A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng lãi suất huy động sẽ 'kích' lãi suất cho vay tăng?

Không còn dừng lại ở cục bộ một số ngân hàng nhỏ, mà tăng lãi suất huy động đã trở thành xu hướng khi hầu hết các nhà băng đã nhập cuộc. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp không thuộc nhóm lĩnh vực ưu tiên, cũng như những người dân mua nhà bắt đầu lo ngại về việc ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay.

Theo khảo sát của VnBusiness, bước sang tháng 6, nhiều ngân hàng TMCP tiếp tục tăng lãi suất huy động, với biên độ tăng thêm phổ biến từ 0,1-0,5%/năm, thậm chí có nhà băng tăng đến thêm 0,8%.

"Cả làng" cùng nhập cuộc

Trong đó, VIB là ngân hàng có mức độ điều chỉnh tăng mạnh nhất trên thị trường: tăng thêm 0,8% cho kỳ hạn 6 tháng, lên mức 5,8%/năm. Kỳ hạn 3 tháng cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,5% lên 4,0%/năm, kỳ hạn 24 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,4% lên 6,2%/năm.

la-i-sua-t-huy-do-ng-jpeg-7097-165450762

Tháng 6, nhiều ngân hàng TMCP tiếp tục tăng lãi suất huy động, với biên độ tăng thêm phổ biến từ 0,1-0,5%/năm, thậm chí có nhà băng tăng đến thêm 0,8%.

So với cùng kỳ tháng trước, biểu lãi suất huy động của NCB điều chỉnh tăng thêm từ 0,3 - 0,5% đối với các kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng và 24 tháng. Theo đó, tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất ở mức 3,8%/năm (tăng 0,3%); kỳ hạn 6 tháng là 6,3%/năm (tăng 0,5%); kỳ hạn 12 tháng là 6,6%/năm (tăng 0,45%); kỳ hạn 24 tháng là 6,9%/năm (tăng 0,5%).

Trong tháng 6 cũng ghi nhận loạt ngân hàng như SCB, OceanBank, BaoVietBank, PGBank, ACB, SHB... thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất với mức phổ biến thêm 0,1-0,4%/năm.

Gây chú ý trên thị trường trong đợt tăng lãi suất lần này có sự nhập cuộc của ngân hàng top 4. Cụ thể, từ 1/6, BIDV thay đổi biểu lãi suất huy động sau gần 1 năm "bất động". Biểu lãi suất mới tăng ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên) thêm 0,1 điểm phần trăm, lên 5,6%/năm. Các kỳ hạn ngắn vẫn được giữ nguyên: Kỳ hạn 6-9 tháng là 4%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 3,4%/năm, 1-2 tháng là 3,1%/năm.

Trong khi đó, Vietcombank mới đây công bố biểu lãi suất huy động cho hình thức gửi trực tuyến trên website, cộng thêm 0,1%/năm so với hình thức gửi tại quầy.

Dù điều chỉnh tăng, nhưng lãi suất của BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn đang thuộc nhóm thấp nhất trên thị trường. Theo đó, mức lãi lãi suất cao nhất của các nhà băng này chỉ 5,6%/năm. Còn Agribank có lãi suất thấp hơn: 5,5%/năm.

Theo nhận định của giới phân tích, mặc dù thanh khoản đang khá dồi dào, song trước nhu cầu tín dụng tăng cao sau khi dịch bệnh được kiểm soát và bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% nên đã tạo áp lực huy động vốn khiến các ngân hàng dồn dập tăng lãi suất.

Người gửi mừng, doanh nghiệp lo

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra vào chiều ngày 7/6. Trong đó cập nhật dữ liệu mới về tăng trưởng tín dụng đến ngày 31/5/2022 tăng 8,04% so với cuối năm 2021 và tăng 16,94% so với cùng kỳ năm 2021. So với con số công bố ngày 20/5 mới tăng 7,66% thì chỉ trong 11 ngày cuối tháng 5, tín dụng đã tăng thêm 0,38%.

Đáng lưu ý, 4/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn cùng kỳ và 3/5 lĩnh vực ưu tiên có mức tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.

Nhìn vào những con số này có thể thấy, tín dụng đang chảy mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên, phù hợp với định hướng mà Chính phủ và NHNN chỉ đạo trong thời gian qua. Do đó, khi lãi suất huy động tăng trở thành xu hướng thì cũng bắt đầu có hiện tượng rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp không thuộc nhóm lĩnh vực ưu tiên, cũng như những người dân mua nhà bắt đầu lo ngại về việc ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vay.

Ông Vương Xuân Đức, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đức Hiền, chuyên sản xuất bao bì ở huyện Thường Tín, Hà Nội cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đang vay lãi suất 7,5%/năm, vẫn cao với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được ưu tiên. Trong điều kiện kinh tế bình thường, mức lãi suất như vậy không đáng lo ngại nhưng trong bối cảnh hiện nay sẽ gây thêm áp lực cho nhà sản xuất, kinh doanh. Bởi gần đây, giá nguyên vật liệu, cước vận chuyển, giá xăng dầu… tăng mạnh. Ví dụ, giá nguyên vật liệu, cước phí vận chuyển đều đã tăng 30%-50% so với năm ngoái. Tính trung bình thì chi phí đầu vào đã tăng hơn 15%, trong khi hàng hoá bán ra thị trường không tăng.

“Chính phủ hay NHNN luôn đề cập đến chuyện giảm lãi suất nhưng chỉ với những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên. Vì vậy, tôi rất lo lắng với xu hướng lãi suất huy động tăng như hiện nay sẽ đẩy lãi suất cho vay tăng trong thời gian tới”, ông Đức nói.

Chia sẻ với báo giới gần đây, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng đánh giá, trong bối cảnh thị trường trái phiếu và chứng khoán đang có quá nhiều rủi ro, để người dân lựa chọn gửi vốn vào ngân hàng thì lãi suất phải cao hơn nhằm thu hút vốn nhàn rỗi và đây cũng là chiến lược của các TCTD.

“Dù lãi suất huy động đang được điều chỉnh tăng, nhưng tôi cho rằng, lãi suất cho vay sẽ không thể tăng tương ứng, bởi các TCTD cũng hiểu rằng việc huy động vốn với lãi suất có thể cao hơn nhưng nâng lãi suất cho vay không phù hợp với thực tiễn thì không thể chấp nhận”, ông Hùng nêu quan điểm.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết