A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và kinh doanh

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã khẳng định như vậy tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương, sáng 9/1.

Hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp sản xuất ô tô, cơ khí

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã thường xuyên chỉ đạo các giải pháp duy trì hoạt động các dự án công nghiệp lớn trong các ngành nền tảng như thép, ô tô, cơ khí, hóa chất, năng lượng cũng như hạn chế tối đa sự đứt gãy các đơn hàng xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực như dệt may, da - giày, chế biến thực phẩm, điện tử… Cùng với đó, Làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp (trong đó các hãng toàn cầu lớn có hoạt động sản xuất, gia công tại Việt Nam) để bảo đảm duy trì các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong và sau dịch bệnh, điều chỉnh các mô hình tổ chức sản xuất linh hoạt phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19. Chỉ đạo các giải pháp ổn định nguồn cung, thị trường và giá cả một số mặt hàng công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất, tiêu dùng như thép, nguyên vật liệu, thực phẩm chế biến...

Kết quả, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%.

Công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí… từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đã có thêm những sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: Sơ mi rơ mooc (Thaco - Trường Hải), máy biến áp 220 kV-250MVA…

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và kinh doanh
Ngành ô tô đã có thêm những sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Công Thương, ngày 9/1, ông Phạm Văn Tài – Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Trường Hải (THACO) – cho biết, cùng với cả nước, ngành Công Thương, trong năm 2021, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phòng chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh, THACO Industries đạt doanh thu đạt 6.000 tỷ đồng, bao gồm cung cấp cho đối tác trong nước: 5.000 tỷ đồng; xuất khẩu hơn 50 triệu đô la, tăng 50% so với 2020.

Kế hoạch 2022 hưởng ứng thông điệp của Chính phủ, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển, dự kiến doanh thu của THACO sẽ đạt hơn 13.000 tỷ đồng, bao gồm cung cấp cho ngành ô tô: hơn 6,000 tỷ đồng (46%), cung cấp cho các ngành nghề khác: 7.000 tỷ đồng (54%). Trong đó xuất khẩu linh kiện cơ khí, phụ tùng và ô tô là 270 triệu đô la, tăng gấp 5 lần so với 2021. THACO Industries đặt mục tiêu doanh thu xuất khẩu đến 2025 đạt 500 triệu USD, tương đương tăng trưởng bình quân hơn 15%/năm.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và kinh doanh
Ông Phạm Văn Tài đánh giá cao những hỗ trợ của Bộ Công Thương với doanh nghiệp ô tô, cơ khí...

Năm 2022, THACO Industries tiếp tục chi đầu tư gần 3.500 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp công nghệ các nhà máy hiện hữu để nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm chiến lược; đồng thời đầu tư thêm các dự án nhà máy mới, bao gồm: Nhà máy Sơ mi rơ moóc và Cấu kiện cơ khí nặng; các nhà máy sản xuất Linh kiện phụ tùng: Thiết bị áp lực; nhíp lò xo & thanh cân bằng; mâm xe. Các nhà máy sản xuất linh kiện nội thất; Nhà máy Thiết bị chuyên dụng; Nhà máy Đúc thép; đúc nhôm; thiết bị điện tử thông minh…

“THACO tiếp tục đầu tư phát triển mở rộng ra bên ngoài, kiến tạo một mô hình kinh doanh mới là một hệ sinh thái thông qua hợp tác liên kết với đối tác trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách hỗ 3 trợ kết nối các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước tham gia vào chuỗi sản xuất mà THACO là doanh nghiệp hạt nhân” - ông Phạm Văn Tài cho hay.

Hiện nay, Việt Nam có gần 4.000 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực Công nghiệp hỗ trợ, việc hình thành các liên kết sẽ tạo ra các nền tảng mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Trong thời gian tới, THACO với trọng trách là doanh nghiệp đầu tàu, chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với các doanh nghiệp, chia sẻ về thị trường, công nghệ và quản trị để cùng nhau phát huy nội lực, phát triển ngành Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam một cách bền vững” - ông Phạm Văn Tài nhấn mạnh.

Doanh nghiệp thương mại tích cực vào cuộc đẩy mạnh lưu thông hàng hóa

Vượt qua khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào thành tích thương mại chung của ngành Công Thương. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) - chia sẻ, ngành thủy sản rất vui mừng khi đóng góp phần nhiều vào thành tích xuất nhập khẩu của năm 2021.

Ông Nam cho biết, tại thời điểm đến hết tháng 10/2021, toàn ngành chỉ đưa ra dự báo xuất khẩu cả năm đạt khoảng 8,4-8,6 tỷ USD.

Tuy nhiên, giai đoạn các tháng cuối năm tình hình khởi sắc rõ rệt, nhất là khi Nghị quyết 128 ra đời đã thúc đẩy sự phục hồi của ngành. Tính riêng trong tháng 12/2021, trị giá xuất khẩu thủy sản đã đạt tới 900 triệu USD, đây là con số chưa từng có. Có thể nói, năm nay ngành thủy sản đã thoát hiểm ngoạn mục.

Năm 2022, VASEP kiến nghị Bộ Công Thương thiết lập lại các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống phù hợp với bối cảnh dịch bệnh, bởi đặc thù của ngành là phải nếm, phải thử.

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất và kinh doanh
Kênh bán lẻ vào cuộc phân phối hàng hóa

Bà Nguyễn Thị Phương- Phó tổng giám đốc thường trực Công ty VinCommerce chia sẻ thêm, dưới tác động của dịch Covid-19, hệ thống siêu thị đã gặp rất nhiều thách thức chưa có tiền lệ, đã gây đứt gãy chuỗi cứng, thiếu nhân sự, khiến xu hướng tiêu dùng dần thay đổi lớn. Trong bối cảnh đó, hệ thống bán lẻ của VinCommerce đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, phục vụ đầy đủ, kịp thời người tiêu dùng cả nước, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu trên diện rộng, ổn định giá cả.

“Thời gian qua, trước những biến động của thị trường, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Bộ Công Thương, Vụ Thị trường trong nước cùng các Sở Công Thương các tỉnh, thành trên cả nước đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các địa phương trong dịch bệnh” – bà Phương cho biết.

Để đối phó với dịch bệnh, hệ thống Vincomerce cũng chủ động làm việc với các nhà cung cấp đẩy mạnh bán hàng đa kênh online, tăng cường bán hàng lưu động, chủ động cam kết duy trì tỷ lệ hàng Việt ở mức trên 90% trong hệ thống bán lẻ của mình. Không chỉ giúp người tiêu dùng tiện lợi trong mua sắm hàng hóa mà còn hỗ trợ tiêu thụ nông sản của người dân.

Lan - Phương
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết