A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 60 lô tôm Việt Nam bị nước nhập khẩu cảnh báo

Năm 2021, hơn 60 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo. Riêng Nhật Bản tiếp tục duy trì lệnh kiểm tra tăng cường đối với tôm nuôi của Việt Nam do vẫn còn nguy cơ cao việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng tôm.

Sáng 11/3, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2022. Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản năm 2021 ước đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vẫn là tôm chiếm tới 43,87% kim ngạch xuất khẩu, đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.

xuat-khau-tom-8429-1646973848.jpg

Mặt hàng tôm chiếm tới 43,87% kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021, đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020 (Ảnh: Int)

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam là: Bắc Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc. Hiện có 352 cơ sở chế biến tôm được công nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và trong danh sách xuất khẩu sang các quốc gia, vùng lãnh thổ có yêu cầu lập danh sách và lô hàng được cấp giấy chứng nhận thực phẩm thủy sản xuất khẩu bởi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản.

Tuy nhiên, năm 2021, hơn 60 lô hàng tôm bị cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo, trong đó đáng chú ý là cảnh báo về các chỉ tiêu phosphate 22 lô (chiếm 34,3%), bệnh thủy sản 21 lô (chiếm 32,8%), vi sinh 9 lô (chiếm 14%), kim loại nặng 1 lô (chiếm 1,56%), ghi nhãn 2 lô (chiếm 3,12%).

Riêng về tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm có 8 lô (chiếm 12,5%) giảm so với tỷ lệ cảnh báo năm 2020 đối với nhóm chỉ tiêu này (10 lô bị cảnh báo liên quan đến hóa chất, kháng sinh chiếm 28,3% tổng lô hàng bị cảnh báo).

Về cụ thể từng thị trường, ông Lê Bá Anh cho biết gần đây phía Trung Quốc cảnh báo một số lô hàng tôm đông lạnh, tôm đã xử lý nhiệt của Việt Nam bị phát hiện dương tính với IHHNV, WSSV (virus gây bệnh đốm trắng). Cục đã có văn bản gửi cơ quan thẩm quyền Trung Quốc đề nghị cung cấp cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đã xử lý nhiệt và bằng chứng về đánh giá rủi ro đối với các cảnh báo bệnh IHHNV, WSSV đối với sản phẩm tôm đông lạnh chưa bóc vỏ, bỏ đầu.

Đối với thị trường Hàn Quốc, riêng đối với sản phẩm tôm thì phải đáp ứng các điều kiện về kiểm soát dịch bệnh được cụ thể hóa tại Quyết định số 1701/QĐ-QLCL ngày 14/5/2019 của Bộ NN&PTNT. Sản phẩm tôm đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) theo quy định của Hàn Quốc sẽ được miễn kiểm dịch.

Tuy nhiên, hiện tại, phía Hàn Quốc vẫn quy định kiểm soát dịch bệnh đối với một số sản phẩm tôm đã chế biến sâu (bóc vỏ, bỏ đầu,..) mặc dù mối nguy dịch bệnh không còn tồn tại đối với dạng sản phẩm này. Ông Lê Bá Anh cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục có văn bản đề nghị phía Hàn Quốc xem xét, dỡ bỏ chế độ kiểm dịch đối với dạng sản phẩm này.

Đối với thị trường Úc, liên quan đến điều kiện nhập khẩu tôm của Úc, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có văn bản gửi Cục Thú y góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá nguy cơ an ninh sinh học trong nhập khẩu tôm dùng làm thực phẩm từ các quốc gia vào Úc.

Cụ thể, cơ quan này đề nghị phía Úc xem xét, đưa ra quy định kiểm soát phù hợp với cả đối tượng tôm nuôi và tôm đánh bắt xuất khẩu sang Úc; Đề nghị phía Úc cần tăng cường công tác quản lý, kiểm soát sau nhập khẩu để ngăn chặn việc lạm dụng nêu trên thay cho việc áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với các lô hàng nhập khẩu; Đề nghị phía Úc xem xét đưa ra biện pháp quản lý rủi ro phù hợp với từng quốc gia, vùng lãnh thổ cụ thể...

Cùng với đó, thông qua mạng cảnh báo nhanh của EU (RASFF), cơ quan thẩm quyền của các nước nhập khẩu thủy sản và các kênh ngoại giao khác (Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam), Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã nhận được thông tin cảnh báo 8 lô hàng tôm nuôi của Việt Nam liên quan đến dư lượng hóa chất, kháng sinh chiếm 12,5% tổng số trường hợp tôm nuôi bị cảnh báo .

Năm 2021, việc tiếp tục phát hiện 4 lô hàng chứa dư lượng Enrofloxacin, Nhật Bản tiếp tục duy trì lệnh kiểm tra tăng cường đối với tôm nuôi của Việt Nam do vẫn còn nguy cơ cao việc lạm dụng kháng sinh này trong nuôi trồng tôm.

"Đối với các lô hàng bị cảnh báo nêu trên, Cục đã có văn bản yêu cầu các cơ sở chế biến có lô hàng bị cảnh báo thực hiện truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân, thiết lập và thực hiện các biện pháp khắc phục để ngăn ngừa sự việc tái diễn", ông Lê Bá Anh cho biết.

Trước thực tế trên, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản đề nghị các doanh nghiệp cần thúc đẩy phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Tăng cường đầu tư công nghệ chế biến, gia tăng giá trị, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Chủ động nghiên cứu, nắm bắt rõ các thủ tục, cập nhật quy định của các thị trường để giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu.

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết