A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cổ phiếu ngành sữa không dễ thu hút dòng tiền?

Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, sản lượng tiêu thụ yếu cùng sự canh tranh gay gắt đang khiến lợi nhuận của ngành sữa suy giảm, ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu. Mặc dù được đánh giá khá tích cực trong dài hạn, song doanh nghiệp ngành sữa vẫn còn nhiều thách thức trước mắt.

Trên thị trường chứng khoán, triển vọng lợi nhuận kém khả quan của ngành sữa đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến chốt phiên ngày 17/8, cổ phiếu VNM đã giảm từ 86.700 đồng/cp về 72.600 đồng/cp; cổ phiếu MCM giảm từ 57.000 đồng/cp về 45.500 đồng/cp ; cổ phiếu QNS giảm từ 49.000 đồng/cp về 44.900 đồng/cp…

nga-nh-su-a-jpeg-1660746096-9013-1660746

Lợi nhuận ngành sữa suy giảm ảnh hưởng đến thị giá cổ phiếu.

"Bài toán khó" của doanh nghiệp sữa

Kể từ tháng 2 vừa qua, các nguyên liệu đầu vào chính của doanh nghiệp sữa đều tăng như sữa bột tăng 30-40% so với cùng kỳ; đường tăng 30% so với cùng kỳ. Điều này đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp dù đã tăng giá bán từ 2-5% để chuyển chi phí cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, các doanh nghiệp sữa còn gặp áp lực tăng chi phí bán hàng do giá nhiên liệu tăng cao thúc đẩy chi phí vận chuyển, cạnh tranh gay gắt làm tăng đáng kể chi phí khuyến dùng và hỗ trợ bán hàng để duy trì thị phần khi tăng giá bán.

Báo cáo của Hiệp hội Sữa Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp sữa đã tăng thêm 5% giá bán ra trong nửa đầu năm, do nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng giá này khá thấp so với nguyên liệu đầu vào. Theo đó, hầu hết doanh nghiệp ngành sữa đều ghi nhận lợi nhuận giảm trong quý II và nửa đầu năm.

Ông Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam dự báo, trong quý III giá sữa tiếp tục leo thang, tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp. Bởi 60% nguyên liệu để sản xuất sữa bột là nhập khẩu nên giá nguyên liệu tác động lên nhóm này khá lớn.

Tuy nhiên, ông Trung cho rằng, nếu các doanh nghiệp biết cân đối chi phí để có giá sản phẩm hợp lý, thị phần sữa của họ sẽ nhanh chóng tăng cao do hiện tại sản xuất sữa nguyên liệu tại Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Đồng thời, nhu cầu sử dụng sữa bình quân đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sữa bột, sản phẩm probiotic... dùng cho người cao tuổi, người mắc bệnh nền, ung thư, tiểu đường... có xu hướng tăng cao hơn.

Nhiều cái khó nhưng vẫn “ló”... cơ hội

Theo đánh giá của Rabobank, sang 2023, giá sữa nguyên liệu sẽ giảm nhẹ và đi ngang. Do đó, ngành sữa thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giảm áp lực và có thêm cơ hội mới.

Tương tự, trong báo cáo mới đây, SSI Research cho rằng, thâm hụt nguồn cung sẽ tiếp tục hỗ trợ giá đường trong thời gian còn lại của năm 2022. Bên cạnh đó, nhu cầu sữa sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022 và tới nửa đầu năm 2023, các kênh thương mại được kỳ vọng phục hồi hoàn toàn và từ nửa cuối năm 2023, mức tăng trưởng sẽ bình thường hóa trở lại.

“Kết hợp với việc tăng giá bán bình quân trong 6 tháng đầu năm, tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty sữa có thể cải thiện từ quý IV/2022”, báo cáo nêu.

SSI Research ước tính lợi nhuận sau thuế của Vinamilk sẽ giảm 11,6% vào năm 2022 trước khi tăng 11% trong năm tới. Trong năm 2023, kỳ vọng tăng trưởng doanh thu Vinamilk sẽ đạt 7,8% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi nhuận tăng lên.

Theo đó, giá mục tiêu mới của Vinamilk là 80.000 đồng/cp dựa trên EPS năm 2023 (P/E mục tiêu là 18x) và phương pháp định giá DCF.

Như vậy, mặc dù còn nhiều khó khăn, song doanh nghiệp ngành sữa vẫn đang được kỳ vọng và đánh giá khá cao, điều này dự báo sẽ tác động tích cực lên giá cổ phiếu.

Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng sử dụng các dòng sữa hạt, sữa chua uống nhiều hơn. Điều này cho thấy sữa thực vật sẽ là thị trường vô cùng tiềm năng trong thời gian qua. Cùng với đó, thị trường sữa trong nước đang dần bão hòa và đối mặt với sức cạnh tranh rất lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp ngành sữa cần thay đổi tư duy chiến lược để lợi nhuận có thể bứt phá hơn hẳn. Từ đó mới khiến nhà đầu tư quan tâm chú ý nhiều hơn đến cổ phiếu doanh nghiệp.

“Để không bị lung lay trước cơn bão giá về nguyên liệu xảy ra bất ngờ trên thế giới, ngành sữa Việt cần chuyển mình xây dựng các trang trại theo hướng hiện đại hóa, phát triển xanh, bền vững và đa dạng sản phẩm”, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam Trần Quang Trung đánh giá.

Thực tế, trong tuần qua (8-12/8), với lực cầu áp đảo, các tổ chức trong nước vừa trải qua tuần mua ròng tích cực, trong đó cổ phiếu thực phẩm và đồ uống thu hút mạnh mẽ nhất dòng tiền với giá trị mua ròng đạt 138 tỷ đồng.

Nổi bật nhất là hoạt động giải ngân vào VNM - một cổ phiếu thực phẩm có vốn hóa lớn. Đây cũng là cổ phiếu thực phẩm duy nhất mà tổ chức nội rót vốn trên trăm tỷ đồng trong tuần vừa qua.

Song nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngành sữa vẫn chưa ghi nhận sự bứt phá tích cực khi cổ phiếu vẫn duy trì đi ngang. So với mức đỉnh, nhiều cổ phiếu ngành sữa vẫn còn một khoảng cách khá lớn như: cổ phiếu VNM là 37,5%; cổ phiếu MCM là 41,2%; cổ phiếu QNS là 21%...

Hải Giang



 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết