A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mở rộng hệ sinh thái, ngân hàng hướng đến mô hình tập đoàn tài chính

Khi mà "chiếc áo" thương mại đã trở nên chật chội, các ngân hàng tìm hướng mở rộng hệ sinh thái từ bán bảo hiểm đến chứng khoán, tư vấn và phát hành trái phiếu... Mô hình chuyển đổi từ ngân hàng thương mại sang tập đoàn tài chính - ngân hàng ngày càng trở nên rõ nét.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, trong bối cảnh hạn mức tăng trưởng tín dụng được cơ quan quản lý “cấp phát” ngặt nghèo, nhưng lĩnh vực tài chính - ngân hàng vẫn có tốc độ phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, việc các ngân hàng thương mại đặt mục tiêu trở thành các tập đoàn tài chính đa ngành là xu hướng tất yếu để cạnh tranh và phát triển.

Tham vọng mang tới cơ hội mới

Việc hình thành mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng đã được manh nha từ lâu. Xu hướng này ngày càng rõ nét với việc mở rộng hệ sinh thái, ra đời của hàng loạt công ty con của các ngân hàng. Một số thương vụ gần nhất có thể kể đến là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại Chứng khoán ACSC và đổi tên thành Chứng khoán VPBank; Chứng khoán Globalmind Capital được mua lại với những dấu hiệu cho thấy Ngân hàng Quốc tế (VIB) sẽ tiếp quản.

VPB-jpeg-7417-1654133357.jpg

VPBank đang có xu hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính

Ở một diễn biến tương tự, chứng khoán Việt Nam Gate Way đổi tên thành chứng khoán KS Securities và gia nhập cùng hệ sinh thái với Ngân hàng Kiên Long (KienlongBank).

Trước nay, việc ngân hàng sở hữu công ty chứng khoán không phải là lạ. Nhiều cái tên gắn liền với thương hiệu ngân hàng như chứng khoán VietinBank (CTS), chứng khoán Vietcombank (VCBS), chứng khoán MB (MBS), chứng khoán ACB (ACBS), chứng khoán Kỹ Thương (TCBS)…

Với việc mua bán, thâu tóm các công ty chứng khoán, ngân hàng sẽ mở rộng lĩnh vực kinh doanh: chứng khoán, tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư chứng chỉ quỹ… Lãnh đạo VPBank từng chia sẻ, chứng khoán VPBank sẽ không nhắm vào mục tiêu cạnh tranh thị phần môi giới, mà chủ yếu nhắm vào các sản phẩm để phục vụ nhu cầu đầu tư của khách hàng như: trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ, phát hành trái phiếu, cho vay margin…

Thực tế, thời gian qua, một số ngân hàng tuyên bố đặt mục tiêu trở thành mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng. Theo quy định để trở thành tập đoàn, doanh nghiệp phải là công ty TNHH hoặc CTCP có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên và sở hữu trên 50% vốn điều lệ của ít nhất 5 công ty khác và được Thủ tướng Chính phủ cho phép…

Xét theo quy định này, một số ngân hàng lớn có khá đầy đủ các tiêu chí để trở thành một tập đoàn tài chính - ngân hàng như VPBank, MB…

Những năm gần đây, MB cũng tự xưng là MB Group bởi hệ sinh thái đa dạng của mình. Hiện, vốn điều lệ của MB đạt 38.600 tỷ đồng, có tới 6 công ty con: công ty mua bán nợ MB AMC, công ty chứng khoán MBS, công ty quản lý quỹ đầu tư MB (MB Capital), CTCP Bảo hiểm quân đội (MIC), công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas, công ty Tài chính TNHH MB Shinsei. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Tổng giám đốc Lưu Trung Thái khẳng định, định hướng của MB là xây dựng và triển khai mô hình tập đoàn tài chính ngân hàng (MB Group).

Tương tự, đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của VPBank đạt 45.056 tỷ đồng, mục tiêu đến cuối năm nay sẽ tăng vốn điều lệ lên 79.300 tỷ đồng - cao nhất hệ thống. Đồng thời, ngân hàng công bố kế hoạch mua lại 100% hoặc hơn 90% cổ phần của công ty bảo hiểm OPES.

"Việc mua công ty bảo hiểm OPES và công ty chứng khoán ASC nằm trong chiến lược của ngân hàng. VPBank đang có xu hướng trở thành mô hình tập đoàn tài chính. Các hoạt động bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ hay chứng khoán là những mảnh ghép cần thiết cho mô hình tập đoàn trong hệ sinh thái,” ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank giải thích.

Gập ghềnh mở rộng

Có kinh nghiệm trong hệ thống hạ tầng hệ sinh thái, ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng ban dịch vụ cấp cao VNG Cloud cho rằng, việc xây dựng hệ sinh thái hiện nay đã trở thành trào lưu mà mọi doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng bán lẻ chạy theo.

Theo nhận định của giới chuyên môn, việc trở thành tập đoàn là mô hình phát triển tất yếu của những ngân hàng lớn, phù hợp với yêu cầu tất yếu của hội nhập và mục tiêu chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Không chỉ MB và VPBank, nhiều ngân hàng ngày càng hướng tới mở rộng hệ sinh thái, trở thành tập đoàn tài chính - ngân hàng. Tuy nhiên, con đường vươn tới tập đoàn không phải dễ dàng.

Tại Đại hội đồng cổ đông mới đây, cổ đông cho rằng hệ sinh thái của TPBank vẫn còn hạn chế so với nhiều ngân hàng khác, Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết, đây là vấn đề mà Ban lãnh đạo rất trăn trở, nhưng không thực hiện được. Ngân hàng đã xin cơ quan quản lý thành lập công ty bảo hiểm, công ty quản lý tài sản, công ty tài chính, công ty quản lý quỹ…, nhưng không được chấp thuận mở mới.

“Bên cạnh việc rất khó khăn để được cấp phép thì điều kiện để được chấp thuận thành lập cũng tréo ngoe. Chẳng hạn, muốn thành lập công ty quản lý tài sản thì nợ xấu phải trên 3%, Ngân hàng không muốn đưa nợ xấu lên trên 3% để mở công ty. Do đó, TPBank tính đến phương án M&A (mua bán và sáp nhập), nhưng cũng không hề dễ dàng, bởi ngân hàng nào cũng có động thái tương tự để mở rộng hệ sinh thái. Do đó, tìm được doanh nghiệp đã không dễ, rồi còn vấn đề giá cao thì đầu tư vào không hiệu quả, còn giá thấp lại không mua được”, ông Hưng nói.

Chia sẻ về xây dựng hệ sinh thái tại Diễn đàn bán lẻ tổ chức mới đây, ông Phạm Quang Minh - Tổng giám đốc Mambu Việt Nam cho rằng đây là xu hướng mang tính sống còn với các ngân hàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc xây dựng hệ sinh thái tràn lan, thiếu định hướng sẽ không mang lại hiệu quả.

Huyền Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết