu của người dân Gia Thanh.

Có nhiều năm gắn bó với cây hồng không hạt, bà Hán Thị Thơm, xã Gia Thanh cho biết với người trồng hồng ở Gia Thanh, vườn hồng được coi như “của để dành”, không chỉ giúp duy trì ổn định cuộc sống mà còn dành cho con cháu sau này, bởi cây hồng có tuổi đời cao, vài chục năm thu hoạch.

Cây hồng trồng mới nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật thường bắt đầu cho quả khi đạt 3-5 năm tuổi, năng suất quả đạt cao và ổn định khi cây đạt 8-9 năm tuổi. Năng suất bình quân đạt khoảng 8-10 tấn/ha, doanh thu bình quân có thể đạt 200-400 triệu đồng/ha.

“Cây hồng có tuổi càng cao thì chất lượng quả càng ngon. Vườn hồng nhà tôi không lớn, nhưng mỗi vụ cũng thu về 60-80 triệu đồng. Mấy năm nay, nhờ cây hồng mà gia đình tôi đã sửa sang được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt để phục vụ cuộc sống”, bà Thơm hồ hởi nói.

Theo chia sẻ của các ông, bà đã trồng hồng lâu năm, hồng không hạt Gia Thanh phù hợp nhất với thổ nhưỡng ở vùng đất Gia Thanh, nếu đem giống này đi trồng nơi khác thì cây vẫn phát triển, cho quả to, đẹp nhưng bên trong quả sẽ bị rỗng, không có màu vàng sáng đặc trưng và vị nhạt.

Thậm chí trên địa bàn xã Gia Thanh cũng chỉ có 6/8 khu có chất đất phù hợp để trồng giống hồng này cho ra những trái hồng đạt chất lượng tốt, còn 2 xã còn lại có chất lượng hồng không đặc trưng.

Nghĩ khác, làm khác

Những người trồng hồng ở Gia Thanh cũng luôn tự hào quả hồng trồng trên đất Gia Thanh là đặc sắc nhất, với hương vị thơm ngon đặc trưng, quả to, dáng quả thuôn dài, khi chín quả có màu vàng sáng, ăn giòn, vị ngọt sắc. Cắt ngang quả hồng sẽ thấy hình hoa thị 8 cánh đều nhau rất đẹp mắt.

Không chỉ là loại quả rất được ưa chuộng vì ngon, ngọt, giòn, dễ ăn, mà hồng không hạt Gia Thanh còn cung cấp nguồn dưỡng chất rất phong phú như vitamin A, C; photpho, canxi, sắt... rất tốt cho sức khỏe.

Trước đây, những người trồng hồng ở Gia Thanh chỉ làm theo cách thủ công, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân, dẫn tới hiệu quả kinh tế bấp bênh. Nay, nhiều hộ đã chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, qua đó nâng cao hiệu quả.

-4841-1726201048.jpg

Hồng không hạt là thứ quả đặc biệt không thể thiếu trên mâm ngũ quả ngày Tết Trung thu của nhiều gia đình.

Đặc biệt, nhiều hộ sản xuất hồng tại địa phương đã chủ động liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX, nhằm nâng cao nội lực sản xuất, thúc đẩy chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ, ổn định giá bán. Một trong những “lá cờ đầu” hiện tại không thể không nhắc tới HTX nông nghiệp Gia Thanh.

Ông Hán Công Khanh, Giám đốc HTX nông nghiệp Gia Thanh, cho biết hàng năm, cứ vào thời điểm đầu tháng 8 âm lịch, không khí bắt đầu nhộn nhịp trên khắp các đường làng, ngõ xóm xã Gia Thanh.

Tại các nhà vườn, người dân địa phương tất bật triển khai các khâu thu hoạch để đưa những quả hồng thơm ngon nhất ra thị trường phục vụ người tiêu dùng, các xe thu mua nối đuôi nhau xếp hàng dài.

Năm nay, thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều vào đúng đợt cây đang ra quả non, nên sản lượng không quá vượt trội so với các năm trước, tuy nhiên đổi lại hồng được giá hơn những năm trước, hầu hết các vườn hồng đều đã có người đặt mua cách đây vài tháng.

Để nâng cao giá trị sản xuất, những năm qua, các thành viên và hộ liên kết của HTX Gia Thanh đã triển khai xây dựng chương trình trồng hồng theo hướng VietGAP, hữu cơ gắn với an toàn sinh thái.

Tham gia mô hình, các hộ nông dân liên kết với HTX được phân thành các nhóm, hướng dẫn thực hành tốt việc ghi nhật ký trong các khâu như chăm sóc, thu hoạch. Các hộ cũng được cấp tem nhãn để dán vào sản phẩm, túi đựng để tránh tình trạng “nhái” hồng Gia Thanh với các loại hồng khác.

“Chắp cánh” cho quả hồng

Nhờ sản xuất khoa học, tiêu chuẩn chất lượng vượt trội, tháng 9/2022, Hồng không hạt Gia Thanh của HTX Gia Thanh chính thức được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh.

Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của thành viên HTX nông nghiệp Gia Thanh, cùng sự đồng hành của sở, ngành, địa phương, sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh hiện đã có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là điều kiện để loại quả thơm ngon đặc sản nổi tiếng này “gõ cửa” mọi miền của Tổ quốc, trở thành thứ quả ý nghĩa không thể thiếu trong mâm ngũ quả dịp Tết Trung thu của nhiều gia đình.

“HTX đang có 160 thành viên, tổng diện tích sản xuất gần 150 ha. Năm nay, hồng có năng suất 9-10 tấn/ha. Với giá bán khoảng 45.000-50.000 đồng/kg, trung bình sẽ thu được khoảng 400 triệu đồng/ha. Hầu hết các vườn đã được đặt mua từ trước”, ông Hán Công Khanh chia sẻ.

Bằng những nỗ lực không biết mệt mỏi của thành viên HTX, cùng sự đồng hành của sở, ngành, địa phương, sản phẩm hồng không hạt Gia Thanh hiện đã có bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là điều kiện để loại quả thơm ngon đặc sản nổi tiếng này “gõ cửa” mọi miền của Tổ quốc, trở thành thứ quả ý nghĩa không thể thiếu trong mâm ngũ quả dịp Tết Trung thu của nhiều gia đình.

Ông Hán Xuân Đang, Bí thư Đảng ủy xã Gia Thanh, cho hay với tuổi đời có thể khai thác lên đến hàng trăm năm, cây hồng hiện được coi là "cây làm giàu hôm nay, và của để dành mai sau".

Để phát triển cây hồng, bên cạnh việc triển khai các nghị quyết, chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, Huyện ủy Phù Ninh đã có Nghị quyết số 13-NQ/HU ngày 8/1/2020 về hỗ trợ trồng mới hồng đặc sản Gia Thanh trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 95-NQ/HU ngày 30/12/2021 về phát triển vùng hồng đặc sản Gia Thanh trên địa bàn huyện Phù Ninh giai đoạn 2022-2025.

Để thuận lợi cho việc xây dựng sản phẩm OCOP, hướng tới cấp mã số vùng trồng, Phù Ninh khuyến khích các hộ trồng hồng tham gia vào các HTX, tổ hợp tác để cùng chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.

Để có giống tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng, huyện đã triển khai tuyển chọn những cây hồng giống ưu tú để có kế hoạch giữ gìn, bảo vệ làm nguồn giống cung cấp lâu dài cho sản xuất. Đồng thời, khuyến khích các hộ tiếp tục cải tạo, chuyển đổi những diện tích đất trồng khác kém hiệu quả sang trồng hồng. Các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây hồng, đảm bảo cây phát triển tốt, nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm.

Minh Khuê


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan