A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà phê Việt cần tận dụng UKVFTA đẩy mạnh xuất khẩu sang Vương quốc Anh

Được đánh giá là một trong những thị trường hàng đầu tiêu thụ cà phê thế giới, Vương quốc Anh đang trở thành một điểm đến quan trọng của hạt cà phê Việt Nam bằng việc tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, Chính phủ Anh đã chủ động thực hiện chiến lược thương mại “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain) nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Anh cũng sẵn sàng mở cửa thị trường nội địa theo phương thức “có đi có lại” với các đối tác nước ngoài thông qua các FTA. Đồng thời, thúc đẩy đàm phán các FTA với 19 quốc gia hoặc Liên minh các quốc gia, trong đó tập trung ưu tiên các đối tác thương mại lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ. Đồng thời, chủ trương kế thừa toàn bộ các FTA của EU đang có hiệu lực trên cơ sở đồng thuận với bên ký kết của các FTA này trong đó có FTA Việt Nam – EU (EVFTA).

ca-phe-viet-thach-thuc-phat-tr-5266-2999

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại để tăng lượng xuất khẩu cà phê sang thị trường Vương quốc Anh.

Thống kê cho thấy xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh đã tăng trưởng liên tục và đạt tới gần 40.000 tấn với trị giá gần 67,2 triệu USD trong năm 2019. Tuy nhiên, năm 2020 xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Anh chỉ đạt 27.915 tấn, giảm 43,2% và trị giá hơn 48 triệu USD, giảm 38,9% so với năm 2019.

Năm 2021, nhập khẩu cà phê của Vương quốc Anh từ Việt Nam trong năm 2021 giảm 35,5% về lượng và giảm 31,1% về trị giá so với năm 2020, đạt 34,65 nghìn tấn, trị giá 66,16 triệu USD. Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Vương quốc Anh giảm từ 23,03% năm 2020, xuống còn 17,04% năm 2021. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chính sách phong tỏa kéo dài của Chính phủ Anh khiến nhu cầu tiêu dùng cà phê giảm mạnh.

Ông Trần Thái, Giám đốc Công ty T&T Meridian (UK) cho hay, người Anh không uống cà phê đậm đặc như cà phê đen của Việt Nam, nên cà phê thành phẩm có mùi và vị mạnh quá sẽ khó bán ở thị trường Anh. Ngoài ra, thói quen của người tiêu dùng nước này là đọc thông tin trên bao bì rất kỹ, nên sản phẩm cần có bao bì đẹp, thông tin cụ thể.

Thị hiếu tiêu dùng cà phê ở Vương quốc Anh có sự khác biệt rõ ràng so với các nước châu Âu khác. Cà phê hòa tan là chủng loại cà phê được người tiêu dùng Anh ưa chuộng nhất. Các thương hiệu cà phê hòa tan hàng đầu tiếp cận được nhiều người tiêu dùng hơn so với các nhãn hiệu cà phê mới xay của họ.

Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng tận dụng cơ hội từ UKVFTA mang lại để tăng lượng xuất khẩu cà phê sang thị trường này. Trong đó, doanh nghiệp phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn Anh, châu Âu, đồng thời tích cực chủ động xây dựng và phát triển quan hệ bạn hàng với các tập đoàn phân phối lớn. Đặc biệt, phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.

Ngoài ra, doanh nghiệp phải chủ động được công nghệ bảo quản và vận chuyển nông sản bằng đường biển; sử dụng tốt chính sách tín dụng ưu đãi và dịch vụ đánh giá, xác minh tín nhiệm của khách hàng của các ngân hàng Anh.

Chưa hết, gần đây Anh cũng quyết tâm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng nghĩa với việc Anh sẵn sàng mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia Hiệp định này để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường ưu đãi cho các sản phẩm xuất khẩu của các doanh nghiệp Anh. Khi đó, không chỉ cà phê mà nhiều sản phẩm Việt Nam tại thị trường Anh sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP.

Hiện nay, cà phê nằm trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, hiện đứng thứ 2 thế giới (chỉ sau Brazil), có mặt hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như: Đức, Mỹ, Tây Ban Nha, Italia, Bỉ, Anh và các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Năm 2021, chủng loại cà phê xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu là cà phê Robusta. Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê Robusta đạt 1,218 triệu tấn, trị giá 2,02 tỷ USD, giảm 1,4% về lượng, nhưng tăng 9,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm, như: Đức giảm 1,4%; Ý giảm 11,2%; Hoa Kỳ giảm 0,6%, Tây Ban Nha giảm 37,8%; Algeria giảm 12,2%. Ngược lại, lượng cà phê Robusta xuất khẩu sang Nga tăng 15,1%; Trung Quốc tăng 61,1%...

Trà My


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết