A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đổi mới sáng tạo ở Mường Hoa

KTNT Nhiều hợp tác xã (HTX), chủ homestay kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nông nghiệp ở xã Mường Hoa (Sa Pa - Lào Cai) đã vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Chủ động, sáng tạo và bắt nhịp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, nuôi tiếp khát vọng lập nghiệp mà mình đã lựa chọn.

Vượt khó

Đau đáu với những hoa văn thổ cẩm trên váy áo truyền thống của chính đồng bào Mông mình, cô gái Sùng Thị Lan sinh ra và lớn lên bên dòng suối Mường Hoa đã không thôi đam mê với những chiếc váy áo cũ. Sùng Thị Lan bảo, mỗi lần lên bản thu mua những mảnh hoa văn thổ cẩm trên váy áo cũ của mọi người thấy tiếc lắm, nhất là gần đây, nhiều người  không còn mấy mặn mà với những chiếc áo truyền thống thêu hoa văn cầu kỳ như trước nữa.

1.JPG

Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa (người bên phải) giới thiệu các mặt hàng thổ cẩm cho du khách.

Những chiếc áo đã cũ sờn, hoa văn thổ cẩm theo năm tháng vẫn bền màu, được Sùng Thị Lan, Giám đốc HTX Mường Hoa tận dụng để tái chế thành những sản phẩm trang trí không gian sống hiện đại. Bằng các thiết kế được học từ Trung tâm Craflink, Sùng Thị Lan và các thành viên HTX đã mang đến cho khách hàng yêu sản phẩm thổ cẩm một góc nhìn mới.

Sùng Thị Lan tâm sự: “Là con của người Mông, không chỉ muốn giữ gìn bản sắc văn hóa, mà tôi muốn thông qua việc “đổi phận” cho thổ cẩm để nhiều người biết đến văn hóa dân tộc mình hơn, biết đến một di sản của đồng bào Mông và một số dân tộc khác ở vùng cao Lào Cai”.

Trước đây, khách đến đông, chị và các thành viên trong HTX không có thời gian để nghỉ. Nhưng từ năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến cho khách du lịch đến Sa Pa giảm mạnh, thậm chí có thời điểm giãn cách xã hội, hầu như đóng cửa không đón khách… Lúc đầu, Sùng Thị Lan cùng các thành viên HTX cũng loay hoay trước tình thế đó, nhưng dần dần, cũng  tìm ra hướng đi, từng bước tháo gỡ khó khăn.

Hiện hàng ngày, ngoài thời gian lặn lội đến các bản vùng cao để sưu tầm những sản phẩm thổ cẩm cũ của bà con về tái chế, đưa vào thiết kế các sản phẩm mang tính ứng dụng trong cuộc sống hiện đại: tranh thổ cẩm, gối thổ cẩm, túi, ví, lót cốc…, Lan còn chụp ảnh sản phẩm, đăng tải trên trang Facebook cá nhân để giới thiệu cho khách mua hàng. Nhiều hôm chị còn thực hiện bán hàng trực tiếp để thu hút khách, công việc mà trước đây hầu như chị chưa bao giờ làm.

Không đầu hàng trước khó khăn, chị Bùi Thị Oanh, chủ homestay Sa Pa Soul’s,  đã mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh du lịch sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo nguồn nông sản an toàn cho gia đình, đồng thời xây dựng mô hình vườn sinh thái, cải tạo cảnh quan môi trường, sẵn sàng đón khách trở lại khi dịch được kiểm soát. Chị Oanh tâm sự: “Chọn cách làm nông nghiệp organic (hữu cơ) với tôi là thú vui để hình thành farmstay, nhưng từ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, gia đình vẫn có thêm thu nhập dù ít khách du lịch”.

Do vậy, thời gian qua, chị Oanh đã lựa chọn cách trồng một số loại sản phẩm nông nghiệp như: dưa chuột, bí đĩa bay khổng lồ, ngô nếp tím, đậu cúc Pinto, các loại rau để phục vụ bữa ăn healthy (giảm cân), nước ép, theo xu hướng hiện nay của nhiều gia đình... 

Phát huy thế mạnh

Phát huy thế mạnh các sản phẩm bản địa, thay vì thực hiện các chuyến trải nghiệm du lịch nông nghiệp khám phá văn hóa trong thời điểm hạn chế du khách, Lồ A Lếnh, Giám đốc HTX Hoàng Liên, cũng chọn cách tiếp cận công nghệ 4.0 để thúc đẩy phát triển kinh doanh các sản phẩm bản địa. Hiện, HTX Hoàng Liên đang khai thác thế mạnh các sản phẩm bản địa của núi rừng Sa Pa là mật ong và trà giảo cổ lam.

 

3.JPG

Thành viên HTX Hoàng Liên thu hái chế biến trà Giảo cổ Lam.

Được hỗ trợ phát triển, Lồ A Lếnh và 13 thành viên của HTX Hoàng Liên đã duy trì thực hiện sản xuất mật với 200 đàn ong tại vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (Tả Van, Lao Chải và San Sả Hồ). HTX cũng đã tổ chức thu mua và chế biến các sản phẩm từ cây giảo cổ lam bà con đồng bào Mông trồng trong vườn nhà.

Lồ A Lếnh tâm sự, để cạnh tranh trên thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm mật ong, trà giảo cổ lam, HTX đã đầu tư thiết bị kiểm tra chất lượng, lọc mật rồi mới đóng chai, sấy, đóng gói trà… theo tiêu chuẩn an toàn. Đồng thời, tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua kênh bán hàng online. Với hướng đi này, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, không có khách  du lịch, thế nhưng HTX vẫn duy trì tiêu  thụ các sản phẩm tương đối ổn định. 

Thời điểm này, Sa Pa nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung đã mở cửa đón khách du lịch trở lại với thông điệp vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch an toàn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Sùng Thị Lan,  Lồ A Lếnh và Bùi Thị Oanh cũng như nhiều người khác đang hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành du lịch, dịch vụ có thêm niềm tin để tiếp tục khôi phục và phát triển trên con đường lập nghiệp mà mình đã lựa chọn.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan