A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

VN-Index có đang thực sự tốt như những gì thể hiện?

Phiên vượt mốc 1.300 điểm vừa qua đã phần nào hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu tư sau khoảng thời gian chìm sâu dưới vực. Nhiều chuyên gia cho rằng, thị trường đang xác lập một xu hướng khả quan, song không thể phủ nhận vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại về thị trường.

Thị trường chứng khoán (TTCK) bước sang tuần hồi phục thứ 3 liên tiếp kể từ khi xuống đáy dưới ngưỡng 1.200 điểm. Tuy nhiên, theo quan sát, những phiên hồi phục gần đây, có thể thấy hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” đang thường xuyên diễn ra.

Lo thị trường “méo mó”

Chẳng hạn như trong phiên bắt đáy (7/6), thị trường hầu hết bao phủ bởi sắc đỏ với 309 mã giảm giá áp đảo 149 mã tăng giá, nhưng VN-Index vẫn tăng 1,34 điểm nhờ nhóm cổ phiếu trụ chuyển xanh trong những phút cuối của phiên.

Một số cổ phiếu tham gia “giải cứu” thị trường có kể đến như PLX (+ 4%), BVH (+ 3,7%), FPT (+ 2,3%), PNJ (+ 2,4%), POW (+ 6,9%), VCB (+ 1,6%). Các mã SAB, MSN, GAS, CTG… dù không tăng mạnh nhưng nhờ vốn hoá lớn cũng đã đóng góp tích cực cho VN-Index.

chungkhoan-2-1654764341-7108-1654764624.

Thị trường còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại.

Hay như phiên trước đó (6/6), thị trường cũng diễn biến tương tự khi được nâng đỡ bởi các mã cổ phiếu vốn hóa lớn đầu ngành như GAS (+4,6%), MSN (+3,7%), SAB (+3,3%), MWG (+1%), VNM (+0,7%).

Có thế thấy, việc VN-Index liên tục tăng điểm nhờ nhóm cổ phiếu trụ khiến cho tâm lý nhiều nhà đầu tư khá lo lắng. Trong số đó, nhiều người cho rằng mình bị mất phương hướng vì khó khăn trong việc dự đoán xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

“Thị trường tăng điểm nhưng sao vẫn cảm thấy vô cùng bất an. Nhiều lúc chờ đợi những phút cuối phiên như chơi trò “ú òa” bởi thị trường biến động thật khó lường”, chị Ngọc Diệp chia sẻ.

Ngoài ra, thanh khoản vẫn là điều “lăn tăn” khá lớn ở thời điểm hiện tại. Mặc dù trong các phiên lấy lại các mốc quan trọng như 1.200 và 1.300 điểm, thanh khoản thị trường vẫn không có nhiều đột phá, thậm chí còn sụt giảm hơn.

Điển hình như phiên lấy lại mốc 1.300 điểm (8/6), tổng giá trị khớp lệnh 3 sàn giảm 7% so với phiên trước đó, còn 18.565 tỷ đồng; riêng giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 5% xuống 15.678 tỷ đồng. Mặc dù trong phiên trước đó, thanh khoản thị trường đã trở lại mốc tỷ USD (~ 1 tỷ USD).

Hơn nữa, thanh khoản thị trường không chia đều toàn thị trường mà chủ yếu chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa lớn. Như vậy, rất có thể thị trường đi lên chỉ là do sự tác động từ các cổ phiếu trụ kéo chỉ số.

Cũng trong phiên 8/6, Top 10 cổ phiếu thanh khoản lớn nhất “tam sàn” hầu hết dồn vào cổ phiếu rổ VN30 như HPG, POW, VPB, STB, SSI, MWG, FPT... Tại nhóm vốn hóa vừa và nhỏ, chỉ có PVD và DPM là ghi nhận thanh khoản ở mức khá.

Đáng chú ý, điểm chung của hầu hết trong phiên hồi phục có động lực tăng từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, chỉ số VN-Index vẫn không nhận được sự hỗ trợ toàn bộ từ các “siêu trụ”, mà diễn ra theo sự phân hóa.

Hơn nữa, số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong tháng 5 “đỏ lửa” vẫn có nửa triệu “tay chơi” gia nhập thị trường, thiết lập mức kỷ lục mới về số lượng tài khoản mở mới.

Như vậy, bất chấp việc số lượng tài khoản tăng cao, thanh khoản thị trường vẫn sụt giảm đáng kể là điều không được tích cực cho lắm. Điều này cho thấy nhà đầu tư vẫn “hoài nghi” về thị trường và vẫn đứng ngoài để chờ đợi tín hiệu thực sự khả quan.

“Thị trường đang đi lên trong sự nghi ngờ, bởi thanh khoản vẫn chưa có nhiều đột phá”,  một chuyên gia nói.

Sợ “bong bóng chứng khoán”

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn của Quốc hội, đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu vấn đề giá trị vốn hóa của doanh nghiệp đang gấp nhiều lần giá trị lúc phát hành lần đầu. Sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư, nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá lũng đoạn thị trường, tạo ra "bong bóng chứng khoán". Tình trạng này làm tăng suất vốn đầu tư trên một đơn vị tăng trưởng, giảm hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế.

Lo ngại của đại biểu Lâm không phải không có cơ sở, bởi những năm qua, TTCK phát triển quá nhanh và mạnh mẽ. Từ năm 2019 đến năm 2021, số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản tham gia vào thị trường liên tục lập kỷ lục. Từ khoảng 2,3 triệu tài khoản đã tăng lên 4,3 triệu tài khoản, số lượng tài khoản tăng thêm bằng cả 20 năm qua. Đồng thời, chỉ số VN-Index cũng tăng mạnh mẽ từ 1.000 điểm lên mức 1.500 điểm (3/2022).

Cũng trong 2 năm này, quy mô thị trường đã tăng rất nhanh, từ mức khoảng 4,3 triệu tỷ đồng lên tới 7,7 triệu tỷ. Theo đó, giá trị vốn hóa thị trường đã vượt ngưỡng 350 tỷ USD, tương đương hơn 120% GDP cùng năm.

Theo đó, các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy lên mức giá cao không tương xứng với kết quả doanh nghiệp.

Không chỉ vậy, việc công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư vẫn còn chưa minh bạch, các giao dịch mua bán “chui” vẫn diễn ra.

Những điều này cho thấy thị trường vẫn xuất hiện lỗ hổng khá lớn. Mặc dù từ đầu năm đến nay, một số vụ việc đã được đưa ra ánh sáng song dư âm của nó vẫn khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ lo sợ và không yên tâm vào thị trường, dẫn tới áp lực bán kéo dài trên diện rộng, gây ảnh hưởng lớn đến thị trường trong thời gian qua.

Trong khi đó, TTCK được kỳ vọng trở thành một trong những kênh huy động vốn nhàn rỗi quan trọng của cá nhân để trở thành vốn đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, những sai phạm trong thời gian qua là của cá nhân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu để sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào quản lý chặt chẽ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, việc đầu tư của nhà đầu tư cá nhân; giám sát phương thức phân phối trái phiếu để tránh việc bán cho nhà đầu tư không đúng đối tượng; yêu cầu xếp hạng tín nhiệm; tăng cường trách nhiệm và có biện pháp quản lý giám sát các tổ chức trung gian.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có kế hoạch rà soát Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp để sớm trình Quốc hội sửa đổi các quy định về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các biện pháp và chế tài xử phạt để tăng tính răn đe….

Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các cơ quan báo chí để đảm bảo hiệu quả tuyên truyền, cung cấp thông tin xác thực về quan điểm, định hướng chỉ đạo của Chính phủ để ổn định tâm lý thị trường, hỗ trợ hoạt động huy động vốn và hoạt động đầu tư trên thị trường vốn; tiếp tục chủ động thông tin tuyên truyền phổ biến chính sách về chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường.

Các chuyên gia đánh giá, trong khoảng 3-5 năm tới, TTCK được ví như “mỏ vàng”. Vì vậy, sự lạc quan về thị trường vẫn luôn hiện hữu, nhất là câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ chắc chắn mang tới yếu tố tích cực rõ ràng nhất cho thị trường.

Tuy nhiên, để khai thác được “mỏ vàng” này, nhà đầu tư sẽ phải đi qua nhiều “hố bom”. Việc cần làm của nhà đầu tư lúc này là cần nhanh chóng ổn định tâm lý để cùng hòa nhịp đưa thị trường vươn tới những tầm cao mới.

Hải Giang


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết