A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí

Đại biểu Quốc hội đề nghị sửa đổi mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí theo hướng áp dụng mức thuế suất 10% hoặc thấp hơn.

Đề xuất thu thuế Google, Facebook để hỗ trợ cho các cơ quan báo chí

Sáng 28/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi). Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Đại biểu Thạch Phước Bình - đoàn Trà Vinh cho rằng, hiện nay, cơ quan báo chí hoạt động với mục tiêu phi lợi nhuận nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp 20% như các doanh nghiệp thông thường. Điều này gây áp lực tài chính lớn, đặc biệt khi nguồn thu từ quảng cáo ngày càng giảm do cạnh tranh với các nền tảng số.

Theo ông Bình, hiện nay các cơ quan báo chí chỉ nhận được các quảng cáo nhỏ lẻ mà vẫn bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà không xác định đến đặc thù đã làm suy yếu khả năng tài chính của báo chí.

“Hiện tại, Luật thuế chưa có quy định riêng cho cơ quan báo chí dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất như doanh nghiệp thông thường mà không tính đến vai trò đặc biệt của báo chí trong hệ thống chính trị và xã hội. Một số cơ quan báo chí có thể hưởng ưu đãi nhờ các quy định khác như về khu vực địa lý hoặc lĩnh vực khuyến khích nhưng điều này không nhất quán và thiếu minh bạch” - ông Bình chỉ rõ.

Do đó, ông Bình đề nghị sửa đổi mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí theo hướng áp dụng mức thuế suất 10% hoặc thấp hơn đối với phần thu nhập chịu thuế từ hoạt động ngoài nhiệm vụ chính trị như quảng cáo, tổ chức sự kiện.

Bên cạnh đó, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các khoản tài trợ, viện trợ cho cơ quan báo chí để tạo nguồn lực hỗ trợ cho báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị về truyền thông. Tách biệt rõ ràng giữa thu nhập từ hoạt động tuyên truyền, nhiệm vụ chính trị được miễn thuế và thu nhập từ các hoạt động kinh doanh hưởng ưu đãi thuế suất thấp.

Ông Bình đề nghị, có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các cơ quan báo chí địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và khả năng tự chủ tài chính thấp và rất thấp.

Cùng với đó, xây dựng cơ chế kê khai thuế đơn giản, ưu tiên hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc xác định thu nhập chịu thuế và áp dụng các ưu đãi. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai và quyết toán thuế để giảm gánh nặng hành chính cho cơ quan báo chí. Hỗ trợ gián tiếp các cơ quan báo chí thông qua các biện pháp khác như thành lập Quỹ hỗ trợ tài chính từ nguồn ngân sách nhà nước, hoặc các nguồn xã hội hoá để tài trợ một phần cho hoạt động báo chí.

“Xây dựng cơ chế thu thuế từ các nền tảng số như Google, Facebook và sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ các cơ quan báo chí trong nước” - ông Bình đề xuất giải pháp.

Khi giảm thuế thì chất lượng báo chí sẽ tốt hơn

Đại biểu Đỗ Chí nghĩa - đoàn Phú Yên chia sẻ, hiện nay báo chí là hoạt động chính trị xã hội, có vai trò định hướng dư luận xã hội rất quan trọng. Tuy nhiên, việc tác nghiệp của báo chí hiện nay đang hết sức khó khăn. Đời sống, thu nhập của cán bộ, phóng viên giảm sút rất nhiều và hoạt động của các cơ quan báo chí đang đứng trước nhiều thách thức.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng đứng trước sức ép phải cạnh tranh thông tin trên mạng xã hội, từ các nguồn thông tin khác đòi hỏi chất lượng thông tin báo chí phải tốt hơn rất nhiều, đầu tư công sức nhiều hơn. Việc giảm thu nhập cũng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan báo chí, tâm tư của nhiều phóng viên báo chí yêu nghề.

Cũng theo ông Nghĩa, việc giảm thuế lần này là cơ hội, điều kiện để hỗ trợ cơ quan báo chí làm tốt hơn nhiệm vụ của mình. Hiện nay, dự thảo Luật, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí từ 20% còn 15%, riêng báo in 10% là sự quan tâm nhưng cần chính sách mạnh mẽ hơn nữa.

Bởi vì phát hành báo in đang rất ít, chủ yếu hiện nay đọc báo điện tử, xem truyền hình và Youtube. Hiện các cơ quan báo chí là đa nền tảng, đa phương tiện, báo in lại đi kèm với báo điện tử. Báo chí đi đầu trong chuyển đổi số thì việc đầu tư, đào tạo, hỗ trợ phóng viên làm nghề rất tốn kém chứ không chỉ riêng gì in ấn hay phát sóng. Do đó, nguồn thu chính là nguồn để hỗ trợ cho các hoạt động này.

Theo ông Nghĩa, việc giảm thuế xuống còn 10% với tất cả loại hình cơ quan báo chí là sự động viên mạnh mẽ. Khi giảm thuế, chất lượng báo chí sẽ tốt hơn và công chúng đều hưởng lợi trong việc được cung cấp thông tin, tiếp cận giá trị văn hóa chất lượng cao, đấu tranh với các thông tin xấu độc, góp phần định hướng giá trị thông tin xứng tầm với vị thế của đất nước. Như vậy, tăng niềm tin, tăng giá trị văn hoá để báo chí yêu nghề, tự tin, tự hào về nghề nghiệp của mình trong bối cảnh áp lực về nghề nghiệp rất lớn.

Ông Nghĩa nêu rằng: “Chúng ta phải củng cố trận địa này, củng cố từ chính những người làm báo, củng cố tiềm lực cho các cơ quan báo chí. Dự thảo Luật lần này chính là sự mong đợi vì không dễ gì sửa đổi Luật nên báo chí rất trông đợi”.

Theo đại biểu Phạm Văn Hoà - đoàn Đồng Tháp, báo chí hiện nay hoạt động rất khó khăn, gần 900 cơ quan báo chí không những cạnh tranh với nhau mà còn cạnh tranh trên nền tảng số đối với quảng cáo của nước ngoài. Vì vậy, thu nhập của các phóng viên, biên tập viên tại các cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn. Do đó, cần cân nhắc trong việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các cơ quan báo chí.

“Nhà nước không hỗ trợ đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, tự hoạt động và tự thu, tự chi. Nếu chúng ta đánh thuế đối với báo chí thì họ càng khó khăn hơn. Vì thế, đề nghị đưa báo chí nằm trong dạng doanh nghiệp vừa và nhỏ để được chế độ ưu đãi về thuế” - ông Hoà Phạm Văn nói.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết