A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nông nghiệp sạch lên ngôi, nông dân 'sống khỏe'

Thời gian qua, TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) liên tục thúc đẩy nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, hình thành các chuỗi giá trị để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX Nông nghiệp & Dịch vụ Phúc An Lâm Đồng - TP Bảo Lộc đã và đang định hướng cho các thành viên, hộ liên kết sản xuất cà phê sạch, đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP, cho giá trị kinh tế cao.

Thu nhập cao nhờ sản xuất khoa học

Anh Nguyễn Xuân Lộc, thành viên của HTX Phúc An Lâm Đồng, chia sẻ trước đây, khi chưa vào HTX, anh sản xuất cà phê theo tư duy cũ, tự phát nên năng suất thấp, thu nhập bấp bênh, thương lái ép giá.

Kể từ khi tham gia HTX, anh Lộc được tiếp cận và ứng dụng nhiều kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt ở khâu sau thu hoạch - công đoạn quyết định đến chất lượng cà phê thành phẩm anh đã áp dụng phương thức phơi cà phê hiện đại.

Cụ thể, để đảm bảo chất lượng, cà phê được phơi trên giàn cao, trong nhà kính và để nguyên vỏ. Điều này mất thời gian, công sức hơn so với phơi hạt cà phê sau bóc vỏ trực tiếp trên nền đất nhưng đã đem lại những giá trị vượt trội.

-4341-1679556274.jpg

Sản xuất sạch giúp người nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị kinh tế.

“Nhờ sản xuất khoa học, ứng dụng kỹ thuật mới, năng suất vườn cà phê nhà tôi những năm qua đạt trên 100 triệu đồng/ha. Đời sống được cải thiện đáng kể. Vui hơn là không còn lo thương lái ép giá vì đã có HTX hỗ trợ tiêu thụ”, anh Lộc phấn khởi nói.

Để hỗ trợ thành viên, hộ liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, HTX luôn chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, liên kết với đối tác giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nhằm đảm bảo lợi ích cho từng thành viên.

Đến nay, HTX có 7 thành viên, canh tác trên 25ha cà phê sạch, với thương hiệu cà phê Organat 100% cà phê hữu cơ, trong đó có 3 sản phẩm “Nhân xanh, Model O và Espresso với tổng sản lượng hàng năm đạt 15 tấn và đang tăng dần theo mỗi năm.

Bên cạnh HTX Phúc An Lâm Đồng, trên địa bàn TP. Bảo Lộc ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất trồng rau sạch theo hướng hữu cơ. Các mô hình sản xuất rau sạch chủ yếu được người dân trồng thủy canh tập trung tại các xã, phường như: Lộc Nga, Lộc Phát, Lộc Tiến, Lộc Sơn và Phường 2… có quy mô dao động từ 0,5 - 3 sào được đầu tư nhà kính, nhà lưới bài bản và hệ thống tưới tự động. 

Cần thêm các đòn bẩy hỗ trợ

Mô hình trồng rau thủy canh của gia đình chị Trần Quỳnh Anh tại phường 2, với quy mô hơn 500 m2, cũng đang là một trong những điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp hiện đại ở Bảo Lộc.

Theo chị Quỳnh Anh, các loại rau được gia đình chị thu hoạch mỗi ngày cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trên địa bàn TP. Bảo Lộc, với giá bán 40 - 50 ngàn đồng/kg và mang lại nguồn thu nhập 600 - 700 ngàn đồng/ngày.

Bên cạnh mô hình trồng rau thủy canh, trên địa bàn TP. Bảo Lộc còn có hàng loạt HTX, tổ hợp tác, tổ hội trồng rau an toàn với tổng diện tích hàng chục ha rau, củ, quả tại các địa phương như Lộc Tiến, Đại Lào, Lộc Châu, Lộc Sơn và Đam B’ri, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân.

Đại diện Phòng NN&PTNT TP Bảo Lộc, cho biết các mô hình trồng trọt, chăn nuôi công nghệ cao, hữu cơ trên địa bàn thành phố đã và đang cho hiệu quả cao.

Đặc biệt, với sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác, các chuỗi giá trị sản xuất ngày càng được nhân rộng, thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sản xuất của người nông dân. Các HTX cũng đang trở thành cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp, đảm bảo chuỗi cung - cầu ổn định.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp TP. Bảo Lộc dự kiến tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng và huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đáng chú ý, Bảo Lộc đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thành công trên 10 nghìn nghìn ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh.

Để đạt được mục tiêu trên, ngành nông nghiệp thành phố sẽ ưu tiên hỗ trợ triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ mới như sử dụng robot chăm sóc cây trồng; ứng dụng công nghệ thông minh trong phân loại sản phẩm; trong vận chuyển, bảo quản nông sản; tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.

Mỹ Chí


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết