Lạm phát tăng cao xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ lo giảm tăng trưởng
Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ những tháng cuối năm được dự báo có thể giảm 15 tỷ USD tạo nỗi lo lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may trong nước.
Mỹ là thị trường truyền thống của dệt may Việt Nam và luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu của ngành. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Vương Đức Anh- Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), 2 quý cuối của năm 2022 tăng trưởng xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ có thể giảm mạnh, tới 15 tỷ USD.
Theo số liệu thống kê, xuất khẩu dệt may Việt Nam đi Mỹ tháng 5 đạt 1,67 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã giảm 1 nửa so với tháng 4. Luỹ kế 5 tháng năm 2022 đạt 7,86 tỷ USD, tăng 21% so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Vương Đức Anh cũng cho hay, qua trao đổi, một số khách hàng lớn nhận định 2 yếu tố có khả năng kéo giảm nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ. Thứ nhất, tình hình lạm phát khiến giá cả tăng rất cao, đặc biệt là giá xăng, hiện ở mức 5 USD/1 gallon, tăng 50% so với đầu năm và tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu để tiết kiệm chi phí.
Một cuộc khảo sát thực hiện tại thị trường Mỹ gần đây cũng cho thấy 44% người Mỹ, trong đó 34% là thế hệ Z (người sinh năm 1996 trở lại đây) xác định giảm mua quần áo đầu tiên và nhiều nhất.
Thứ 2 là tình trạng quá mua. Trong 2 năm đại dịch không được mua sắm, người tiêu dùng Mỹ có tâm lý “mua sắm trả thù” dẫn đến sức mua trong năm 2021 cực mạnh. Chỉ riêng hàng may mặc, nhu cầu nhập khẩu năm 2021 rất cao, kéo dài đến tận quý I/2022.
Theo thống kê của Vinatex, quý I/2022 Mỹ nhập khẩu hàng may mặc tăng 40% về lượng, 25% về giá trị. Trong khi đó, bình quân quý I các năm trước khi xảy ra dịch Covid-19 chỉ tăng 2%.
“Chúng tôi ước tính, chỉ tính riêng người có thu nhập thấp tại Mỹ (thu nhập dưới 50.000 USD/năm, chiếm 2/3 dân số) giảm 10% chi tiêu mua quần áo thì từ nay đến cuối năm sẽ giảm 8 tỷ USD, cộng với 7-8 tỷ quá mua của quý I/222. Như vậy, 2 quý cuối của năm 2022, nhập khẩu hàng may mặc của Mỹ giảm khoảng 15 tỷ USD, tương đương 14-15% nhu cầu”, ông Vương Đức Anh nói.
Thực tế ở thời điểm hiện tại, đa số các đơn vị thành viên của Vinatex mới ký đơn hàng đến hết tháng 8, có đơn vị ký đến tháng 10 nhưng non tải (khoảng 30% năng lực). Chỉ một số ít đơn vị đã đủ đơn hàng đến hết năm nhưng lại phải đối mặt với bài toán thiếu nguyên vật liệu, thiếu lao động, chi phí tăng…
Về giải pháp đối phó, riêng với Vinatex, ông Cao Hữu Hiếu- Tổng Giám đốc Vinatex, cho hay: Đối với ngành sợi, theo dõi chặt chẽ tình hình thị trường, chọn thời điểm mua bông phù hợp và nên mua theo từng lô nhỏ để trung hòa giá bông và tránh rủi ro. Chuyển đổi mặt hàng, tăng cường các mặt hàng sợi pha nhằm giảm sử dụng bông.
Tăng cường tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc do tồn kho sợi, bông tại thị trường này hiện đang cao. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, liên kết chuỗi sản xuất sợi – dệt – nhuộm để đưa sợi thành phẩm vào chuỗi sản xuất dệt nhuộm của các đơn vị trong tập đoàn nhằm san sẻ bớt rủi ro nếu có.
Đối với ngành may, ưu tiên các biện pháp giữ ổn định lao động, linh hoạt chuyển đổi mặt hàng và mở rộng thị trường để bù lại sự sụt giảm từ thị trường Mỹ. Xem xét, điều phối hoặc cắt giảm thời gian sản xuất, đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, trong thời gian chờ tìm kiếm các đơn hàng mới. Tích cực đàm phán với khách hàng tránh tình trạng hoãn, lùi đơn hàng và tìm kiếm nguồn nguyên liệu từ các thị trường thay thế Trung Quốc.
Ở tầm vĩ mô hơn, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: Doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ vững lao động và tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Triển khai mô hình 6Rs (thích ứng, linh hoạt; phục hồi càng nhanh càng tốt; tái cấu trúc; đổi mới, sáng tạo; tăng cường quản lý rủi ro; tăng sức đề kháng). Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động “xanh hóa”, “tuần hoàn hóa” để đáp ứng yêu cầu.
Về bức tranh xuất khẩu của cả ngành, ông Vương Đức Anh cũng phân tích: Năm 2022 ngành dệt may Việt Nam dự kiến xuất khẩu 43 tỷ USD. 5 tháng đầu năm đã đạt 15 tỷ USD. 6 tháng cuối năm nếu tình trạng thị trường không quá xấu, cùng đó đơn hàng thường dồn vào quý III và IV các doanh nghiệp vẫn có thể tự tin với mục tiêu đề ra.
Việt Nga