A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thị trường hàng hóa 21/1: Giá cà phê Robusta tăng 2,74%

Khép phiên giao dịch ngày hôm qua, giá cà phê nối dài đà tăng từ các phiên cuối tuần trước. Trong đó, giá cà phê Robusta tăng 2,74% lên mức 5.143 USD/tấn.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới khá trầm lắng trong ngày Mỹ nghỉ lễ Martin Luther King, giá một số mặt hàng được tính đến 2h30 sáng nay theo giờ Việt Nam. Tuy nhiên, lực mua vẫn chiếm ưu thế nên chỉ số MXV-Index nằm ổn định ở mức 2.308 điểm. Thị trường kim loại và nguyên liệu công nghiệp đóng cửa sớm và diễn biến tương đối thận trọng trong ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Thị trường hàng hóa 21/1: Giá cà phê Robusta tăng 2,74%

Chỉ số MXV-Index

Thị trường kim loại biến động giằng co

Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, thị trường kim loại diễn biến tương đối trầm lắng với thanh khoản mỏng khi Mỹ nghỉ lễ. Trong đó, đối với kim loại quý, giá bạc tăng khoảng 0,3% lên 31,23 USD/ounce trong khi giá bạch kim giảm nhẹ 0,24% xuống 963,2 USD/ounce.

Thị trường hàng hóa 21/1: Giá cà phê Robusta tăng 2,74%

Bảng giá kim loại

Trong phiên hôm qua, giá hai mặt hàng kim loại quý biến động trái chiều trong bối cảnh thông tin cơ bản có xu hướng phân hóa. Một mặt, giá kim loại quý gặp áp lực khi xung đột địa chính trị hạ nhiệt, đặc biệt là tại điểm nóng xung đột Trung Đông sau khi Israel và Hamas đã chính thức đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza sau nhiều tháng giao tranh. Điều này đã làm suy giảm nhu cầu đầu tư vào các kênh trú ẩn an toàn, qua đó gây áp lực lên giá bạc, bạch kim.

Mặt khác, giá kim loại quý, một loại hàng hóa trú ẩn, lại đón nhận lực mua do tâm lý lo ngại rủi ro gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức tuyên bố nhậm chức vào rạng sáng nay (theo giờ Việt Nam). Bên cạnh đó, theo dự báo từ giới phân tích và các chuyên gia trong ngành, ông Trump dự kiến sẽ sớm ban hành các chính sách về năng lượng quốc gia, nhấn mạnh vào việc mở rộng sản xuất dầu khí, có thể làm giảm chi phí năng lượng và áp lực lạm phát, củng cố cho kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong năm nay.

Về phía các mặt hàng kim loại cơ bản, sắc xanh vẫn có phần chiếm ưu thế trên bảng giá mặt hàng, ngoại trừ đồng và quặng sắt. Giá đồng COMEX giảm mạnh hơn 1% vào hôm qua, sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên lãi suất cho vay trong tháng thứ ba liên tiếp trong đợt điều chỉnh tháng 1, bất chấp cam kết thúc đẩy tiêu dùng của nước này.

Đối với giá quặng sắt, thị trường biến động giằng co nhưng phe bán vẫn có phần chiếm ưu thế do lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc. Trong tuần kết thúc ngày 12/1, giá thép thành phẩm trung bình tại Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ, theo thông báo từ Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC). Cụ thể, từ ngày 6/1 đến 12/1, giá trung bình của thép cuộn cán nóng, thép thanh vằn và thép tấm giảm lần lượt 1,9%, 1,3% và 1,2% so với tuần trước.

Giá nhôm được hỗ trợ trong bối cảnh hoạt động áp thuế Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ được hoãn lại. Trong một tuyên bố, ông Trump cho biết sẽ ban hành một bản ghi nhớ thương mại toàn diện, trong đó không áp dụng các mức thuế mới ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Thay vào đó, ông sẽ chỉ đạo các cơ quan liên bang đánh giá mối quan hệ thương mại của Mỹ với Trung Quốc, Canada và Mexico.

Giá cà phê nối dài đà tăng

Theo MXV, trong phiên giao dịch ngày đầu tuần, một nửa mặt hàng trong nhóm nguyên liệu công nghiệp nghỉ giao dịch, bao gồm cà phê Arabica, bông, ca cao và đường 11. Trong đó, giá cà phê tiếp tục nối dài đà tăng từ các phiên cuối tuần trước do triển vọng nguồn cung kém lạc quan tại Brazil, quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới. Đóng cửa, giá cà phê Robusta tăng 2,74% lên mức 5.143 USD/tấn.

Thị trường hàng hóa 21/1: Giá cà phê Robusta tăng 2,74%

Bảng giá nguyên liệu công nghiệp

Theo báo cáo do ngân hàng đầu tư Itau BBA công bố hôm qua, sản lượng thu hoạch cà phê của Brazil vào năm 2025 dự kiến ​​vẫn ở mức thấp, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp sản lượng dưới mức trung bình. Ngân hàng này cũng cho biết giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và có khả năng tăng cao hơn nữa trong bối cảnh tiêu thụ cà phê toàn cầu ngày càng tăng, trong khi nguồn cung cà phê Arabica hạn chế trong năm 2025 và đầu năm 2026.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh giảm ước tính sản lượng thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 của Brazil, xuống 66,4 triệu bao loại 60 kg từ mức 69,9 triệu bao ghi nhận trong báo cáo trước, trong đó 45,4 triệu bao là hạt Arabica (chiếm 68,38% tổng sản lượng) và 21 triệu bao cà phê Robusta (chiếm 31,62%).

Thêm vào đó, việc tỷ giá USD/BRL giảm tác động gián tiếp lên hoạt động xuất khẩu tại Brazil cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá cà phê trong phiên hôm qua. Đồng USD được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng mạnh sau khi ông Donald Trump chính thức tuyên bố nhậm chức, điều này đã kéo tỷ giá USD/BRL giảm 0,64% xuống 6,03 điểm. Chênh lệch tỷ giá thu hẹp có thể khiến nông dân tại Brazil hạn chế bán cà phê do thu về ít ngoại tệ hơn, qua đó làm giảm lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới.

Trong một diễn biến khác, giá dầu cọ tăng khoảng 0,5% lên mức 955,6 USD/tấn, chủ yếu là nhờ lực mua kĩ thuật tăng cao sau khi giá liên tục giảm trong những phiên gần đây. Tuy vậy, giá mặt hàng này vẫn đang gặp áp lực trong bối cảnh triển vọng nhu cầu yếu, đặc biệt là tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới.

Các quan chức nước này cho biết, sản lượng nhập khẩu dầu cọ vào tháng 1/2025 của Ấn Độ dự kiến sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm, do nhu cầu sụt giảm mạnh và người mua đang dần chuyển từ tiêu thụ dầu cọ sang dầu đậu tương. Theo ước tính của các quan chức, nước này nhập khẩu khoảng 110.000 tấn dầu cọ trong nửa đầu tháng 1 và lượng nhập khẩu trong cả tháng dự kiến chỉ đạt khoảng 340.000 - 370.000 tấn, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Giá một số loại hàng hóa khác

Thị trường hàng hóa 21/1: Giá cà phê Robusta tăng 2,74%
Bảng giá năng lượng
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết