A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải bài toán cung cầu nhà ở từ nguồn nhà tái định cư

Hàng nghìn căn hộ nhà tái định cư trên địa bàn TP lớn như Hà Nội, TP. HCM... đang không có người ở, xuống cấp, thậm chí là bỏ hoang, gây lãng phí lớn trong khi nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ lại đang rơi vào tình trạng thiếu hụt. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương về tái định cư là hoàn toàn đúng đắn. Song việc thực hiện lại có nhiều vấn đề bất cập, chất lượng, tiện ích phục vụ chưa đáp ứng như kỳ vọng.

Bất cập sinh lãng phí

Theo ghi nhận của phóng viên Vnbusiness, trên địa bàn Thủ đô hiện còn có khá nhiều nhà tái định cư (TĐC) đang dư thừa, thậm chí có hàng nghìn căn đang bị bỏ hoang, gây lãng phí cho ngân sách thành phố.

Điển hình tại ngõ 13 phố Lĩnh Nam, 2 tòa nhà cao 9 tầng đã xây dựng xong gần 10 năm, nhưng đang trong cảnh hoang phế, lác đác vài căn hộ có người ở, chân tòa nhà rác thải bủa vây, gây nhếch nhác, mất vệ sinh môi trường.

linh-nam-8318-1653965721.jpg

2 tòa nhà cao 9 tầng tại ngõ 13 Lĩnh Nam đã hoàn thiện 10 năm nhưng rất ít người ở.

Theo người dân, đây là nhà tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án xây dựng trụ sở UBND phường Mai Động và mở rộng tuyến ngõ 13 Lĩnh Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do dẫn đến khu tái định cư này không có nhiều người chuyển về sinh sống.

Theo tìm hiểu, tại tòa tái định cư có 9 tầng, thế nhưng mỗi tầng chỉ có 1 hộ dân đến ở. Hành lang chung của tầng đều bị chiếm dụng để chứa đồ. Theo những người dân sinh sống ở đây thì chất lượng công trình là yếu tố quyết định khiến họ không mặn mà chuyển đến đây an cư.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, hiện trên địa bàn có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ. Hầu hết các tòa nhà được xây dựng bằng ngân sách nhà nước.

Tương tự nhà ở tái định cư N01 - D17 Duy Tân (phường Dịch Vọng Hậu) sở hữu một vị trí “vàng” tại quận Cầu Giấy nhưng 10 năm vẫn bị bỏ hoang. Quy mô của dự án gồm 15 tầng nổi và 01 tầng hầm, với tầng 1 và 2 là tầng thương mại, căn hộ ở từ tầng 3 đến tầng 15.

Hay như khối nhà 20 tầng tại ô đất CT3 Khu đô thị mới Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy cũng đang trong tình trạng "đắp chiếu". "Cẩn thận" hơn, chủ đầu tư còn in hẳn tấm biển với nội dung cảnh báo, nhà tái định cư chưa đưa vào sử dụng, mua bán... Những hàng rào lan can đang dần gỉ sét cùng thời gian.

Với 3 tòa nhà màu xanh nước biển trên đường Tân Mai (thuộc phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai) 3 tòa nhà này đã xây dựng gần 3 năm nay nhưng đến giờ chưa được đưa vào sử dụng, thời điểm ghi nhận tại các tòa nhà này xuất hiện nhiều vết nứt ngay tại chân tòa nhà.

tan-mai-1-1620725789-3392-1620-5539-3354

3 tòa nhà đối diện hồ Đền Lừ, nằm trên đường Tân Mai đã được hoàn thiện khá lâu nhưng chưa có người ở.

Theo ý kiến của một số người dân nằm trong diện tái định cư, nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do nhiều khu nhà được xây dựng ở quá xa siêu thị, chợ, trường học, bệnh viện... khiến cư dân gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt.

Cùng với đó, những khó khăn, vướng mắc do chưa có văn bản pháp luật quy định riêng về quản lý, vận hành và sử dụng quỹ nhà tái định cư, hay việc bầu Ban Quản trị nhà chung cư còn rất ít, việc thu kinh phí đóng góp theo quy định của người dân còn hạn chế, nên đã gây khó khăn cho công tác duy tu, sửa chữa quỹ nhà tái định cư. Và lẽ dĩ nhiên, khi có sự cố xảy ra với cơ sở vật chất nơi đây thì người dân phải tự bỏ tiền ra sửa chữa.

Nên chuyển từ nhà ở tái định cư sang NƠXH và thương mại?

Theo nhận định của các chuyên gia, để giải bài toán nhà ở tái định cư, điều đầu tiên phải làm tốt công tác quy hoạch. Phải xác định đúng vị trí xây dựng khu tái định cư, đảm bảo giao thông, hạ tầng xã hội cho người tái định cư. Sau đó phải xác định đúng đối tượng tái định cư sao cho phù hợp với nhu cầu, thu nhập của mỗi người.

Thống kê của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, Thành phố có tới hàng nghìn căn hộ chung cư bị bỏ hoang. Trong khi đó, Sở này đang quản lý 9.434 căn hộ và hơn 2.500 nền đất phục vụ tái định cư còn bỏ trống tại 163 dự án. Do đó, mỗi năm thành phố phải tốn khoảng 71 tỷ đồng để bảo trì những căn hộ tái định cư bị bỏ hoang xuống cấp, gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, trước khi tiến hành xây dựng nhà tái định cư, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không lại chưa được tiến hành kỹ càng, sâu sát.

"Nhà tái định cư phải gắn liền với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm tốt hơn, hoặc phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân sau khi di dời. Do đó, công tác tái định cư cần phân tích, dự báo nhu cầu một cách chính xác cũng như khả năng đáp ứng của nguồn nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại phục vụ nhu cầu tái định cư của người dân; có biện pháp sử dụng hiệu quả quỹ nhà tái định cư, phân bổ hợp lý", ông Đính nói.

Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn tính đến tháng 5/2022. Đặc biệt, Bộ Xây dựng đề nghị báo cáo phải cụ thể một số nội dung như: Tổng hợp danh mục các dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn, số lượng nhà ở tái định cư đã đầu tư xây dựng, việc bố trí, quản lý sử dụng nhà ở tái định cư trên địa bàn.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang làm NƠXH, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác.

Theo Bộ Xây dựng, đây cũng là đợt tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đưa ra các đề xuất, kiến nghị trong việc quản lý, sử dụng nhà tái định cư tại các địa phương.

Duy Thế


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết