A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Người cựu chiến binh làm giàu trên quê mới

Đó là mô hình vườn - ao - chuồng, nuôi cá, nuôi bò, trồng cây ăn trái của cựu chiến binh Đặng Văn Tâm đã và đang làm giàu trên quê mới Lâm Hà. Thăm mô hình sản xuất của ông nhận ra một điều, người lính luôn vươn lên dù trong mọi hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi.

 
Ông Tâm bên ao cá gia đình. Ảnh: D.Quỳnh
Ông Tâm bên ao cá gia đình. Ảnh: D.Quỳnh
 
Ông Đặng Văn Tâm, cựu chiến binh chia sẻ, khi xuất ngũ ông vào Thôn 6, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà theo lời kêu gọi đi xây dựng kinh tế mới những năm 1984 của Đảng và Nhà nước. Thời điểm ấy, Thôn 6 còn sát núi, đồng toàn cỏ lau, cỏ tranh, đất rất ít và khó canh tác do đất trũng. Nhưng có điều lợi là do sát chân núi, ruộng trũng, nước suối chảy thường xuyên nên hệ thống ao, hồ rất phát triển. Giàu nuôi cá, khá nuôi heo, ông quyết định be bờ ngăn đập, tạo lập ao nuôi cá. Vậy là ông gắn bó với nghề nuôi cá từ đó cho tới bây giờ.
 
 Ao cá nhà ông Phạm Văn Tâm rộng trên 2 sào, độ sâu xấp xỉ 1,5 m, có cửa đón nước từ suối chảy vào và cửa xả nước ra, đảm bảo nước trong ao luôn trong sạch, không bị tù hãm. Ao được kè đá sạch sẽ, chống xói lở. Ông Tâm cho biết, nuôi cá muốn thành công thì việc đầu tiên là đảm bảo môi trường ao nuôi phải trong sạch, không bị ô nhiễm. Ông Tâm thường thả cá theo nhiều tầng để tận dụng ao nuôi và tận dụng thức ăn triệt để nhất. Hiện ông đang nuôi hai tầng cá, tầng trên là cá trắm và cá mè, tầng dưới là cá chày mắt đỏ. Cá mè, cá trắm ăn tầng nước mặt, cá chày mắt đỏ ăn tầng đáy, thức ăn cho mè, trắm rơi rớt sẽ được cá chày xử lý cuối cùng. Vì vậy, thức ăn vừa tiết kiệm mà môi trường ao luôn sạch, không phát sinh bệnh tật do ô nhiễm nước. Ông bảo, nếu đảm bảo môi trường ao sạch, cá nuôi sẽ phát triển rất nhanh, ít bệnh tật, thịt ngon. 
 
Ông cho biết, nuôi cá là một trong những nghề chăn nuôi an toàn và giá cả ổn định, sau nuôi 2 năm, những con cá giống bằng đầu ngón tay có thể đạt trọng lượng từ 2-3 kg/con tùy loại. 
 
Với giá bán tại ao từ 65-70 ngàn đồng/kg trắm, gần 100 ngàn đồng/kg cá chày, thu nhập từ ao có thể lên tới hàng trăm triệu đồng/năm. 
 
Và nuôi cá rất nhàn, không cần quá nhiều công sức đầu tư cũng như chăm sóc hàng ngày. Cá cũng không bị dịch bệnh, ít rủi ro so với trồng trọt hay chăn nuôi một số vật nuôi khác như heo, gà. Việc thu hoạch cũng rất đơn giản, người mua tới tận ao xả nước, kéo lưới, cân kí và trả tiền, người nuôi không mất công quá nhiều. Kinh nghiệm của ông Tâm cho biết, muốn cá ngon phải kiên trì: “Con cá nào nuôi cũng phải 2 năm trở lên trọng lượng mới đạt, thịt ngon, chắc. Thu hoạch sớm quá thịt nhão, bở, kém ngon. Như nhà tôi thả cá chày mắt đỏ mới 8 tháng, có con đã nặng 1 kg. Nhưng tôi sẽ thả tới 2 năm mới thu hoạch, đảm bảo con cá ngon, thị trường ưa thích. Làm ăn cũng phải giữ chữ tín, bán hàng ngon cho bà con sử dụng”. 
 
Không chỉ nuôi cá, ông Tâm còn nuôi bò siêu thịt, vừa cho sinh sản, vừa nuôi bò thịt thương phẩm. Lượng phân từ chuồng bò, ông bón vào vườn trồng 200 gốc bơ cao sản như Booth, 034. Dù bơ mới bói nhưng đã có thương lái tới mua tận vườn, ông bà không phải đi bán xa. Vì vậy, chỉ có 8 sào vườn cả ao, cả bơ, cả bò nhưng thu nhập của vợ chồng ông Đặng Văn Tâm không tệ. Ông bảo, sau khi trừ hết chi phí, tiêu pha trong nhà, hai ông bà già còn lời được 200 triệu đồng/năm, với mức đầu tư thấp và công chăm sóc không nhiều. Và thu nhập sẽ tăng thêm hàng năm, theo độ trưởng thành của vườn bơ cao sản. 
 
Anh Lâm Gia Sang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Gia Lâm đánh giá, mô hình sản xuất của ông Đặng Văn Tâm là mô hình vườn - ao - chuồng hiệu quả, cho thu nhập ổn định. Ông Tâm cũng hoạt động cộng đồng rất nhiệt tình, ao cá của gia đình ông là một trong những điểm trình diễn kỹ thuật, được nhiều bà con tới học hỏi. Ông là tấm gương về người CCB về với đồng ruộng, làm ăn giỏi, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng đáng là người lính trên mọi mặt trận.
 
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết