A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hương lúa thơm trên đất quê xưa

Những ngày cuối năm 2021, Gung Ré rộn ràng với những bao lúa vàng óng ả của một vụ mùa bội thu. Xã đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Di Linh, quê hương của những buôn người K’Ho Srê, K’Ho Nộp bao đời gắn với cây lúa nước. Và, người Gung Ré hôm nay đang làm quen dần với những giống lúa nổi tiếng ST 24, ST 25. 

Lúa đang thì làm đòng tại cánh đồng Cầu Hai, xã Gung Ré.

Lúa đang thì làm đòng tại cánh đồng Cầu Hai, xã Gung Ré.
 
Anh K’Brịt, thôn Hàng Làng, xã Gung Ré có hơn một mẫu lúa nước được ông bà để lại từ ngày xưa. Ở mảnh ruộng này, anh canh tác lúa được 2 vụ. Mỗi năm, nhà anh cũng thu về khoảng 4 - 5 tấn lúa, vừa để giành cho gia đình ăn, vừa bán để thêm khoản tiền sinh hoạt. Giá bán thóc lúa Hàng Làng cũng khá cao vì lúa thơm, dẻo, lại ít dùng thuốc nên được bà con trong và ngoài xã rất ưa chuộng, chính vì thế mà bà con nông dân ở Hàng Làng vẫn duy trì sản xuất lúa đều đặn. Anh K’Brịt khoe: “Giờ trồng lúa nước rất khỏe, có máy móc hết rồi, mình chỉ cần làm theo đúng kỹ thuật của khuyến nông chuyển giao là cây lúa cứ thế mọc thôi. Ruộng của cha ông để lại cho con cháu, mình chăm lo trồng trọt là dư ăn, dư mặc, có tiền làm nhà, mua xe”. 
 
Chị Ka Nơn, cũng ở thôn Hàng Làng, canh tác 3 sào lúa. Mặc dù diện tích ít nhưng với việc chịu khó học hỏi, thâm canh cao, mỗi sào lúa nhà chị Nơn cho thu hoạch 6 tạ/vụ. Với sản lượng này, không chỉ đủ lúa gạo để sử dụng trong gia đình mà chị còn dư lúa để bán. Ngoài việc tự canh tác ruộng nhà, bà con nơi đây còn thường xuyên đổi công cho nhau và quy ra lúa, 2 bao lúa đổi được một công làm. Bà con đổi công cho nhau từ gặt lúa, bón phân, hái cà phê…, giảm bớt rất nhiều việc thiếu công lao động. Dù chưa tổ chức “cánh đồng mẫu lớn” như một số địa phương nhưng người Gung Ré cũng trồng lúa đồng loạt, xuống giống trùng ngày, trùng giống, từ đó giảm thiểu việc sâu bệnh hại lúa, tiện việc chăm sóc và thu hoạch đồng loạt. Những cánh đồng Cầu Hai, đập Lăng Kú, Serr Hàng… sóng lúa rập rờn tới tận chân núi xa xanh. 
 

Thu hoạch lúa chín tại thôn Hàng Làng.

Thu hoạch lúa chín tại thôn Hàng Làng.
 
Ông K’Brổh, Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết, so với cách đây 10 năm, năng suất lúa ở Gung Ré đã tăng lên gấp 5 lần. Cây lúa nước được xã Gung Ré xác định là cái gốc, cây trồng đảm bảo an ninh lương thực của bà con 3 thôn người K’Ho cư trú là Hàng Làng, Lăng Kú và K Long Trao. Vì vậy, xã luôn theo sát kế hoạch trồng, thu hoạch lúa của bà con, chuyển giao liên tục các kỹ thuật canh tác tiến bộ nhất. Hiện, ở Gung Ré, tổng diện tích canh tác lúa nước có khoảng 300 ha. Nếu trước kia, Gung Ré chỉ trồng được 200 ha lúa nước vào vụ Hè Thu thì nay, với sự hoạt động của hồ thủy lợi Ka La, hồ Lăng Kú, có thêm 110 ha chủ động nước tưới vụ Đông Xuân. Không chỉ trồng lúa đủ ăn, kỹ thuật canh tác lúa của người Gung Ré cũng tiệm cận với trình độ chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước. Từ làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch gần như cơ giới hóa trên 90%, chỉ còn một vài diện tích vùng hẻo lánh, không có đường lớn mới cần sức người hỗ trợ thêm. Mỗi năm, người Gung Ré thu trung bình gần 2 ngàn tấn thóc, dư sức giúp bà con K’Ho đủ ăn, đủ mặc, xóa hoàn toàn nạn đói khỏi vùng đất này.
 
Ông K’Brổh chia sẻ: “So với ngày xưa thì giờ lúa của bà con khác rất nhiều, năng suất cao hơn, kỹ thuật canh tác tốt hơn. Nhưng Gung Ré chúng tôi không dừng lại ở việc trồng các loại lúa bình thường mà hướng nông dân sang canh tác lúa chất lượng cao, lúa đặc sản. Cán bộ nông nghiệp đã đi tham quan một số mô hình trồng lúa đặc sản tại các địa phương trong tỉnh như dưới Đạ Tẻh, Cát Tiên và đang triển khai việc trồng lúa đặc sản tại Gung Ré. Mục tiêu của chúng tôi là mang lại giá trị cao hơn cho cây lúa, giúp bà con có thu nhập tốt hơn”.
Ông K’Brổh, Phó Chủ tịch UBND xã Gung Ré cho biết, vụ Đông Xuân 2022, xã Gung Ré hỗ trợ nông dân trồng thử nghiệm 15 ha lúa đặc sản, giống ST 25 nổi tiếng. Xã hỗ trợ nông dân 70% kinh phí giống và phân bón, bà con đối ứng 30% chi phí còn lại và bỏ công chăm sóc. 15 ha sẽ chia làm 3 khu cánh đồng để đối chứng quy trình sản xuất, khả năng sinh trưởng và năng suất. Cán bộ khuyến nông đã đi học tập kỹ thuật canh tác lúa ST 25 tại Đạ Tẻh và đánh giá Gung Ré có thể phù hợp với giống lúa đặc sản này. Nếu thành công, bà con Gung Ré sẽ triển khai rộng diện tích lúa ST 25, mang lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết