A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

HTX đồng hành cùng phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

Để giúp chị em có nền tảng cơ sở vững chắc trong phát triển sản xuất kinh doanh, nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm lãnh đạo đã được thành lập với nhiều cách làm sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ đó đã động viên phụ nữ tự tin, mạnh dạn, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và làm giàu chính đáng, đặc biệt khuyến khích tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá, để tạo điều kiện cho phụ nữ khởi nghiệp tham gia phát triển kinh tế, các cấp Hội phụ nữ từ trung ương đến địa phương đã có nhiều cách làm, giải pháp sáng tạo, cụ thể trong vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Thay đổi nhận thức để làm chủ cuộc sống

Nhiều cấp Hội phụ nữ đã chủ động triển khai các phong trào hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường… tạo cơ hội cho chị em phụ nữ vươn lên, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

-4505-1662689264.jpg

Nhiều mô hình HTX do phụ nữ làm lãnh đạo đã được thành lập, giúp chị em phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

“Thông qua các mô hình HTX cho chị em làm lãnh đạo quản lý đã góp phần phát huy vai trò của phụ nữ trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như cải thiện và nâng cao đời sống của thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tại địa phương”, bà Thảo chia sẻ.

Là một trong những hội viên phụ nữ được hỗ trợ khởi nghiệp, chị Hồng Thị Thủy, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: Thấu hiểu mối lo âu, vất vả của phụ nữ trong việc sản xuất manh mún, hiệu quả thấp, thiếu sự liên kết bền vững, tháng 3/2017, chị Thủy cùng với một số chị em sáng lập HTX nông nghiệp công nghệ cao Kiến Giang gồm có mô hình trồng dừa lùn, dưa lưới, trồng cây sim, nuôi lợn rừng và trồng sản xuất các loại rau màu… Trong đó, sản phẩm chủ lực là cây dưa lưới với mục đích là cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông nghiệp cao cấp, an toàn tuyệt đối.

Tổng diện tích sản xuất của HTX đạt 5 ha, trong đó có 3.000 m2 là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây dưa lưới, sản lượng hàng năm đạt trên 9 tấn, doanh thu đạt 400 triệu đồng/2 vụ/năm, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động nữ với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng và nhiều lao động theo thời vụ tại địa phương. Từ những kết quả đó đã tạo điều kiện cho nhiều chị em nghèo vươn lên trong cuộc sống, ổn định kinh tế gia đình.

HTX May gia công An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, hoạt động trên các lĩnh vực: Gia công hàng may mặc, đào tạo nghề, thiết kế may và cung cấp dịch vụ các mặt hàng may, cũng là một ví dụ điển hình.

Phó Giám đốc Đào Thị Mỹ Dung cho biết: Hiện nay, HTX đã phát triển 10 cơ sở may gia công trên địa bàn thành phố, đồng thời mở rộng ra một số huyện trong tỉnh. HTX còn đào tạo nghề miễn phí cho 198 lao động nữ tại địa phương, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập tối thiểu 6 triệu đồng/người/tháng.

“Với tinh thần tương thân tương ái, HTX tạo việc làm cho nhiều lao động mắc bệnh hiểm nghèo với mức lương từ 4 triệu đồng/người/tháng, đồng thời hỗ trợ ăn uống hàng ngày. Nhiều sinh viên trong thời gian nghỉ hè tại địa phương được HTX tạo điều kiện vào làm thời vụ để có thêm chi phí học tập khi bước vào năm học mới”, bà Dung thông tin.

HTX đồng hành cùng các cấp Hội Phụ nữ

HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Yên là một trong những HTX đầu tiên của huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La do các hội viên phụ nữ đứng ra liên kết thành lập.

Với 30 thành viên, HTX chủ yếu trồng các loại rau màu và cây ăn quả. Chị Lò Thị Im, Giám đốc HTX cho biết: Từ năm 2018, HTX đã đưa một số loại cây trồng mới có giá trị kinh tế vào trồng thử nghiệm, như măng tây, chuối tiêu hồng...

-1862-1662629801.jpg

Các cấp Hội phụ nữ và các HTX do phụ nữ làm chủ đã tạo việc làm ổn định, nhiều thành viên, hội viên đã vươn lên làm giàu.

Đến nay, hai loại cây trồng này đã cho kết quả khả quan: giá bán măng tây trung bình từ 50.000 đồng/kg, còn chuối tiêu hồng có giá trị cao hơn chuối địa phương từ 5.000-7.000 đồng/kg.

Hiện, HTX có trên 7 ha chuối, mỗi lứa thu gần 13 tấn/ha, trung bình một năm HTX thu 50 tấn chuối tiêu hồng; còn cây măng tây, cứ sau 3 tháng chăm sóc, có thể thu hoạch 30kg/ngày/ha.

“HTX còn chế biến thành sản phẩm trà măng tây để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Qua đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên phụ nữ từ 7-9 triệu đồng/người/tháng, nhiều chị em phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên làm giàu, không còn cảnh nghèo đói như trước”, chị Im chia sẻ.

Bên cạnh việc chị em phụ nữ đồng hành cùng HTX phát triển kinh tế gia đình, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Bắc Yên còn phối hợp với các HTX do chị em làm lãnh đạo chăm lo cho hội viên, phụ nữ nghèo. Trong những năm qua, các cấp hội đã vận động chị em giúp đỡ các gia đình hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hội viên ốm đau... bằng các hình thức như quyên góp củi, gạo, ngày công, với tổng trị giá hơn 100 triệu đồng, ủng hộ Quỹ mái ấm tình thương gần 20 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 1 nhà “Mái ấm tình thương” cho gia đình hội viên phụ nữ đặc biệt khó khăn thuộc Chi hội Hồ Sen, xã Hua Nhàn, trị giá 10 triệu đồng...

Chị Thào Thị Ga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Yên chia sẻ, hiên nay, Hội đang vận động chị em đầu tư, mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với nhu cầu thị trường, vươn lên phát triển kinh tế bền vững, qua đó khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo của huyện đề ra.

Đánh giá về hiệu quả giảm nghèo của các cấp Hội phụ nữ và các HTX do phụ nữ làm lãnh đạo, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể, HTX đã giúp nhiều phụ nữ có điều kiện sản xuất, vươn lên làm giàu. Thông qua các hoạt động hỗ trợ của cấp Hội, chị em được tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sản xuất, có ý thức tự lực vươn lên, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào Nhà nước. Các chị còn tự nguyện góp quỹ hàng tháng để phòng chống rủi ro, tương trợ nhau, mua con giống tặng cho hộ nghèo khác để cùng nhau sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập

“Để đời sống của hội viên phụ nữ ngày một nâng cao, để phong trào phụ nữ tham gia khởi nghiệp ngày lan tỏa, thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục động viên tinh thần khởi nghiệp của hội viên, tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ, giúp hội viên có khả năng xây dựng, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng mô hình phát triển kinh tế phù hợp”, bà Thảo nhấn mạnh.

Kim Yến


Tác giả: Thay đổi nhận thức để làm chủ cuộc sống
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết