A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 4/6: Khó nhập khẩu xăng giá rẻ từ Malaysia

Ngày 4/6, nhiều tờ báo đưa thông tin đề cập đến thị trường xăng dầu trong nước, đồng thời khẳng định, khó nhập xăng giá rẻ từ Malaysia.

Ngày 4/6, tờ Người lao động sáng 4/6 có bài: Khó nhập xăng giá rẻ từ Malaysia. Bài báo dẫn thông tin từ Bộ Công Thương cho biết: "Chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa, ngay cả người nước ngoài tại đây cũng phải mua xăng không được trợ giá. Do đó, xăng dầu xuất khẩu của Malaysia được bán theo giá thị trường chung của khu vực. Chẳng hạn, tại Singapore, nước xuất khẩu xăng dầu lớn khu vực châu Á, giá xăng dầu đang ở mức khá cao. Giá xăng RON95 của Singapore hiện ở mức 2,315 USD/lít (tương đương khoảng 54.000 đồng/lít)".

Còn theo giới chuyên môn, mỗi nước có chính sách giá nhiên liệu khác nhau, không thể thấy giá bán của Malaysia thấp mà dễ tiếp cận. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận khách hàng ở Malaysia để tìm kiếm nguồn hàng nhưng vẫn phải giao dịch theo giá thế giới.

Đại diện một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, giao dịch mua bán xăng dầu là theo giá thế giới. Cụ thể, giao dịch mua bán xăng dầu trong khu vực là tại thị trường Singapore, còn nguồn hàng có thể ở Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc... Việc tìm nguồn hàng giá rẻ từ Malaysia rất khó thực hiện.

Các chuyên gia xăng dầu cũng giải thích giao dịch xăng dầu là thị trường mở, giá bán ra cao hay thấp do mỗi nước có chính sách khác nhau. Tại Việt Nam, giá xăng khoảng 30.000 đồng/lít, trong đó thuế, phí đã chiếm 60%-65%.

Như vậy, việc Malaysia bán xăng ra thị trường của họ với giá 13.000 đồng là phù hợp với giá thế giới khi họ không áp thuế, phí và trợ giá.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 4/6: Khó nhập khẩu xăng giá rẻ từ Malaysia

Tờ Người lao động có bài, "Khó nhập xăng giá rẻ từ Malaysia"

Tờ Tuổi trẻ có bài: Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng mục tiêu kiềm chế lạm phát, thuế phí chiếm 1/3 giá xăng.

Bài báo cho biết, Bộ Công Thương có thông báo giải thích việc giá xăng tại Việt Nam là 31.573 đồng/lít, trong khi xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ hỗ trợ giá cho người dân là 13.000 đồng/lít.

Cũng theo thông tin bài báo, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng của Việt Nam khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).

Trong khi xăng từ Malaysia không đánh các loại thuế với xăng dầu tiêu thụ trong nước, có chính sách trợ giá xăng dầu tiêu thụ trong nước.

Công Thương qua góc nhìn báo chí ngày 4/6: Khó nhập khẩu xăng giá rẻ từ Malaysia

Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản "bội thu" cả về lượng và giá

Tờ Quân đội nhân dân ngày 4/6 có bài: “Khi giá xăng tăng…. Theo bài báo, xăng dầu là một trong những năm hàng liên quan mật thiết tới cả chính sách điều hành vĩ mô lẫn đời sống dân sinh hàng ngày của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bởi thế, mọi biến động của giá xăng, dầu đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả người dân, doanh nghiệp, các nhà quản lý và chuyên gia, nhà nghiên cứu. Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, vấn đề giá xăng cũng thu hút sự quan tâm của các đại biểu quốc hội.

Bài báo phân tích, là một nền kinh tế thị trường, Việt Nam khó có thể lạm dụng các biện pháp can thiệp quá mạnh của nhà nước vào giá cả của xăng, dầu để duy trì giá xăng, dầu thấp hơn các nước xung quanh.

Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều lần xăng, dầu thẩm lậu qua biên giới khi Việt Nam cố gắng duy trì giá xăng, dầu thấp hơn giá thị trường chung. Đó là điểm bất hợp lý khi Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền, chấp nhận hụt thu khoản ngân sách rất lớn bằng việc cắt, giảm các loại thuế, phí liên quan để không ít cá nhân trong, ngoài nước trục lợi.

Xăng, dầu là mặt hàng phổ thông, là chi phí đầu vào của nhiều loại hàng hóa, nhưng chiếm phần rất nhỏ trong tổng chi phí sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu (trừ một số mặt hàng thực phẩm đặc biệt như hải sản đánh bắt xa bờ...).

Ngược lại, xăng, dầu lại chiếm số tuyệt đối rất cao trong chi tiêu của người giàu (đi xe ô tô, chạy máy phát điện...) và là chi phí đầu vào của nhiều mặt hàng công nghiệp không phải là hàng thiết yếu, trong đó có những mặt hàng cao cấp phục vụ tầng lớp giàu trong xã hội.

Do vậy, nếu nhà nước cố gắng duy trì mức giá xăng, dầu quá thấp thì người nghèo được hưởng lợi rất ít, còn tầng lớp giàu lại được hưởng lợi hơn rất nhiều. Đó là sự bất hợp lý trong phân bổ nguồn lực.

Liên quan đến vấn đề xuất nhập khẩu, tờ VTV có bài: “Xuất khẩu cả nước 5 tháng đầu năm tăng. Bài báo cho biết, 5 tháng đầu năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt gần 153 tỷ USD. Như vậy là tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, nhóm nông-lâm-thuỷ sản trở thành điểm sáng trong xuất khẩu chung của cả nước. Xuất khẩu nhóm này ước đạt hơn 13 tỷ USD... tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều mặt hàng nông sản "bội thu" cả về lượng và giá. Nguyên nhân chủ yếu là các thị trường hiện đều có nhu cầu rất cao đối với thủy sản Việt Nam.

Để hoạt động xuất khẩu phát huy thành quả trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định Thương mại tự do.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết