A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá thực phẩm, điện tăng đẩy CPI tháng 6 tăng 0,27%

Giá thực phẩm tăng, giá điện sinh hoạt tăng do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước.

Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng 12/2022, CPI tháng 6 tăng 0,67% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%.

-8090-1688006607.jpg

Giá thực phẩm, điện tăng đẩy CPI tháng 6 tăng 0,27% so với thàng trước. 

Cụ thể, trong mức tăng 0,27% của CPI tháng 6/2023 so với tháng trước có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm. CPI bình quân quý II/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước.

Các yếu tố làm tăng CPI trong quý II/2023: giá điện sinh hoạt tăng 3,53%, chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện tăng trong mùa hè nắng nóng và quyết định tăng giá điện từ ngày 4/5/2023 của EVN, tác động làm CPI tăng 0,12 điểm phần trăm.

Đồng thời, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 2,8% do nhu cầu tiêu dùng trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và Tết Đoan ngọ tăng, tác động làm CPI quý II tăng 0,6 điểm phần trăm.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2023 như giá điện tác động làm CPI tăng 0,1 điểm phần trăm; giá gạo trong nước tăng 2,39% theo giá gạo xuất khẩu, tác động làm CPI tăng 0,06 điểm phần trăm...

Lạm phát cơ bản tháng 6/2023 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 4,33% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,74% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,29%).

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế chịu tác động bởi diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị thế giới. Trong nước, nhu cầu về hàng hóa nông sản, nhu cầu du lịch tăng nên chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản, chỉ số giá dịch vụ tăng lần lượt là 3,83% và 5,42% so với cùng kỳ năm trước.

Ở chiều ngược lại, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp và chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất giảm 0,24% và giảm 0,02%; chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu hàng hóa giảm 0,52% và giảm 3,85% theo xu hướng của thị trường thế giới.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2023 ước tính tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 3.016,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,2%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, tương đương cùng kỳ năm 2022 (quý II/2023 ước đạt 1.520,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với quý trước và tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước).

Đồng thời, Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Trong đó, khách đến bằng đường hàng không đạt gần 4,9 triệu lượt người, chiếm 87,6% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước; bằng đường bộ đạt 633,5 nghìn lượt người, chiếm 11,4% và gấp 8,1 lần; bằng đường biển đạt 55 nghìn lượt người, chiếm 1% và gấp 443,9 lần.

Số lượt người Việt Nam xuất cảnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 2,4 triệu lượt người, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước và bằng 71,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Thy Lê 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết