A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lan tỏa thương hiệu Gạo thơm Bối Khê

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề trồng lúa, các thành viên HTX Nông nghiệp Tam Hưng luôn tự hào mang đến những sản phẩm gạo chất lượng cao, trong đó nổi bật là gạo thơm Bối Khê và gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon nức tiếng. Thương hiệu lan tỏa, “hạt ngọc trời” của vùng đất ngoại ô Hà Nội này ngày càng nhận được sự tin yêu của người tiêu dùng Thủ đô và nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

HTX Nông nghiệp Tam Hưng (thôn Lê Dương, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) được thành lập vào năm 1958. Trải qua 65 năm, với tinh thần đoàn kết, HTX đã khắc phục mọi khó khăn, góp phần đưa xã Tam Hưng trở thành một trong những vựa lúa trọng điểm của Thủ đô.

“Điểm tựa” để bà con yên tâm sản xuất

Đối với người dân xã Tam Hưng, cây lúa từ lâu đã được xem là cây trồng chủ lực. Với thổ nhưỡng do thiên nhiên ban tặng cùng sự cần cù, khéo léo của người dân, thương hiệu Gạo thơm Bối Khê đã được xây dựng và ngày càng vang danh.

Bà Lê Thị Hải, 87 tuổi, ở thôn Song Khê chia sẻ với phóng viên VnBusiness: “Cây lúa luôn gắn bó với người dân vùng đất này từ bao đời nay. Tôi vẫn nhớ những ngày kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với phong trào thi đua sản xuất phục vụ tiền tuyến, người dân Tam Hưng không sợ bom đạn, ngày đêm cặm cụi với cây lúa vì mục tiêu "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người"… Đến cả những năm gần đây, khi người dân ở nhiều địa phương khác chuyển đổi sang trồng cam Canh, bưởi Diễn thì các hộ nông dân ở xã Tam Hưng vẫn mặn mà với cây lúa”.

Ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hưng không giấu nổi niềm tự hào về các giống lúa chất lượng tại địa phương như Bối Khê, Bắc thơm số 7, đặc biệt là giống nếp cái hoa vàng thơm ngon nức tiếng.

Theo ông Kiên, người dân trong xã đã có thâm niên gieo trồng giống lúa nếp cái hoa vàng từ năm 2010 đến nay. Giống lúa này có năng suất tương đối thấp (khoảng 2,2 -2,3 tạ/năm), thời gian sinh trưởng lâu và chỉ trổ bông và mùa lạnh. Bù lại, gạo nếp cái hoa vàng có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Khi nấu lên, hạt gạo vẫn tròn đầy, không vỡ, mùi thơm dịu nhẹ, xôi dẻo, vị đậm đà.

“Thay vì sản xuất lúa gạo với số lượng lớn, chúng tôi tập trung phát triển các giống lúa có hàm lượng dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon”, ông Kiên nói.

Tiếp đó, từ năm 2014, các thành viên HTX Nông nghiệp Tam Hưng đã triển khai dự án xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Gạo thơm Bối Khê”. Năm 2017, sản phẩm Gạo thơm Bối Khê được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chứng nhận Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Với 2 sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng và Bắc thơm số 7 đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao của Thành phố Hà Nội vào các năm 2019 và 2022, HTX Nông nghiệp Tam Hưng đã khẳng định được vị thế và hiện đang tiếp tục phát triển chuỗi lúa gạo theo hướng bền vững, phát huy lợi thế vùng trồng lúa chất lượng cao trọng điểm của Thành phố Hà Nội.

Đồng lòng vượt qua khó khăn

Để đưa những nông sản chất lượng đến với người tiêu dùng, HTX đã khoanh vùng dựa theo nhu cầu sản xuất, sau đó hỗ trợ việc thu mua, tiêu thụ sản phẩm theo 2 cách: HTX thu mua sản phẩm của bà con, cung cấp cho các đơn vị trên địa bàn; HTX hỗ trợ bà con liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, các doanh nghiệp sẽ thu mua và tiêu thụ sản phẩm, bà con không cần phải tìm thương lái từ bên ngoài. Nông sản sau đó sẽ được cung cấp cho các doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, điểm giới thiệu sản phẩm, các siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, HTX cũng cung cấp một số dịch vụ khác cho các thành viên như chăm sóc, bảo vệ thực vật; cung ứng vật tư; sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.

Tuy nhiên, nghề trồng lúa có lúc thăng trầm. Giám đốc Đỗ Văn Kiên nhớ lại, khoảng những năm 2006-2010, do đất cằn, giống thoái hóa nên năng suất, chất lượng thấp. Ở nhiều khu vực lân cận, người nông dân bỏ lúa sang trồng các loại cây khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời điểm đó, nhiều người nơi đây chỉ mong sao có các giải pháp để giữ được cây lúa như một phần truyền thống văn hóa của đất Tam Hưng.

z4467126985510-1d9cf430869ac14c871ef5d13

HTX Nông nghiệp Tam Hưng chính là "điểm tựa" giúp nông dân quyết tâm chuyển đổi sang trồng lúa sạch, gạo sạch.

Và rồi tất cả cùng bắt tay vào chuyển đổi giống lúa, cải tạo đất đai, áp dụng kỹ thuật canh tác mới… Năm 2012, niềm hy vọng đã đến khi HTX Tam Hưng được chọn tham gia Chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Thành phố, được ngành nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ giống, kỹ thuật sản xuất… Đất không phụ công người, các giống lúa thơm được trồng trên đất Tam Hưng liên tiếp cho những mùa vàng bội thu, chất lượng gạo được đánh giá cao.

Cũng không thể không kể đến thách thức từ tình trạng đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trong những năm vừa qua khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, xã Tam Hưng cũng không ngoại lệ. Theo ông Đỗ Văn Kiên, sản lượng lúa trước đó tại HTX thường ở mức 8000-8500 tấn/năm. Nhưng trong vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp để phục vụ cho các dự án, sản lượng lúa cũng theo đó giảm xuống, chỉ còn khoảng 7000-8000 tấn/năm.

Trong bối cảnh đó, Ban quản trị HTX đã có biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, cụ thể là liên kết một số vùng sản xuất của các HTX lân cận. Ngoài ra, HTX xác định quá trình đô thị hóa cũng là cơ hội vàng để phát triển các ngành kinh tế khác tại địa phương, cần phải tận dụng thật tốt lợi thế này.

Ngoài ra, “Diện tích xã lớn và bao gồm nhiều thôn. Mỗi thôn do vậy lại có những khác biệt nhất định về nếp sống, văn hóa nên chúng tôi cần phải linh hoạt trong cách thức quản lý, nhằm xây dựng một tập thể đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng đi lên”, ông Kiên chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề này, Ban quản trị HTX đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, hội họp, thông báo nhằm truyền đạt cho người dân về định hướng phát triển của HTX.

Bà Hoàng Thị Lý, thôn Văn Khê (xã Tam Hưng) phấn khởi nói: "Giờ đây thì người nông dân Tam Hưng đã yên tâm với nghề trồng lúa. Với giống lúa và công nghệ gieo cấy mới, bình quân giá trị sản xuất từ lúa đạt 150-180 triệu đồng/ha/năm".

Phát triển chuỗi lúa gạo theo hướng bền vững

Là một trong các xã của huyện Thanh Oai đăng ký phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, xã Tam Hưng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao của huyện. Theo đó, HTX Tam Hưng cũng không ngừng hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, tìm tòi và học hỏi những phương pháp canh tác mới nhằm nâng cao chất lượng hạt gạo địa phương.

Bên cạnh ưu thế về nông sản chất lượng, xã Tam Hưng còn có các di tích lịch sử văn hóa, đình chùa và các căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn. Theo ông Kiên, những yếu tố trên cũng là điều kiện thuận lợi giúp HTX Tam Dương đẩy mạnh việc phát triển du lịch tâm linh kết hợp với du lịch làng nghề, đồng thời phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà HTX hướng tới.

Có thể thấy, để cây lúa trên đất Tam Hưng đáp ứng được yêu cầu, xu hướng mới của thời hội nhập, HTX Nông nghiệp Tam Hưng chính là "điểm tựa" giúp nông dân quyết tâm chuyển đổi sang trồng lúa sạch, làm gạo sạch, cung ứng cho thị trường những sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Trong thời gian tới, HTX xác định sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển chuỗi lúa gạo theo hướng bền vững, phát huy lợi thế vùng trồng lúa chất lượng cao trọng điểm của Thành phố Hà Nội.

Kim Yên - Nguyễn Hòa


Tác giả: “Điểm tựa” để bà con yên tâm sản xuất
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết