A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly hết mình với dòng nhạc thính phòng cổ điển

“Dòng nhạc thính phòng vừa khó về kỹ thuật lại kén người nghe nhưng nếu bạn đủ đam mê bạn sẽ yêu thích nó” - ca sĩ Nguyễn Khánh Ly chia sẻ. Nhiệt huyết và quyết tâm theo đuổi đam mê, Nguyễn Khánh Ly đã dành cho phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô những tâm sự về nghề và nghiệp của mình.

Kiên định với sự lựa chọn

Nhìn lại năm 2023 vừa qua, Khánh Ly thấy sự nghiệp âm nhạc của mình có gì đáng nhớ?

- Tôi đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất trong năm qua, đánh dấu cột mốc lớn trên con đường học tập và giảng dạy thanh nhạc của tôi. Tôi làm nghiên cứu sinh trong một thời gian khá dài, đã vượt qua rất nhiều khó khăn và trở ngại để có thể hoàn thành tốt lễ bảo vệ.

Khó khăn là bởi vì, khi được thầy Nguyễn Trung Kiên đồng ý hướng dẫn đề tài tiến sĩ, tôi đang trong quá trình làm và chưa bảo vệ cấp cơ sở thì thầy qua đời. Đó là một cú sốc lớn đối với thân tôi bởi thầy là người đồng hành cùng tôi đã từ lâu. Lúc ấy, tôi rất hoang mang, nghĩ rằng sẽ bỏ cuộc vì không biết tiếp tục như thế nào khi không còn thầy nữa.

Giáo sư Trần Thu Hà và ca sĩ Nguyễn Khánh Ly trong ngày cô bảo vệ luận án Tiến sĩ

Giáo sư Trần Thu Hà và ca sĩ Nguyễn Khánh Ly trong ngày cô nhận bằng tiến sĩ

Rất may mắn cho tôi là sau đó tôi được vợ của thầy là Giáo sư Trần Thu Hà tiếp nhận đề tài, hướng dẫn tôi thực hiện từng bước để hoàn thành luận án tiến sĩ. Tôi vô cùng biết ơn thầy cô đã thương yêu, giúp đỡ, đồng hành và chia sẻ cùng tôi vượt qua mọi thử thách, khó khăn để hoàn thành sự nghiệp nghiên cứu của mình.

Cũng trong năm qua, học trò của tôi liên tiếp nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc lớn như: Huy chương Vàng cuộc thi thính phòng tổ chức tại Hong Kong, giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Hà Nội, giải Nhì cuộc thi Thính phòng toàn quốc. Đó là niềm vui rất lớn của một giảng viên thanh nhạc như tôi.

Gần 20 năm theo đuổi dòng nhạc thính phòng, vừa giảng dạy và biểu diễn, Khánh Ly đã trải qua những thách thức và khó khăn nào?

- Việc theo đuổi dòng nhạc được cho là kén người nghe này quả là một áp lực rất lớn. Do vậy mà tôi đã không ngừng nỗ lực mỗi ngày, để tự trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật để giữ được phong độ. Bên cạnh đó, việc giảng dạy thanh nhạc cũng giúp ích rất nhiều trong quá trình phát triển nghề của tôi.

Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly hết mình với dòng nhạc thính phòng cổ điển

Từ quá trình dạy học, tôi đã khám phá rất nhiều những khiếm khuyết của bản thân để từ đó âm thầm thay đổi và hoàn thiện bản thân mình hơn. Sự cố gắng học hỏi trong nghề sẽ giúp mình tiến bộ hơn, khó khăn thử thách luôn là bài toán cho mình tìm giải pháp và tôi vẫn kiên định với sự lựa chọn của mình.

GS. NSDN Trung Kiên lúc sinh thời rất tin tưởng và dạy bảo Khánh Ly rất nhiều trong nghề. Khánh Ly có thể chia sẻ những dấu ấn, những kỷ niệm đáng nhớ về thầy?

- Thầy quả là một kho tàng kiến thức đối với tôi, là một tượng đài vĩ đại từ nhân cách đến tri thức mà tôi luôn kính trọng, ngưỡng mộ, cảm phục. Quãng thời gian dài học với thầy, tôi được thầy dìu dắt, dạy dỗ như con.

Thầy là người khích lệ, động viên tôi không ngừng học tập, trau dồi kiến thức, cho tôi rất nhiều tài liệu quý giá để tham khảo, tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn về ca hát và sư phạm.

Từ những kinh nghiệm quý báu mà thầy đã truyền đạt, tôi có đủ sự tự tin để đứng trên bục giảng, tiếp tục dạy những thế hệ học trò, nối tiếp truyền thống của khoa thanh nhạc - nơi cả cuộc đời thầy đã cống hiến và đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi cho nền âm nhạc Việt Nam.

Luôn luôn tự làm mới mình

Bên cạnh thính phòng, Khánh Ly còn ra các sản phẩm âm nhạc mang màu sắc dân gian. Khánh Ly có gặp trở ngại gì không khi cùng một lúc thể hiện nhiều dòng nhạc khác nhau?

- Tôi đã gặp rất nhiều trở ngại khi phát hành album nhạc dân gian “Lời ru nguồn cội” bởi đó vốn không phải là sở trường của mình. Với dòng máu xứ Nghệ chảy trong người cùng với tình yêu quê hương da diết đã thôi thúc tôi phải cố gắng để phát hành một album dân gian dành tặng cho cha mình.

Nguyễn Khánh Ly luôn kiên định với lựa chọn âm nhạc thính phòng của mình

Nguyễn Khánh Ly luôn kiên định với lựa chọn dòng âm nhạc thính phòng cổ điển

Tôi vẫn luôn đau đáu về quê hương xứ Nghệ - nơi mình sinh ra và lớn lên. Tôi đã thử nghiệm dòng nhạc dân gian với những ca khúc quen thuộc, đặc biệt là những tác phẩm mang âm hưởng dân ca ví giặm. Rất vui là với album đó, tôi nhận được sự yêu mến và khích lệ của giới chuyên môn, bạn bè nghệ sĩ, học trò và công chúng.

Đào tạo học trò theo đuổi dòng nhạc thính phòng, Khánh Ly đã truyền đạt những kinh nghiệm nào để các em đam mê và bền bỉ, khi mà dòng nhạc này ít đất diễn và kén khán giả?

- Kinh nghiệm đầu tiên và cũng là mãi mãi của tôi truyền cho học trò là: Đã là đam mê thì bạn hát dòng nào bạn cũng thấy yêu thích nó. Dòng nhạc thính phòng vừa khó về kỹ thuật lại kén người nghe nhưng nếu bạn đủ đam mê bạn sẽ yêu thích nó. Bạn sẽ phải chinh phục nó bằng mọi cách.

Có thể theo đuổi dòng nhạc này bạn sẽ không giàu có như nhiều nghệ sĩ khác nhưng chắc chắn, thành quả mang lại chính là bạn đã tiếp nối những tinh hoa của nền âm nhạc bác học thế giới. Tôi luôn động viên học trò của mình: Hãy học tập say mê và yêu nghề, bạn sẽ nhận kết quả xứng đáng!

Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly hết mình với dòng nhạc thính phòng cổ điển

Năm 2024 này, Khánh Ly đã có những dự định và kế hoạch gì trong nghề?

- Tôi đang ấp ủ một số dự án âm nhạc mới sẽ được ra mắt, hy vọng được khán giả ủng hộ và chào đón. Tôi luôn luôn mong muốn làm mới mình và đặc biệt, trong thời gian tới, tôi sẽ ra mắt một dự án âm nhạc mới được đầu tư chỉn chu. Đó cũng là cách mà tôi cảm ơn khán giả đã ủng hộ, theo dõi mình trong nhiều năm qua.

Chúc Khánh Ly luôn thăng hoa, đam mê và sáng tạo trên con đường ca hát và giảng dạy của mình!

Ca sĩ Nguyễn Khánh Ly là một trong những học trò xuất sắc của GS. NSND Nguyễn Trung Kiên. Cô từng đạt giải Nhì cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Hà Nội năm 2006; giải Ba Sao Mai 2011 dòng thính phòng; giải Nhì cuộc thi Thính phòng - Nhạc kịch TPHCM năm 2017. Hiện cô là giảng viên Khoa Thanh nhạc - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan