A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đang mất dần vị thế?

Từ đầu năm đến nay, dù VN-Index chứng kiến mức hồi phục mạnh mẽ, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng trưởng xấp xỉ 20%, thì nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ tăng trưởng khoảng 10% về giá.

Đóng cửa phiên ngày 28/6, VN-Index leo lên trên 1.138 điểm, mức cao nhất trong vòng 9 tháng. Trong bối cảnh đó, nhiều cổ phiếu đã tranh thủ bứt phá mạnh, thậm chí vượt đỉnh lịch sử. Mức tăng từ hàng chục % đến bằng lần chỉ sau vài tháng không hiếm, đặc biệt là trong nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. 

Nhiều tên tuổi lớn vẫn “đuối sức”

Trái lại, không ít tên tuổi lớn vẫn thờ ơ với "bữa tiệc". Có thể kể đến cổ phiếu VIC (Vingroup). Từ đầu năm, cổ phiếu này gần như lặng sóng, có chăng cũng chỉ ghi nhận một vài nhịp tăng ngắn ngủi. Hiện, cổ phiếu VIC vẫn đang giao dịch quanh vùng đáy 5 năm cùng mức vốn hóa xấp xỉ 200.000 tỷ đồng, chỉ bằng chưa đến một nửa so với thời kỳ đỉnh cao.

-7083-1687943581.jpg

Không ít “tên tuổi” lớn vẫn thờ ơ với "bữa tiệc" chứng khoán. (Ảnh minh họa)

Hay như cổ phiếu VJC (Vietjet) cũng đang duy trì quanh vùng đáy 5 năm với vốn hóa xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh mà hãng hàng không này từng đạt được vào tháng 3/2018.

Tương tự, cổ phiếu SAB (Sabeco) đã mất gần 20% thị giá trong 3 tháng vừa qua và rơi xuống vùng đáy một năm. Vốn hóa tương ứng còn khoảng 100.000 tỷ đồng, tương đương một nửa so với đỉnh vào cuối tháng 11/2017 – thời điểm Thaibev của tỷ phú Thái Lan không ngần ngại chi 5 tỷ USD để thâu tóm.

Ngoài ra, nhiều cổ phiếu ngân hàng thuộc nhóm vốn hóa lớn cũng cho thấy sự “đuối sức” khi giao dịch diễn ra không sôi động, bất chấp những thông tin tích cực về việc giảm lãi suất điều hành.

Một số cổ phiếu khác tuy cũng đã ghi nhận chút ít sự “cố gắng” song cũng chưa thấm vào đâu so với mức giảm trước đó.

Chẳng hạn, cổ phiếu VNM (Vinamilk) có ghi nhận dòng tiền đẩy vào sau khi trôi về vùng đáy một năm vào trung tuần tháng 6. Dù cổ phiếu tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng nhưng con số này vẫn còn thấp hơn đến 40% so với đỉnh và 15% so với đầu năm.

Cổ phiếu BVH (Bảo Việt) cũng có dấu hiệu muốn nhập cuộc sau thời gian dài đứng ngoài “cuộc chơi”, loanh quanh vùng đáy 32 tháng. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn còn thấp hơn so với đầu năm, chưa tính gì đến thời đỉnh cao.

Khá khẩm hơn, cổ phiếu MWG (Thế Giới Di Động) “rục rịch” trở lại cuộc đua từ cuối tháng 5, sau khi trôi về vùng đáy 30 tháng. Song, với mức tăng 13% trong một tháng vẫn cách khá xa so với mức giảm hơn 50% từ đỉnh.

Chờ cơ hội trong cuối năm

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, thị giá nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ tăng khoảng 10%, trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ lại tăng xấp xỉ tới 20%.

Theo lý giải của ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích, Chứng khoán BIDV (BSC), thị trường chứng khoán trước đó đã giảm mạnh hơn 33%, thị giá những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ giảm nhiều nhất, thì khi thị trường phục hồi trở lại, nhóm này sẽ bật tăng mạnh hơn nhóm khác.

Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài sau giai đoạn mua ròng thì trong một, hai tháng gần đây có xu hướng bán ròng là chính. Điều này một phần đến từ việc chênh lệch lãi suất, khi lãi suất ở thị trường phát triển, đặc biệt là thị trường Mỹ tăng rất nhanh, trong khi lãi suất điều hành ở Việt Nam lại giảm xuống, dẫn đến việc các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ngắn hạn ở thị trường Việt Nam và chuyển tiền về các thị trường khác. Và những nhà đầu tư nước ngoài thường nắm giữ những cổ phiếu có vốn hóa lớn trên thị trường, đặc biệt là top những cổ phiếu hàng đầu.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối Phân tích, Maybank Investment Bank nhận định, cấu trúc của thị trường chứng khoán Việt Nam có một đặc điểm là nhà đầu tư cá nhân hiện đang chiếm tỷ trọng rất cao, hơn 85% trong tổng giao dịch hàng ngày, còn trung bình tại các nước ASEAN chỉ 34%.

Đặc điểm của dòng tiền cá nhân là chạy theo những phân tích kỹ thuật, hay theo những yếu tố về tâm lý hoặc những câu chuyện ngắn hạn.

“Những cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ tạo ra hiệu ứng tăng giá tốt hơn so với những cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong khi đó thì dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là dòng tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài vẫn chưa quay trở lại thị trường một cách rõ ràng”, ông Thành nhìn nhận.

Cũng theo chuyên gia Maybank Investment Bank, chỉ khi nào trạng thái kinh tế phục hồi tốt hơn, nhất là những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm như thị trường trái phiếu doanh nghiệp được khắc phục chưa, thị trường bất động sản đã có những chính sách như thế nào…, lúc đó dòng tiền ngoại mới quay lại. Khi đó mới có thể kỳ vọng dòng tiền vào thị trường sẽ mạnh mẽ hơn đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

“Càng giai đoạn về cuối năm, khi triển vọng về phục hồi kinh tế cũng như các ngành, hay những công ty lớn chứng tỏ được nội lực trong việc đi qua cơn bão và họ vẫn duy trì được tăng trưởng tốt thì dòng tiền sẽ quay lại dần đối với nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn”, chuyên gia Maybank Investment Bank nêu quan điểm.

Giám đốc Phân tích BSC cho rằng, trong nhóm vốn hóa lớn thì nhóm ngành lớn nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng, chiếm khoảng 37% vốn hóa. Bởi đây là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất nên có ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường. Trong giai đoạn vừa qua, nhóm này đã gặp nhiều rủi ro gia tăng do lãi suất tăng rất mạnh vào cuối năm ngoái, rủi ro về trái phiếu doanh nghiệp và những lo ngại đó đã phản ánh vào giá của nhóm này trên thị trường.

Tuy nhiên hiện nay, khi kết quả kinh doanh dần được đưa ra, nhiều ngân hàng vẫn khá tốt về hoạt động kinh doanh, những rủi ro liên quan đến nợ xấu hay liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn nằm trong vùng kiểm soát. Và điều quan trọng nhất là hiện nay, nhiều ngân hàng đang có mức định giá hợp lý cho việc đầu tư dài hạn.

“Nhìn chung đang có cơ hội đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là từ nửa sau của năm”, Giám đốc Phân tích BSC đánh giá.

Hải Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết