A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách ở Lâm Hà

Việc huy động nguồn lực và các giải pháp triển khai sử dụng vốn ngoài ngân sách đang giúp cho huyện Lâm Hà có được những sự thuận lợi nhất định trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở xã Gia Lâm - Lâm Hà. Ảnh: Đăng Lộ

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở xã Gia Lâm - Lâm Hà. Ảnh: Đăng Lộ

Những số liệu thống kê là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy việc Lâm Hà đã thật sự thành công trong việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để “đỡ đần” cho gánh nặng ngân sách Nhà nước trong việc xây dựng NTM.

Tổng nguồn vốn trong giai đoạn 2010 - 2019 là 1.737 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách Nhà nước là trên 1.200 tỷ, phần còn lại là sự đóng góp từ kinh phí của các doanh nghiệp; sự hỗ trợ một phần từ TP Hà Nội và gần 292 tỷ đồng từ sự đóng góp của các cộng đồng dân cư.

Từ kết quả huy động nguồn lực và các giải pháp triển khai sử dụng vốn ngoài ngân sách nêu trên, nhiều công trình đã được xây dựng và phát huy hiệu quả to lớn trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Lâm Hà.

10 năm qua, toàn huyện đã làm mới được 793 km tuyến đường trục thôn, ngõ xóm với tổng vốn trên 1.100 tỷ đồng, riêng người dân đã đóng góp được 277 tỷ đồng. Trong số gần 69 tỷ đồng vốn đầu tư cho việc sửa chữa và làm mới 12 nhà văn hóa xã và 144 nhà sinh hoạt cộng đồng thì người dân Lâm Hà cũng đã đóng góp được 24 tỷ đồng.

Ngoài ra còn rất nhiều các công trình xây dựng cơ bản khác như thủy lợi, ao hồ phục vụ sản xuất, các dự án phát triển khoa học công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện đều được Nhân dân hưởng ứng tham gia đóng góp trực tiếp bằng công lao động cũng như vật chất trị giá lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Kết quả này không thể không nhắc tới sự nhất quán trong việc đưa ra chủ trương, chính sách và lập kế hoạch thực hiện cụ thể, chi tiết trong từng giai đoạn của Huyện ủy, UBND huyện Lâm Hà.

Việc thực hiện cơ chế huy động cũng được khảo sát thực tế và đưa ra những quy chuẩn. Đối với đầu tư xây dựng, huyện thực hiện nguyên tắc Nhà nước và Nhân dân cùng làm, trong đó Nhà nước hỗ trợ một phần giá trị công trình, hoặc hỗ trợ chi phí vật liệu, các chi phí cần thiết khác. Phần còn lại, Nhân dân tự nguyện hiến đất, giải tỏa cây cối, hoa màu, đồng thời góp ngày công lao động, máy móc thi công và tự tổ chức thi công công trình đường giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng, ao, hồ phục vụ sản xuất...

Việc triển khai thực hiện cũng được huyện đề cao và đảm bảo tính công khai, minh bạch, chú trọng việc nhân rộng mô hình điểm, ưu tiên chọn tiêu chí dễ thực hiện, ít tốn kém kinh phí, đạt hiệu quả thiết thực đến cộng đồng dân cư trước. Phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong tổ chức thực hiện chương trình. 

Sự nhất quán và minh bạch được thể hiện ngay trong vấn đề sử dụng các nguồn vốn huy động. Việc đóng góp bằng tiền mặt, huyện giao cho các xã, thị trấn tổ chức thu, lập thủ tục nộp vào tài khoản tiền gửi của xã, thị trấn mở tại Kho bạc Nhà nước của huyện, sau đó tổ chức lập thủ tục chi trả, thanh toán cho công trình theo quy định.

Riêng các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân bằng các hình thức ngày công lao động, hiện vật, hiến đất và tài sản trên đất (quy đổi ra Việt Nam đồng) được ghi nhận vào giá trị công trình.

Tất cả các cơ chế, chính sách của cấp thẩm quyền được triển khai bằng các nghị quyết của HĐND huyện đều đã từng bước phát huy được tính hiệu quả, thiết thực đối với đời sống của người dân.

Theo ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch UBND huyện: “Để có nông thôn mới hiện đại, cơ sở hạ tầng hiện đại, sản xuất phát triển bền vững, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng thực tế nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực khác trong xã hội tham gia vào phát triển nông nghiệp, từ đó mới thúc đẩy phát triển được nông thôn mới”.

Trước những vấn đề đặt ra đó, huyện Lâm Hà đã chủ động chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở chủ động phát huy cách làm sáng tạo và phù hợp với đặc thù của từng nơi; phát huy hết khả năng các lợi thế của địa phương, đồng thời cán bộ, đảng viên phải khơi dậy được sự nhiệt tình ủng hộ của người dân.

Lâm Hà cũng đã xác định rõ vai trò, lợi thế của nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong phát triển nông thôn mới. Để làm được điều này, huyện đã có những chính sách phù hợp nâng cao vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh nông nghiệp. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho họ trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cũng như trong việc đầu tư phát triển NTM. 

Không những thế, huyện còn linh động tạo ra những “cơ chế mở” hoàn toàn dựa trên những quy định của pháp luật đề ra các chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư, tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch để giúp các doanh nghiệp có được sự thuận lợi nhất trong việc kinh doanh, phát triển nông thôn. Cùng với đó, Lâm Hà còn không ngừng cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận chính sách một cách dễ dàng. Việc kêu gọi đầu tư vào các dự án, đề án cũng được thực hiện một cách công khai, các thủ tục đầu tư, thanh quyết toán vốn cũng được đơn giản hóa nhất ở mức có thể.

Ở Lâm Hà, việc người dân nhiệt tình đem công sức, trí tuệ và vật chất đóng góp cho công cuộc xây dựng NTM đã thực sự trở thành một phong trào có sức lan tỏa lớn. Sự thành công ấy, chắc chắn sẽ là tiền đề bền vững để giúp Lâm Hà - một địa phương có rất nhiều tiềm lực sớm đạt được những mục tiêu trong lộ trình xây dựng NTM của mình.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết