Giá tiêu sẽ đi về đâu?
Trái với kỳ vọng tăng trở lại, trong cả tuần đầu tháng 7/2024, giá tiêu giảm 8.000 - 11.000 đồng/kg. Giá tiêu sẽ đi về đâu đang là câu hỏi được đặt ra lúc này.
Thông tin thị trường khá nhiễu loạn
Diễn biến nhanh và liên tục, biến động của thị trường giá tiêu trong nước được ví giống như hàng hóa trên sàn chứng khoán. Sáng một giá, chiều lại một giá khác, thậm chí, nhiều thương lái cho biết, giá tiêu điều chỉnh tăng vào thời điểm ban đêm nhưng giảm vào thời điểm ban ngày khiến nhiều người trở tay không kịp.
Giá tiêu sẽ đi về đâu? |
Là người trồng tiêu và cả thương lái, giới đầu cơ ngóng giá tiêu mỗi giờ, mỗi phút. “Ước gì giá tiêu bật tăng lên 300.000 đồng/kg”, “giá tiêu lên 160.000 đồng là sẽ chốt bán”, “giá tiêu sẽ đi về đâu”, hay “giá tiêu có đi về đâu cũng không còn hàng để bán”,… rất nhiều thông tin được chia sẻ trên khắp các diễn đàn, hội nhóm ngành hàng hồ tiêu.
Giá tăng là điều mong mỏi của bà con trồng tiêu bởi bán càng được giá thì lợi nhuận càng nhiều. Thế nhưng, nhiều người cho rằng, giá tiêu giờ có tăng thì bà con trồng tiêu cũng không mấy người được hưởng lợi vì hồ tiêu trong dân không còn nhiều.
Tất nhiên, “mong mỏi” là quyền của mỗi người nhưng thực tế lại không như vậy. Trong suốt tuần đầu của tháng 7/2024, giá tiêu có có phiên điều chỉnh tăng nhẹ, nhưng bức tranh chung là giảm mạnh. Trong đó, tại hai tỉnh Đồng Nai và Gia Lai cùng giảm 8.000 đồng/kg về chung mức 145.000 đồng/kg. Đây cũng là giá thu mua hồ tiêu được ghi nhận tại tỉnh Bình Phước sau khi giảm 10.000 đồng/kg.
Thương lái tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Bà Rịa - Vũng Tàu đang cùng giao dịch chung mức 146.000 đồng/kg, giảm 8.000 - 11.000 đồng/kg tùy khu vực so với tuần trước đó. Giá tiêu giảm, giúp những người bán khống gỡ gạc đôi chút. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khả năng giá tiêu giảm sâu hơn là khó.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPPA), nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá tiêu tăng “nóng” trong thời gian qua. Bởi, diện tích bị thu hẹp sau giai đoạn dài giá tiêu xuống thấp, cùng với đó là tác động của El Nino. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn ở châu Á như: Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Sri Lanka, Brazil do tác động của El Nino.
Trong khi đó, nhiều nông dân ở các vùng trồng tiêu cho hay, mặc dù giá tăng nhưng người trồng được hưởng lợi không nhiều do đa số vườn tiêu lâu năm đã bị thay thế bằng sầu riêng và một số loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Mặt khác, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên năng suất tiêu giảm mạnh trong những năm gần đây, trung bình từ 20 - 30%.
Dự báo tăng cả trong ngắn hạn và dài hạn
VPPA tiếp tục đưa ra nhận định, với tình hình hiện tại, sản lượng hồ tiêu toàn cầu chưa thể đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng vẫn có xu hướng tăng trong 3 - 5 năm tới. Ở nước ta, loại hạt thế mạnh này bước vào chu kỳ tăng giá mới, bù cho những năm giá xuống quá thấp.
Diện tích hồ tiêu vẫn giảm do già cỗi, người dân chuyển đổi cây trồng. Trong khi, thời điểm này chưa trồng mới thì 4 năm nữa vẫn chưa thể tăng được sản lượng. Do đó, ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) sẽ duy trì tình trạng khan hiếm cung.
Về ngắn hạn, theo VSPA, năm 2024 nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu dự kiến đạt tới 529.000 tấn, vượt 64.000 tấn so với sản xuất. Với tình trạng khan hiếm nguồn cung hồ tiêu như hiện nay, nhiều chuyên gia ngành hàng nhận định giá tiêu trong thời gian tới có thể vượt đỉnh chu kỳ giá lần trước.
PTEXIM Corp cũng nhận định tình trạng hàng ra thị trường “nhỏ giọt” sẽ còn hỗ trợ giá tiêu trong thời gian tới. Hiện giá tiêu đen tại các kho giao ngay đã thiết lập mặt bàng giá sàn mới so với trước đây.
Theo ông Hoàng Phước Bính, hiện giá giao dịch hồ tiêu Việt Nam nói chung và giá các loại tiêu khác trên thế giới đang cao hơn mặt bằng giá trong nước nên nhiều đại lý có động lực lớn để găm giữ hàng. Trong khi đó, hiện không có doanh nghiệp nào mua hàng nghìn tấn tiêu lúc này khiến lực cầu trên thị trường “dễ gãy”.
Trong khi đó, VPSA vừa có thông báo, trong thời gian vừa qua, thông tin giá cả trên website của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) về giá tiêu Việt Nam khác biệt lớn so với thông tin mà Hiệp hội cung cấp, có thời điểm có sai sót. Để tránh bị dao động tâm lý dẫn đến việc đưa ra quyết định gây thiệt hại về kinh tế, VPSA đề nghị bà con nông dân, đại lý và công ty xuất khẩu, bạn hàng nước ngoài tham khảo thêm từ các nguồn khác, đảm bảo tính khách quan và độ tin cậy hơn khi quyết định mua/bán.
Hiện giá tiêu đang được chào bán quanh ngưỡng 150.000 đồng/kg. Trong khi câu chuyện về giá bán đang nóng tại khắp các diễn đàn hồ tiêu thì câu chuyện tính bền vững của thị trường cũng đang là chủ để được các doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng tiêu của Việt Nam năm 2023 đạt 120.000 ha, giảm 4,2% so với năm 2022 và giảm 24,3% so với năm có diện tích cao nhất là năm 2017 khoảng 151.900 ha. Ước tính sản lượng tiêu năm 2024 tiếp tục giảm xuống còn 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây.
Nguyên nhân giảm chủ yếu do ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh hại và giá tăng mạnh của một số mặt hàng nông sản khác như sầu riêng, cà phê trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc giữ tiêu chờ giá cao của nông dân đã dẫn đến thiếu hụt, không chỉ gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu mà còn ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành hồ tiêu. Rõ ràng, ngành trồng trọt mà ở đây là ngành hồ tiêu không được phép chủ quan dù cho trong nửa đầu năm có tín hiệu tốt về mặt “được giá”.
Cùng với vấn đề chất lượng, việc phát triển ngành trồng trọt để đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng thiếu hụt nguồn cung khi “được giá” cũng cần được giải quyết. Câu chuyện chuỗi giá trị ngành hàng một lần nữa được nhấn mạnh để hướng đến mục tiêu phát triển trồng trọt chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, gia tăng giá trị xuất khẩu và giảm thiểu được những rủi ro về thị trường.