VN-Index vẫn trong xu hướng tích cực, hướng tới 1.500 điểm?
Thị trường chứng khoán vẫn đang vận động tích cực, VN-Index khả năng cao có thể nhanh chóng cán đích 1.400 điểm. Nhìn dài hơn, VN-Index thậm chí sẽ tiến đến vùng đỉnh cũ là 1.500 điểm nhờ nhiều động lực trong những tháng cuối năm.
Phiên 3/7, VN-Index ghi nhận sự biến động mạnh, trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin mới về tình hình đàm phán thuế quan thương mại với Mỹ. Kết phiên, chỉ số chính lùi về 1.381 điểm.
Có thể nhanh chóng cán đích 1.380 - 1.400 điểm
Đêm 2/7 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ thông báo đã đạt được thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Tờ Financial Times có dòng viết nhấn mạnh Việt Nam là “một trong số ít quốc gia vừa đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ”, phản ánh vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu, trong bối cảnh nhiều đối tác thương mại của Mỹ đang chạy đua để đạt được thỏa thuận.
Chuyên gia cho rằng TTCK vẫn đang vận động tích cực. |
Các hãng truyền thông đang đặc biệt quan tâm đến tác động của thỏa thuận đạt được giữa Mỹ và Việt Nam đối với chuỗi cung ứng khu vực và phản ứng của thị trường.
CNN có dòng nhận định: “Thị trường phản ứng tích cực với thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Việt Nam”, kèm trích dẫn thông tin cổ phiếu của các công ty lớn đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Việt Nam, bao gồm Nike, Lululemon và Columbia Sportswear, đều tăng vọt ngay sau khi Tổng thống Trump công bố thỏa thuận thương mại với Việt Nam.
Kênh CNBC cũng nhanh chóng cập nhật phản ứng thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ: Chỉ số S&P 500 tăng 0,3%, trong khi Nasdaq Composite tăng 0,7%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 48 điểm, tương đương 0,1%. Cổ phiếu của Nike, công ty sản xuất khoảng một nửa số giày dép tại Việt Nam và Trung Quốc, đã tăng 3% sau thông báo của Tổng thống Trump.
Với TTCK trong nước, mặc dù VN-Index “giảm nhiệt”sau khi tăng mạnh trong phiên 3/7 nhưng ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research đánh giá, thông tin thỏa thuận là tín hiệu tích cực, giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư trước thềm thời hạn ngày 9/7.
Nhìn tổng quan, TTCK đã chứng kiến đà tăng trưởng xuất sắc của VN-Index trong 6 tháng đầu năm. Mức tăng 6,7% không chỉ là một con số tích cực mà còn đặc biệt có ý nghĩa khi đặt trong bối cảnh khu vực, khi các chỉ số SET của Thái Lan giảm sâu 23,7%, FBMKLCI của Malaysia giảm 8,6%, PCOMP của Philippines và JCI của Indonesia cũng đều ghi nhận sụt giảm.
Sự vượt trội này diễn ra ngay cả khi Việt Nam đối mặt với những thách thức không nhỏ, đặc biệt là đề xuất mức thuế đối ứng từ Mỹ thuộc hàng cao nhất khu vực, có thể lên đến 46%. Điều này cho thấy hai yếu tố cốt lõi: Thứ nhất là phản ánh niềm tin vững chắc của thị trường vào nền tảng kinh tế vĩ mô nội tại. Thứ hai, nhà đầu tư đang “đặt cược” lớn vào các yếu tố hỗ trợ mang tính bước ngoặt sắp tới, bao gồm kết quả tích cực từ đàm phán giảm thuế với Mỹ và đặc biệt là câu chuyện nâng hạng TTCK từ Cận biên lên Mới nổi.
Dù vậy, đà tăng chưa thực sự lan tỏa và đây là một điểm cần lưu tâm. Nhưng bước sang tháng 7, VN-Index đã lần đầu tiên vượt qua vùng kháng cự quan trọng, nối liền các đỉnh trong 2,5 năm qua là 1.360 điểm cùng đà tăng lan tỏa đều ra các ngành đã giúp tâm lý e ngại của nhà đầu tư giảm bớt.
"Thị trường đang vận động rất tích cực, nhờ đó trong tuần này hoặc tuần sau, có thể cán đích 1.380 -1.400 điểm", ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Chứng khoán VPBank (VPBankS) nêu.
6 tháng cuối năm có nhiều động lực
Nhận định về TTCK cuối năm, PGS.TS Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris (Pháp) cho rằng thị trường Việt Nam có thể sẽ còn tích cực hơn trong trong 6 tháng cuối năm nhờ có nhiều chính sách mới là động lực rất lớn để kinh tế Việt Nam bứt phá. Ngoài ra, nếu Mỹ giảm lãi suất trong thời gian tới, có thể vào tháng 7 nhưng khả năng cao hơn là tháng 9 và trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác cũng đang cân nhắc đến câu chuyện giảm lãi suất khi lạm phát kiểm soát thì đó sẽ là những yếu tố bên ngoài rất tích cực cho thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Theo các báo cáo gần đây, lợi nhuận của các doanh nghiệp ước tính tăng trưởng khoảng 10%-15% trong năm 2025. Nếu thỏa thuận về thuế quan với Mỹ tích cực thì con số cả năm dự báo sẽ còn tốt hơn. Tuy vậy, luôn có sự phân hóa giữa các ngành, và giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành. Lợi thế trong những giai đoạn nhiều bất định là những doanh nghiệp có tiềm lực vững chắc.
Cũng theo ông Võ Đình Trí, các chính sách mới với 4 Nghị quyết trụ cột sẽ là những lực đẩy lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như TTCK nói riêng.
Bên cạnh đó, các yếu tố quốc tế như kỳ vọng Fed và một số ngân hàng trung ương lớn khác hạ lãi suất, thanh khoản của thị trường được cải thiện do Mỹ nới lỏng một số quy định về vốn với ngân hàng, sẽ là yếu tố thuận lợi cho thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng còn một yếu tố cần cân nhắc, đó là vấn đề có lẽ sẽ gây khó cho vĩ mô giai đoạn này của Việt Nam: tỷ giá. Mặc dù đồng USD có xu hướng yếu đi nhưng VND hiện vẫn đang yếu hơn. Nguyên nhân một phần do những bất ổn từ bên ngoài nhưng có lẽ yếu tố tâm lý còn quan trọng hơn trong tình huống này. Nhưng với những chính sách rõ ràng hơn, những triển vọng về kinh tế ổn hơn thì câu chuyện về tỷ giá sẽ bớt nóng lại.
Với động lực tăng trưởng của TTCK khá bền vững khi các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ đang thẩm thấu sâu hơn cộng thêm vấn đề về nâng hạng thị trường đang trở nên rõ ràng hơn, Chứng khoán VNDIRECT điều chỉnh tăng dự báo VN-Index cuối năm 2025 lên mức 1.450 điểm, tương đương mức tăng 14% so với cuối năm 2024.
Kịch bản cơ sở này dựa trên các giả định Việt Nam đàm phán thành công, đưa mức thuế đối ứng bình quân của Mỹ xuống khoảng 16–22%; Fed thực hiện hai đợt cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm, giúp chỉ số USD hạ nhiệt. Nền tảng vĩ mô trong nước tiếp tục là trụ đỡ vững chắc với tăng trưởng GDP dự báo đạt 7,3% và tăng trưởng tín dụng 16%.
“Những yếu tố này sẽ là bệ đỡ cho tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 14–15% trong năm nay, qua đó củng cố định giá VN-Index ở mức P/E dự phóng 13,5 lần vào cuối năm, đây là mức định giá hấp dẫn và hoàn toàn khả thi để chinh phục mốc 1.450 điểm”, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VNDIRECT nhấn mạnh.
Tại báo cáo mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho rằng, TTCK Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều cơ hội lớn. Triển vọng nâng hạng lên thị trường Mới nổi của FTSE vào tháng 9/2025 là một động lực quan trọng cho thị trường.
Bên cạnh đó, TTCK sẽ được thúc đẩy bởi sức mạnh nội tại của nền kinh tế, với ước tính tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết đạt gần 15% trong năm 2025. Trong kịch bản tích cực, các chuyên gia kỳ vọng VN-Index sẽ tiến đến vùng đỉnh cũ là 1.500 điểm.
Chứng khoán Maybank (MBKE) cũng cho rằng thị trường đã loại bỏ một yếu tố bất định, tạo nền tảng vững chắc để VN-Index hướng tới mốc 1.500 điểm.
Hải Giang