A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh room tín dụng lần 2, nhà băng nào được cấp thêm?

Tăng trưởng tín dụng được dự báo còn cải thiện trong giai đoạn cuối năm khi nhu cầu vốn tăng cao, trong khi nhiều ngân hàng đã gần "chạm trần" tín dụng vào cuối quý III. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước vừa nới thêm room lần thứ 2 trong năm nay cho một số ngân hàng thương mại.

Việc bổ sung hạn mức này được Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện, không yêu cầu các ngân hàng phải đề nghị.

Cùng với việc tăng hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro để hạn chế các nguy cơ bất ổn.

Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Đồng thời, duy trì ổn định lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng với mức tăng khoảng 15%.

-3504-1732864175.jpg

Theo thống kê, đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023.

Đến ngày 28/8, những ngân hàng đã cho vay trên 80% chỉ tiêu tín dụng được cấp từ đầu năm đã được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức, theo nguyên tắc: Dư nợ tín dụng tăng thêm so với chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước đã thông báo trước đó = Dư nợ tín dụng ngày 31/12/2023 x Điểm xếp hạng năm 2023 x 0,5%.

Thời điểm đó, theo công thức tính room tín dụng, chuyên gia Chứng khoán VPBanks cho biết các ngân hàng như ACB, HDBank, LPBank, Techcombank sẽ được tăng room tín dụng lên mức 18 - 18,7%.

Mới đây, báo cáo tài chính quý III/2024 của các ngân hàng cho thấy tăng trưởng tín dụng có sự phân hoá. Tăng trưởng mạnh nhất thuộc về Techcombank (19,68%), HDBank (16,54%), NCB (16,33%), LPBank (16,10%), Nam A Bank (15,8%), MSB (15,29%). ACB (14%).

Cũng nằm trong nhóm tăng trưởng trên 14% so với cuối năm 2023 còn có MB (14,98%), Kienlongbank (14,47%) và TPBank (14,35%).

Do vậy, những ngân hàng trên nhiều khả năng sẽ thuộc nhóm được nới room tín dụng lần thứ 2 này.

Nhóm ngân hàng quốc doanh có dư nợ tín dụng tăng khoảng 10%: BIDV tăng 10% tính đến hết quý III/2024, VietinBank tăng 9,04%, Vietcombank tăng 10%, trong khi hạn mức tăng trưởng tín dụng được giao hồi đầu năm với Vietcombank cao nhất là 15,9%, Vietinbank và BIDV cùng được giao 14% và Agribank thấp nhất với 12,5%.

Đây mới là số liệu tăng trưởng tín dụng cập nhật đến cuối tháng 9/2024. Số lượng nhà băng đạt được điều kiện hoàn thành 80% chỉ tiêu tín dụng của cả năm cập nhật đến cuối tháng 10 có thể sẽ lớn hơn nhiều.

Trước đó, thông tin về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết khác với những năm trước, ngay từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao hết hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Do đó, cơ quan điều hành sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng trong thời gian tới.

Theo thống kê, đến ngày 22/11, tín dụng toàn hệ thống tăng 11,12% so với cuối năm 2023, thấp hơn mức kỳ vọng.

Theo các chuyên gia, nếu các ngân hàng đạt được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ không tăng lãi suất điều hành, mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành có thể đạt 14,83%.

VPBankS Research đánh giá chính sách nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần. Do đó, chính sách lãi suất sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người vay nhưng có thể dẫn đến NIM của ngân hàng giảm nhẹ.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết