A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Không để dòng tiền của doanh nghiệp chế biến rơi vào ngõ cụt

Nhìn vào khoản lỗ luỹ kế đến hơn 859 tỷ đồng của một doanh nghiệp từng được xem là hàng đầu trong ngành thuỷ sản như Agifish có thể thấy “mảng tối” về dòng tiền của một số doanh nghiệp chế biến không làm ăn suôn sẻ trong thời gian qua. Để dòng tiền không rơi vào ngõ cụt đòi hỏi không chỉ tự thân doanh nghiệp phải kiểm soát tốt, mà cần được gỡ khó từ khâu chính sách.

Theo báo cáo soát xét nửa đầu năm 2022 của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agifish) mới công bố, tính đến cuối tháng 6/2022, doan nghiệp (DN) đã lỗ luỹ kế hơn 859 tỷ đồng, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 375,4 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 165,2 tỷ đồng.

Vừa lỗ nặng, vừa thiếu vốn 

Các số liệu này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Agifish.

Mặc dù vậy, ban lãnh đạo DN này cho rằng, hoạt động kinh doanh của công ty vẫn ổn định và vẫn được ngân hàng hỗ trợ hạn mức tín dụng trong kỳ.

HINH-3050-1660727240.jpg

“Mảng tối” về dòng tiền của một số doanh nghiệp chế biến không làm ăn suôn sẻ trong thời gian qua rất cần được lưu tâm và gỡ khó.

Thời gian qua, phía Agifish sắp xếp lại các mặt hàng thuỷ sản chế biến kinh doanh nội địa không hiệu quả, cắt giảm khách hàng phân phối có chi phí bán hàng cao, dẫn đến việc doanh thu bán hàng chế biến nội địa giảm đến 57%.

Cần lưu ý thêm, trong báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2022 của Agifish, khi đề cập kết quả kinh doanh không thuận lợi từ nhiều năm trước dẫn đến lỗ luỹ kế hơn 754 tỷ đồng vào thời điểm năm ngoái, dẫn đến phía ngân hàng siết chặt nguồn vốn vay của công ty (bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục thu hồi nguồn vốn vay từ 5 - 10%/năm). 

Điều này làm cho công ty thiếu nguồn vốn đáp ứng cho sản xuất, các vùng nuôi thiếu thức ăn dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến, một số vùng nuôi phải ngưng nuôi trong khi đây là các vùng nuôi thuê của Nhà nước, và kết quả là thua lỗ. 

Mặt khác, do không đủ nguồn vốn để mua ngoài nên công ty cũng không đủ sản lượng cung cấp cho các khách hàng, lỡ mất thời cơ kinh doanh. Không chỉ vậy, việc không đủ nguyên liệu sản xuất dẫn đến phải ngừng 2 nhà máy chế biến. 

Nhìn vào tình hình tài chính ảm đạm của một DN từng được xem là hàng đầu trong ngành thuỷ sản như Agifish để thấy “mảng tối” về dòng tiền của một số DN chế biến không làm ăn suôn sẻ trong thời gian qua. 

Mới đây, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về một số khó khăn, thách thức của DN trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) có lưu ý dòng tiền “tự thân” của các DN cũng nhỏ và không ổn định.

Điều này khiến cho các DN cơ bản không thỏa mãn được các điều kiện khi muốn tiếp cận những nguồn vay hỗ trợ, vay ưu đãi, vay vốn trung và dài hạn. 

Hệ quả từ chưa coi trọng quản lý dòng tiền

Trong khi đó, theo Ban IV, hầu hết DN vẫn đứng trước khó khăn rất lớn về tài chính bởi nhiều lý do, trong đó điển hình là thiếu vốn lưu động do hậu quả của hơn 2 năm đại dịch Covid-19 không có hoặc ít doanh thu nhưng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền nợ, lãi vay ngân hàng cùng các khoản khác để duy trì, vận hành DN ở mức độ tối thiểu. 

Đáng chú ý, chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao là khó khăn lớn mà hầu hết các DN phải đối mặt. Nhất là tỷ giá tăng làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các DN nhập khẩu giao dịch bằng USD. Số lượng và lợi nhuận đơn hàng đầu ra sụt giảm cũng đẩy các DN vào tình thế khó khăn về dòng tiền.

Trước tình hình dự báo khó khăn còn tiếp diễn trong thời gian tới, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để dòng tiền của các DN chế biến không phải rơi vào ngõ cụt? 

Bàn về việc quản lý dòng tiền tại buổi gặp gỡ các DN sản xuất nhỏ và vừa do Công ty Thuế Kế toán Luật Việt Á tổ chức ở Đồng Nai vào ngày 17/8, Ts. Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị DN thuộc Hiệp hội DN Tp.HCM nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là các DN cần chủ động biết trước lúc thừa tiền, lúc thiếu tiền, cũng như hiểu và quản lý dòng tiền một cách trôi chảy. 

Theo ông Bình, hoạt động của các DN theo truyền thống lâu nay là quan tâm đến doanh thu, mở rộng thị trường, mua bán khuếch trương và cũng có DN quan tâm hiệu quả lãi lỗ. 

Tuy vậy, trong quá trình phát triển kinh doanh sẽ xảy ra những việc thanh toán gối đầu hoặc nợ nần. Cho nên, có giai đoạn tuy DN làm ăn có lãi nhưng vẫn không đem tiền về được. Nếu như thời điểm có chính sách nới lỏng tiền tệ thì DN đi vay ngân hàng không quá khó, nhưng một khi để kiềm chế lạm phát buộc Chính phủ siết chặt tiền tệ thì DN sẽ thiếu dòng tiền để duy trì hoạt động. 

“Thậm chí có những DN làm ăn có lãi nhiều năm nhưng vẫn có thể bị phá sản vì không còn tiền để tái sản xuất. Mà nếu không còn tiền tái sản xuất thì phải ngưng trệ sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến việc tiếp tục duy trì hoạt động, ảnh hưởng luôn đến cả khách hàng và thị trường, có thể có những mất mát rất lớn là do chưa coi trọng việc quản lý dòng tiền”, ông Bình lưu ý.

Cũng theo vị chuyên gia này, lúc nào DN cũng quan tâm đến lợi nhuận, thế nhưng dòng tiền lại là “huyết mạch” phải được DN quan tâm song song, thậm chí còn quan trọng hơn cả lợi nhuận.

Trở lại vấn đề về dòng tiền không mấy sáng sủa của Agifish, bài học mà tự thân các DN chế biến cần rút ra trong lúc này là nên tập trung kiểm soát tốt dòng tiền sản xuất kinh doanh trong ngắn hạn sao cho hiệu quả, từ việc quản lý dòng vốn thu, chi, cũng như các khoản phải trả trong chuỗi cung ứng. 

Hơn nữa, đối với những DN chế biến có tiềm lực tài chính không tốt thì việc bảo toàn vốn sẽ quan trọng hơn là việc phát triển trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu cao có thể làm giảm các đơn hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc cần thiết lúc này là phải có các biện pháp kiểm soát mức tăng lạm phát một cách hợp lý để nới room tín dụng, nhằm hỗ trợ những DN đang gặp khó về dòng tiền thoát khỏi nguy cơ bị phá sản.                                                                                        

Thế Vinh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết