A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Liên Hiệp Quốc: Biến đổi khí hậu đang tăng tốc

Liên Hiệp Quốc nhận định, trong 8 năm trở lại đây, nhiệt độ mỗi năm (tính cả năm 2022 dựa trên những dữ liệu hiện có) đều ấm hơn bất kỳ năm nào trong giai đoạn trước năm 2015, qua đó nêu chi tiết về sự gia tăng đáng kể của tỷ lệ ấm lên toàn cầu.

Biến đổi khí hậu đang ngày càng trầm trọng hơn trên toàn thế giới. Ảnh minh họa: Reuters/Người Lao động

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết trong báo cáo “Tình trạng Khí hậu Toàn cầu” thường niên khi Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) khai mạc tại Sharm el-Sheikh (AI Cập) rằng, nước biển dâng, sông băng tan chảy, mưa xối xả, sóng nhiệt và những thảm họa chết người mà chúng gây ra đã và đang gia tăng.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho biết: “Khi COP27 diễn ra, hành tinh của chúng ta đang phát đi một tín hiệu khổ đau” và mô tả báo cáo là “một biên niên sử của sự hỗn loạn về khí hậu”.

Cụ thể, Trái đất đã ấm lên hơn 1,1oC kể từ cuối thế kỷ 19, với khoảng một nửa mức tăng đó xảy ra trong 30 năm qua.

Trước tình hình này, gần 200 quốc gia tập trung tại Ai Cập đã nhất trí đặt mục tiêu kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ lên đến 1,5oC, một mục tiêu mà một số nhà khoa học tin rằng hiện đã vượt quá tầm với.

Năm nay đang trên đà trở thành năm ấm thứ 5, hoặc thứ 6 từng được ghi nhận, bất chấp tác động kể từ năm 2020 của La Nina - một hiện tượng xảy ra định kỳ và tự nhiên ở Thái Bình Dương làm lạnh bầu khí quyển.

Người đứng đầu WMO Petteri Taalas cho biết: “Sự ấm lên càng lớn thì tác động càng tồi tệ”.

Điều này được giải thích rõ rằng bề mặt đại dương - nơi hấp thụ hơn 90% nhiệt tích lũy từ khí thải Carbon của con người - đã đạt nhiệt độ cao kỷ lục vào năm 2021, đặc biệt là nóng lên nhanh chóng trong 20 năm qua. Các đợt nắng nóng trên biển cũng gia tăng, gây ra hậu quả tàn khốc cho các rạn san hô và nửa tỷ người sống phụ thuộc vào chúng để kiếm thức ăn và sinh kế.

Bản báo cáo cũng chỉ ra thêm rằng, nhìn chung, 55% bề mặt đại dương đã trải qua ít nhất một đợt nắng nóng trên biển vào năm 2022. Băng tan và sông băng tan chảy đã khiến tốc độ nước biển dâng đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua, đe dọa hàng chục triệu người ở các khu vực ven biển trũng thấp.

Mike Meredith, trưởng nhóm khoa học tại Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh cho biết: “Các thông điệp trong báo cáo này hầu như không có gì là mờ nhạt. Trên khắp hành tinh của chúng ta, các kỷ lục đang bị phá vỡ khi các phần khác nhau của hệ thống khí hậu bắt đầu bị phá vỡ”.

Khí thải nhà kính, chiếm hơn 95% hiện tượng nóng lên, đều ở mức kỷ lục, trong đó khí Metan cho thấy mức tăng lớn nhất. Sự gia tăng phát thải khí Metan được cho là do rò rỉ trong quá trình sản xuất khí đốt tự nhiên và gia tăng tiêu thụ thịt bò.

Vào năm 2022, một đợt thời tiết khắc nghiệt trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu đã tàn phá các cộng đồng trên toàn cầu.

Một đợt nắng nóng kéo dài 2 tháng ở Nam Á vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua mang dấu ấn không thể nhầm lẫn của sự ấm lên do con người gây ra, sau đó là lũ lụt ở Pakistan khiến 1/3 đất nước chìm trong nước. Ít nhất 17.000 người đã tử vong và 8 triệu người phải di dời.

Trong khi đó, ở Đông Phi, lượng mưa dưới mức trung bình trong 4 mùa mưa liên tiếp, dài nhất trong vòng 40 năm, với năm 2022 được dự đoán tình trạng hạn hán sẽ trầm trọng hơn.

Trung Quốc lại phải chứng kiến đợt nắng nóng kéo dài và gay gắt nhất. Mực nước giảm làm gián đoạn, hoặc đe dọa giao thông dọc theo sông Dương Tử. Cùng lúc, Mississippi của Mỹ và một số tuyến đường thủy nội địa lớn ở châu Âu cũng chung cảnh ngộ. Đây là những nơi phải hứng chịu các đợt nắng nóng lặp đi lặp lại.

Các quốc gia nghèo chịu trách nhiệm ít nhất đối với biến đổi khí hậu, song lại dễ bị tổn thương nhất do các tác động nghiêm trọng của thiên tai.

Ngay cả những quốc gia trong năm nay đã chuẩn bị đầy đủ và tốt nhất, thì cũng bị tàn phá bởi các yếu tố cực đoan, như những gì được nhìn thấy bởi các đợt nắng nóng kéo dài và hạn hán ở nhiều khu vực châu Âu và miền Nam Trung Quốc.

Tại dãy núi Alps của châu Âu, kỷ lục về băng tan đã bị phá vỡ vào năm 2022, với độ dày trung bình bị mất là từ 3m cho đến hơn 4m, đánh dấu mức kỷ lục cao nhất từng ghi nhận.

Thụy Sĩ đã mất hơn 1/3 thể tích sông băng kể từ năm 2001.

Giáo sư Dave Reay từ Đại học Ediburgh (Scotland) nhấn mạnh: “Thế giới bây giờ đứng trước một khối lượng công việc đồ sộ về hạn chế thiệt hại của biến đổi khí hậu”.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan