A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Tài chính phản hồi về đề xuất sàn thương mại điện tử kê khai và nộp thuế thay doanh nghiệp

Doanh nghiệp không đồng ý với đề xuất yêu cầu sàn thương mại điện tử kê khai và nộp thuế thay cho người bán. Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng quy định này, nếu áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước, sẽ đảm bảo tính công bằng trong việc quản lý và thu thuế.

Trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi được trình Quốc hội vào cuối năm nay, Bộ Tài chính đề xuất sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ kê khai và nộp thuế thay người bán hàng.

Ngày 27/9, tại họp báo thường kỳ quý III của Bộ Tài chính, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vấn đề sàn TMĐT khai thay, nộp thay thuế cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn.

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi có đề xuất sàn TMĐT sẽ có trách nhiệm khai và nộp thuế thay người bán hàng trên sàn. Đây là giải pháp nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trong nền kinh tế số hiện đang tăng trưởng rất mạnh theo chỉ đạo của Chính phủ.

Về thể chế, theo lãnh đạo ngành thuế, hiến định, Luật Quản lý thuế cũng quy định tất cả các bên liên quan, vì lợi ích của ngân sách, đều phải có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để phục vụ mục đích quản lý thu thuế.

Đối với doanh nghiệp, trong Luật Quản lý thuế cũng đã đưa trách nhiệm sàn TMĐT trong việc phối hợp với cơ quan thuế trong quản lý thuế TMĐT. “Nghị định 91 cũng đã quy định sàn TMĐT phải cung cấp thông tin cho cơ quan thuế. Luật Quản lý thuế tiến thêm một bước nữa là khai thay, nộp thay cho người bán hàng”, ông Minh cho biết.

Không chỉ vậy, theo ông Đặng Ngọc Minh, ngay trong Luật Quản lý thuế, đối với các nhà cung cấp nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT ở Việt Nam cũng đã có quy định phải có trách nhiệm kê khai thay, nộp thay thông qua cổng thông tin điện tử của Việt Nam. Đến nay có 108 nhà cung cấp nước ngoài như Google, Facebook... kê khai thay.

"Do đó, việc áp dụng với doanh nghiệp trong nước nhằm đảm bảo công bằng. Nhà cung cấp nước ngoài kê khai thay, không có lý do gì sàn TMĐT trong nước không làm được?", ông Minh nhấn mạnh.

-1268-1727421336.png

Đến nay có 108 nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam đã kê khai thay người bán hàng.

Ông Minh thông tin, qua phỏng vấn sàn TMĐT trong nước, giám đốc các doanh nghiệp này đều khẳng định chính sách được ban hành thì họ có thể thực hiện được việc kê khai và nộp thuế thay cá nhân.

Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã có nhiều thay đổi. Do đó, công tác thuế và quản lý thuế cũng phải thay đổi mới đáp ứng được yêu cầu. "Tất nhiên, thay đổi và áp dụng cái mới bao giờ cũng khó khăn, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị như Tổng cục Thuế lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để lựa chọn giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất", ông Chi cho hay.

Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, trong quá trình dự kiến điều chỉnh Luật Quản lý thuế, trong đó có sàn TMĐT là cần thiết, đã được đánh giá cả về thực tế và tính khả thi.

Trước đó, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) góp ý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế. Trong đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 4 điều 42 quy định các sàn giao dịch TMĐT có trách nhiệm khai thuế thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT. Bổ sung khoản 4a điều 98 quy định sàn TMĐT và tổ chức cung cấp dịch vụ logistics hỗ trợ hoạt động TMĐT có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin của thương nhân kinh doanh trên sàn TMĐT hoặc sử dụng dịch vụ vận chuyển của các tổ chức logistics.

Vecom đề xuất loại bỏ 2 điều khoản trên do trái với thông lệ quốc tế. Vecom cho rằng, việc buộc trách nhiệm cho các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay cho các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn TMĐT không phù hợp với quy định tại điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng TMĐT duy trì từ 20-25%/năm. Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam vào thời điểm đó đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Đến năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc.

Còn Tổng cục Thuế thông tin, số thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm với sự tham gia không chỉ từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.

Năm 2022, số thu thuế từ TMĐT đạt 83.000 tỷ đồng, năm 2023 đạt 97.000 tỷ đồng, chỉ trong 7 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng.

Liên quan đến quy định tạm hoãn xuất cảnh với chủ doanh nghiệp đang nợ thuế, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Luật Quản lý thuế quy định tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện pháp nhân của doanh nghiệp. Tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong nhiều biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế. Đối với trường hợp cấm xuất cảnh người đại diện doanh nghiệp cụ thể, trước khi tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế áp dụng nhiều giải pháp cưỡng chế thuế với doanh nghiệp.

“Trách nhiệm cá nhân phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Trường hợp cá nhân cụ thể bị cấm xuất cảnh do nợ thuế, cơ quan thuế sẽ đưa ra giải pháp phù hợp đảm bảo tuân thủ pháp luật”, ông Minh nhấn mạnh.

Cơ quan thuế đề xuất tạm hoãn xuất cảnh 2.411 trường hợp nợ thuế trong năm 2023 và tạm hoãn xuất cảnh với hơn 6.500 trường hợp kể từ đầu năm tới nay.

Thanh Hoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan