Lộ diện những nhà băng lãi tỷ đô
Kinh tế năm 2024 được đánh giá là còn nhiều khó khăn, song nhiều "ông lớn" ngân hàng vẫn tiếp tục "ăn nên làm ra" ghi nhận lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đề ra với mức lãi kỷ lục, từ 1 tỷ USD trở lên.
Trong đợt khảo sát hồi cuối năm 2024, các ngân hàng đánh giá cả năm 2024, tình hình kinh doanh chưa đạt như kỳ vọng, nhưng vẫn cải thiện so với năm 2023. Trong đó, gần 80% nhà băng ước tính lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2023, 16% ước tính lợi nhuận giảm và 5% dự báo đi ngang.
Big 4 lãi xấp xỉ 5 tỷ USD
Chưa đến thời hạn phải công bố báo cáo tài chính năm 2024, song nhiều ngân nhà băng đã có ước tính kết quả kinh doanh cả năm.
Tính đến thời điểm hiện nay, đứng đầu lợi nhuận hệ thống ngân hàng là Vietcombank. Tại hội nghị tổng kết mới đây, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, năm qua, nhà băng này hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đại hội đồng cổ đông giao.
Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng 5% đặt ra từ đầu năm 2024, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Vietcombank có thể vượt 43.300 tỷ đồng, còn riêng lẻ là 42.500 tỷ đồng.
Dự báo lợi nhuận của Vietcombank năm 2024 sẽ tiếp tục xô đổ kỷ lục năm 2023, vượt 41.244 tỷ đồng. |
Trước đó, báo cáo của Vietcombank cho thấy lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 41.244 tỷ đồng, thiết lập kỷ lục mới. Với kết quả dự kiến năm 2024, ngân hàng này sẽ tiếp tục xô đổ kỷ lục cũ.
Trong khi đó, BIDV có thể trở thành ngân hàng có lợi nhuận "khủng" thứ hai toàn hệ thống, chỉ sau Vietcombank. Năm 2024 cũng là năm đạt lợi nhuận kỷ lục của nhà băng này khi ghi nhận lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng trưởng 12,4% so với năm trước.
Với Agribank, thông tin từ ngân hàng cho thấy, năm 2024, mặc dù hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh chung của nền kinh tế, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn tăng trên 8%.
Với mức tăng trưởng nêu trên, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của Agribank năm 2024 là 27.567 tỷ đồng, còn hợp nhất là hơn 27.928 tỷ đồng.
VietinBank cũng cho biết doanh thu năm 2024 tăng trưởng tích cực, lợi nhuận đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trước đó, hồi đầu tháng 10/2024, VietinBank đã thống nhất các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2024 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ là 26.300 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm 2023.
Như vậy, tính chung nhóm Big 4 có tổng lợi nhuận trước thuế khoảng hơn 126.300 tỷ đồng (xấp xỉ 5 tỷ USD).
Ngoài Big 4, một số ngân hàng tư nhân khác cũng công bố kết quả kinh doanh trong năm qua với lợi nhuận tăng trưởng mạnh. Trong đó phải kể đến Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank) tạo nên cú bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên ghi danh vào câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng.
Cụ thể, kết thúc năm 2024, LPBank công bố lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.
Tại hội nghị nhà đầu tư vừa qua, lãnh đạo HDBank tiết lộ ngân hàng dự kiến vượt kế hoạch lợi nhuận năm, tạo đà tăng trưởng cao cho giai đoạn nối tiếp. Chia sẻ về triển vọng kết quả kinh doanh cả năm 2024, Giám đốc tài chính Phạm Văn Đẩu cho biết, HDBank tin tưởng sẽ vượt các chỉ tiêu lợi nhuận 15.852 tỷ đồng mà cổ đông giao và dự kiến đạt tới trên 16.000 tỷ đồng.
MB cũng thông tin đến hết năm 2024, lợi nhuận đạt 27.600 tỷ, tăng 12% so với năm trước (lợi nhuận hợp nhất đạt 28.800 tỷ, tăng gần 10%).
Lợi nhuận tiếp tục tăng
Theo nhận định của giới phân tích, lợi nhuận ngân hàng năm qua tăng trưởng nhờ tín dụng phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Số liệu của NHNN cho thấy, đến hết năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 15,08%, trong khi nửa đầu năm mới chỉ đạt mức 6%.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 được NHNN đặt ra ở mức 16% và dự báo cầu sẽ cải hiện khi thị trường bất động sản dần hồi phục… tác động lên lợi nhuận của các ngân hàng.
Các chuyên gia đánh giá, tín dụng, NIM (biên lãi ròng) và chất lượng tài sản là 3 yếu tố có tác động mạnh nhất tới ngân hàng năm 2025.
Cụ thể, năm 2025, khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường 2. Ngoài ra, dư địa giảm lãi suất đầu ra cũng không còn nhiều, giúp hỗ trợ NIM.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự báo các ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ có khả năng mở rộng NIM nhiều nhất. Trong bối cảnh NIM nhích nhẹ và tăng trưởng tín dụng có thể đạt 14 - 15%, lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tăng 15% vào năm 2025.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tăng trưởng lợi nhuận năm 2025 tiếp tục có sự phân hóa mạnh. Cụ thể, các ngân hàng quốc doanh được kỳ vọng sẽ báo cáo lợi nhuận tăng trưởng 12%, trong khi nhóm ngân hàng tư nhân năng động sẽ có lợi nhuận tăng trưởng tới 20%. Các ngân hàng còn lại, thường có quy mô nhỏ hơn, sẽ chứng kiến lợi nhuận đi lên chỉ khiêm tốn 8%.
Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lợi nhuận trước thuế 2025 của các ngân hàng trong danh mục theo dõi sẽ tăng trưởng 14,9% so với cùng kỳ, chậm lại đôi chút so với mức tăng trưởng 16,2% dự kiến của năm 2024.
Theo kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh do NHNN thực hiện tháng 1/2025, có tới 85,1% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận sẽ tăng trưởng dương so với năm 2024, 9,6% lo ngại lợi nhuận giảm và 5,3% kỳ vọng lợi nhuận không đổi.
Huyền Anh