Tiếp thị cho sản phẩm OCOP
Đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều sản phẩm OCOP đang gặp khó trong việc tiếp cận thị trường. Do vậy, để một chương trình lớn phát triển, cần có một chiến lược marketing đủ mạnh.
Cửa hàng bày bán các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đang thiếu
Cho đến lúc này phải khẳng định rằng, chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) là hướng đi đúng, giúp nhiều sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn tầm, tiếp cận thị trường. Mặc dù những sản phẩm “mang tiếng” của ngành nông nghiệp, song chương trình OCOP tạo ra sản phẩm có giá trị thuộc nhiều ngành nghề khác nhau, như khoa học công nghệ, y tế, công thương, thậm chí cả du lịch.
Trên thế giới, chương trình OCOP không hề xa lạ, Nhật Bản là nước khởi xướng đầu tiên vào khoảng 40 năm trước, chương trình này giúp các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa ở xứ mặt trời mọc có chỗ đứng vững chắc trên thị trường; đặc biệt giúp thu nhập của người dân vùng nông thôn cải thiện rõ nét. Sau thành công của Nhật Bản, đến nay có hơn 40 quốc gia học tập và ứng dụng, nhiều quốc gia đã thành công, điển hình như Thái Lan.
Tại Việt Nam, việc triển khai chương trình OCOP tỏ ra phù hợp với các tỉnh, thành có nhiều làng nghề, nghề truyền thống. Tuy sản phẩm đang có quy mô nhỏ, nhưng đã tạo ra trục sản phẩm cộng đồng. Nhiều địa phương đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, vùng nguyên liệu văn hóa truyền thống.
Sản xuất sản phẩm từ rau má tại HTX NN Quảng Thọ (Quảng Điền)
Chính giá trị cốt lõi của sản phẩm OCOP là chất lượng nên khi Thừa Thiên Huế triển khai chương trình, người ta nhận thấy rõ nhiều tiềm năng và lợi thế. Vùng đất Cố đô có nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế đặc trưng của cộng đồng làng xã. Những sản phẩm chất lượng đến nỗi khi giải quyết được bài toán không cần sản xuất hàng loạt vẫn có giá trị cao. Dù vậy, sau 3 năm triển khai chương trình OCOP, không phủ nhận những kết quả tích cực, nhưng công tác tiếp thị cho sản phẩm OCOP vẫn còn hạn chế.
Câu chuyện gạo thơm Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) được hỗ trợ xây dựng trở thành sản phẩm OCOP từ năm 2019, đến nay vẫn chưa tung ra được thị trường là điều đáng suy ngẫm. Trong một lần giới thiệu về quy trình tạo ra sản phẩm, ông Trần Duy Minh, Phó Giám đốc HTX NN Thủy Thanh than thở với chúng tôi rằng, bao bì, nhãn mác đã sẵn sàng để đóng gói, song đến bây giờ vẫn nằm bất động trong kho. Ông Minh viện dẫn khá nhiều lý do tạo ra trở lực khiến gạo Thủy Thanh chưa được bày bán, trong số đó, khâu tiếp thị sản phẩm đang là nút thắt cần tháo gỡ.
Tạo ra sản phẩm là một chuyện, còn việc sản phẩm được thị trường đón nhận hay không lại là chuyện khác. Gạo hữu cơ An Lỗ là một sản phẩm chất lượng cao, niềm tự hào của người dân địa phương, song nhiều thời điểm, HTX NN An Lỗ phải đau đầu vì gạo bí đầu ra, hàng chục tấn tồn đọng khiến việc duy trì sản xuất gặp khó.
So với các tỉnh, thành khác, Thừa Thiên Huế cũng triển khai Chương trình OCOP tương đối chậm. Sau 3 năm tạo ra được 25 sản phẩm là con số khiêm tốn nếu so với các tỉnh khác như, Quảng Trị (53 sản phẩm), Quảng Ninh (500 sản phẩm), Hà Nội (630 sản phẩm)…
Những ví dụ trên cho thấy, việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP đang có vấn đề. Hãy nhìn Quảng Ninh, họ có gần 30 trung tâm, điểm bán sản phẩm OCOP; đưa gần 20 sản phẩm vào chuỗi siêu thị Vinmart+, BigC, các bếp ăn doanh nghiệp, trường học... chuỗi các trung tâm mua sắm, cửa hàng thực phẩm sạch, an toàn... Hiện nay, sản phẩm OCOP Quảng Ninh cũng hiện diện thường xuyên tại các thị trường trọng điểm như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An và một số tỉnh, thành phía Bắc…
Thừa Thiên Huế thì có chuỗi cửa hàng nào trưng bày, giao dịch sản phẩm? Điều này gây ra trở lực lớn cho việc tiếp thị sản phẩm. Một sản phẩm khi được tung ra thị trường cần tính đến việc thu hút khách hàng và tạo lập mối quan hệ với khách hàng. Điểm bày bán thiếu, mặc nhiên người dân sẽ không thể tiếp cận được với sản phẩm, sức tiêu thụ sản phẩm vì thế hạn chế. Ông Đặng Văn Chính, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX CNTT Huế cho rằng, ngoài việc marketing các sản phẩm OCOP chưa được quan tâm đúng mức thì công tác tiếp cận cũng như tư vấn để đăng ký các sản phẩm OCOP cũng gặp khó khăn. Chưa nhiều người dân biết đến sản phẩm OCOP cho thấy việc tuyên truyền, phổ biến về chương trình OCOP chưa tốt.
Được biết, tỉnh đang có một dự án xây dựng, thành lập chuỗi sản phẩm OCOP; phấn đấu thành lập một trung tâm thiết kế sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP; 5 trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Dù vậy, trước khi kế hoạch này được “thực tế hóa” thì cần tiếp thị sản phẩm OCOP trên nhiều kênh khác nhau. Chất lượng là điều không phải bàn cãi, nhưng một hệ thống hình ảnh đẹp, rõ ràng, sắc nét cũng không kém phần quan trọng. Chúng ta cần một đội ngũ tư vấn tâm huyết, kinh nghiệm, sáng tạo để hình thức của sản phẩm OCOP không còn đơn điệu, qua đó tạo ra một sản phẩm khác biệt, tiêu biểu để thu hút người tiêu dùng.
Bài, ảnh: Lê Thọ