A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

7 tháng đầu năm xuất khẩu rau quả ước thu về trên 3,8 tỉ USD

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, ước tính sơ bộ xuất khẩu rau quả lũy kế 7 tháng đạt trên 3,8 tỉ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sầu riêng, chuối, thanh long là những mặt hàng xuất khẩu chính.

Theo đó, ước tính sơ bộ tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả đạt 477 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 7 tháng đạt trên 3,8 tỉ USD tăng 23,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở chiều ngược lại, trong tháng 7, nhập khẩu rau quả ước đạt trên 200 triệu USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 7 tháng là 1,2 tỉ USD tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.

10 thị trường nhập khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam đều tăng trưởng từ 15 - 96% trở lên. Trung Quốc vẫn đang là thị trường mua nhiều nhất rau quả Việt Nam, chiếm 64% tổng kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.

-8217-1721882200.jpg

Sầu riêng, chuối, thanh long là những mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn chục loại trái cây vào thị trường Trung Quốc, gồm: dưa hấu, măng cụt, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít. Hiện hai nước đã thống nhất ký kết Nghị định thư dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam.

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của rau quả Việt Nam là Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với Hoa Kỳ, trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt hơn 157 triệu USD, tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam.

Thái Lan cũng là một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Mặc dù là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều sản phẩm tương đồng với Việt Nam, Thái Lan vẫn tăng cường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam do những biến động thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến mùa vụ của họ. Nắng nóng bất thường đã khiến sầu riêng Thái Lan mất mùa và chín không đều, dẫn đến việc nước này tăng cường thu mua sầu riêng từ Việt Nam để bù đắp cho sự thiếu hụt.

Không chỉ dừng lại ở thị trường châu Á, rau quả Việt Nam còn ghi nhận sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường mới như Anh và EU. Đây là những thị trường có tiềm năng lớn và đang được ngành rau quả Việt Nam chú trọng khai thác. Sự mở rộng thị trường sang châu Âu không chỉ giúp đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu, đóng góp vào mục tiêu đạt 7 tỷ USD trong năm 2024.

Về mặt hàng, sầu riêng, chuối, thanh long là những mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết, do sầu riêng rớt vụ nên kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 7 cũng bị ảnh hưởng.

“Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt giá trị cao nhất vào thời điểm tháng 9 và 10, với giá trị gần nửa tỉ USD mỗi tháng. Tây Nguyên là vùng trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, khi khu vực này bước vào vụ thu hoạch rộ sẽ thúc đẩy kim ngạch của những tháng sắp tới tăng mạnh”, ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo đơn vị này, trong những tháng sắp tới, xuất khẩu sầu riêng nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng mạnh, cùng với những tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành rau quả kỳ vọng, từ nay đến cuối năm sẽ có thêm những kỷ lục mới và mang lại con số trên 7 tỷ USD xuất khẩu cho cả năm 2024 này.

Theo các chuyên gia, tại thị trường Trung Quốc, sầu riêng đặc biệt được ưa chuộng, không chỉ ở dạng tươi mà còn ở dạng sản phẩm chế biến. Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhu cầu tiêu dùng sầu riêng chế biến tại Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng do giá sầu riêng tươi cao và khó tiếp cận đối với nhiều người tiêu dùng. Việc phát triển các sản phẩm chế biến từ sầu riêng là một chiến lược quan trọng để tăng thị phần tại thị trường này.

Các chuyên gia từ Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào và nhu cầu ngày càng tăng từ các thị trường truyền thống cũng như mới nổi.

Bên cạnh đó, sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt kỹ thuật và pháp lý, như đàm phán và ký kết các nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Trung Quốc cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và mở rộng thị trường một cách bền vững.

Thời gian tới, các doanh nghiệp cần chú trọng đến việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng mới tại các thị trường lớn. Đối với thị trường Trung Quốc, ngoài sầu riêng chế biến, các sản phẩm như dược liệu, dừa và hoa quả đông lạnh cũng đang có triển vọng mở cửa nhập khẩu. Sự linh hoạt trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường sẽ là yếu tố quyết định để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường vị thế và mở rộng thị phần.

Hồng Hương


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết