A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Phải tiếp tục cải cách thể chế

Trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn, việc đưa ra được giải pháp cải cách thể chế mang tính căn cơ, lâu dài sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Chia sẻ tại hội thảo “Tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp” vừa diễn ra cho thấy: Nhìn chung, doanh nghiệp đều gặp khó khăn về thị trường, dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng phải thu hẹp quy mô sản xuất, giảm sản lượng, thậm chí chuyển nhượng bớt cổ phần, tài sản, dự án đầu tư trong bối cảnh thị trường mua bán - sáp nhập không thuận lợi.

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp: Phải tiếp tục cải cách thể chế

Doanh nghiệp hiện vẫn gặp nhiều khó khăn

Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết, hiện nay, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Sự cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa doanh nghiệp trong nước mà còn có sự gay gắt giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Trong những khó khăn trên, doanh nghiệp gặp khó nhất là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay chưa được sáng sủa. Cụ thể: GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 3,72%, mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2%.

Bên cạnh đó, tình hình doanh nghiệp cũng không mấy khả quan: Trong tháng 6, cả nước có 12.333 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 ghi nhận khoảng 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 16.600 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Trước thực tế nêu trên, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cần thiết phải thực hiện cải cách thể chế. Vì thực tế hiện nay, thể chế không chỉ tạo thủ tục hành chính mà còn tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ lớn. Chẳng hạn, Dự thảo quyết định định mức tái chế vừa được bàn thảo, ngoài thủ tục hành chính, dự kiến những doanh nghiệp không tự tái chế phải nộp khoản tiền cho Quỹ bảo vệ môi trường hay dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - chia sẻ: Nếu không có thể chế tốt, cơ chế vận hành thể chế tốt thì khó có thể tồn tại một cách hiệu quả nền kinh tế thị trường. Do đó, để tháo gỡ những khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp trong thời gian tới, cải cách thể chế là điều tiên quyết, cần có những chính sách mang tính căn cơ, lâu dài.

Bên cạnh đó, TS. Trần Thị Hồng Minh cũng đề xuất một số biện pháp để tháo gỡ khó khăn, mở rộng không gian kinh tế cho doanh nghiệp thời gian tới. Đó là, nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Vì thực tế, phần lớn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu còn chưa hiểu biết đầy đủ trong việc áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định mới ở các thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ cần mở rộng không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới trên tinh thần sớm nhất, bền vững nhất có thể; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết