A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vĩnh Phúc: Tạo lực đẩy để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với những tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường triển khai các hoạt động hỗ trợ liên kết, kết nối các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước (DDI) của tỉnh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp từng bước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội - thách thức đan xen

Tỉnh Vĩnh Phúc được biết đến là một trong những trung tâm công nghiệp lớn về cơ khí ô tô, xe máy, điện tử ở phía Bắc và đã hình thành được chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực này.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 400 doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Thời gian qua, tác động của dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, nhiều doanh nghiệp FDI có nhu cầu tìm các nhà cung cấp tại chỗ tham gia vào chuỗi cung ứng, nội địa hóa cao nhất các sản phẩm. Đây là cơ hội lớn các doanh nghiệp DDI của địa phương cần nắm bắt.

Tuy nhiên, trên thực tế, số doanh nghiệp của Vĩnh Phúc tham gia vào chuỗi cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp FDI còn rất ít, chưa được như mong đợi và chủ yếu là nhà cung cấp lớp 2, lớp 3; quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cơ khí, một số công đoạn gia công. Nguyên nhân, do các doanh nghiệp hầu hết có quy mô nhỏ do đó gặp khó trong việc huy động nguồn lực đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp thiếu chủ động trong tìm kiếm, liên kết với các doanh nghiệp FDI hoặc không đủ tự tin đáp ứng yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp FDI.

Vĩnh Phúc: Tạo lực đẩy để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Chỉ số sản xuất của ngành xe máy tại Vĩnh Phúc 9 tháng đầu năm giảm 11,8%

Cùng với đó, thời gian vừa qua, sự suy giảm của nền kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế trong nước nói chung và của tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng. Ngành công nghiệp đối mặt với nhiều thách thức khi nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm, lượng hàng tồn kho tăng, dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng.

Thông tin của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023 cho thấy, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Ngành sản xuất linh kiện điện tử có sự phục hồi vào quý II nhưng lại sụt giảm vào quý III. Chỉ số sản xuất 9 tháng tăng 8,41%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Giá trị tăng thêm 9 tháng đầu năm ước tăng 10,70% so với cùng kỳ, tuy thấp hơn mức tăng những năm trước, nhưng với cơ cấu chiếm trên 48% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp toàn tỉnh, ngành linh kiện vẫn là động lực chính đóng góp vào tốc độ tăng GRDP của tỉnh.

Với ngành sản xuất ô tô, từ đầu năm đến nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do kinh tế khó khăn, lãi suất cho vay vẫn ở mức cao nên dù được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, lượng hàng tồn kho vẫn cao. Sản xuất 9 tháng đầu năm ước đạt 28,3 nghìn xe, giảm 30,82% so với cùng kỳ.

Ở ngành sản xuất xe máy, chỉ số sản xuất của ngành 9 tháng đầu năm giảm 11,8%; sản lượng xe máy đạt gần 1,17 triệu xe, giảm 9,38% so với cùng kỳ. Hiện nay, thị trường tiêu thụ các sản phẩm xe máy trong nước ở giai đoạn bão hòa, một bộ phận người dân có nhu cầu chuyển sang mua ô tô hoặc các sản phẩm xe máy điện đã khiến nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm xe máy giảm.

Với những hạn chế và thách thức như vậy, việc tận dụng được những cơ hội trước mắt là bài toán không đơn giản đối với các doanh nghiệp của Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc: Tạo lực đẩy để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Các doanh nghiệp DDI Vĩnh Phúc đang dần nắm bắt cơ hội để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Lực đẩy từ chính sách

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, hướng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại.

Thời gian qua, các hoạt động xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh. Theo đó, tỉnh đã tổ chức thành công chuyến xúc tiến đầu tư tại Hoa Kỳ với nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư và một số tổ chức xúc tiến thương mại tại Hoa Kỳ; tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút các nhà đầu tư chiến lược Việt Nam - Nhật Bản; tiếp đón và làm việc với hàng chục đoàn đầu tư từ các nước đến thăm, tìm hiểu môi trường của tỉnh.

Song song với đó, tỉnh cũng triển khai nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ về đổi mới công nghệ, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tiếp cận vốn vay, mặt bằng sản xuất kinh doanh... nhằm thu hẹp khoảng cách giữa các doanh nghiệp DDI và doanh nghiệp FDI.

9 tháng đầu năm 2023, kết quả thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc. Số vốn FDI vào tỉnh tăng cao so với cùng kỳ năm trước, vượt kế hoạch năm đề ra; số vốn DDI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và vượt gấp bốn lần so với kế hoạch năm. Cụ thể, 9 tháng đầu năm tỉnh đã thu hút đầu tư đạt hơn 491 triệu USD vốn đầu tư FDI, tăng 67,7% so với cùng kỳ năm trước và đạt 122,8% kế hoạch năm. Đồng thời, thu hút đạt hơn 20 nghìn tỷ đồng vốn DDI, đạt 206,7% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 4,05 lần so với kế hoạch năm 2023.

Có thể kể đến một số dự án đầu tư lớn hoàn thành, đi vào hoạt động trong giai đoạn 9 tháng đầu năm như: Dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử BHFLEX VINA; Dự án công nghiệp TYC Việt Nam; Dự án sản xuất, gia công khay, hộp phục vụ ngành công nghiệp, thương mại điện tử; Dự án Nhà máy Công ty TNHH công nghệ tiên tiến NIDEC Việt Nam; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Sơn Lôi…

Thời gian tới, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu, các ngành, các cấp tiếp tục chủ động kết nối, tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp xúc và làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư tại tỉnh; tổ chức đoàn công tác xúc tiến đầu tư một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc…; triển khai các đề án về cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi, thu hút các dự án lớn, các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư tại Vĩnh Phúc.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết